Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của con người: Chế độ dinh dưỡng, chế độ tập luyện, môi trường sống tác động, gene di truyền... Vấn đề đặt ra là: Nếu tất cả mọi người đều già hóa một cách tự nhiên, những tác động từ bệnh tật và từ môi trường không làm cho sự già hóa xảy ra nhanh hơn thì con người có thể sống được bao nhiêu tuổi?
Con người có thể bất tử?
TS.BS Bùi Nguyên Kiểm, Phó Chủ tịch Hội Nội khoa Hà Nội, cho hay, khoa học đã đặt ra giả thiết nếu được sống trong môi trường "lý tưởng" (môi trường sống thuận lợi, sự lão hóa là hoàn toàn tự nhiên...) thì con người có thể sống tới 100 - 120 tuổi. Nhưng điều đó là bất khả kháng vì không thể tạo ra một môi trường "lý tưởng" cho sự sống như thế.
Thực tế cho thấy, việc tăng tuổi thọ trung bình xảy ra chủ yếu nhờ giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ do đấu tranh thành công với các bệnh truyền nhiễm và chấn thương.
Có nhiều tác nhân ảnh hưởng đến tuổi thọ của con người, như chế độ dinh dưỡng, chế độ tập luyện, môi trường sống... Nhưng dù đảm bảo các yếu tố trên theo hướng thuận lợi cho sự sống thì con người cũng không thể trở thành bất tử.
Lý giải cho điều này, TS Bùi Nguyên Kiểm phân tích: Trước đây, các nhà khoa học cho rằng những tế bào trong cơ thể có số lần phân chia vô hạn. Thế nhưng, công trình nghiên cứu của Hayflik (Mỹ) đã chứng minh rằng, chỉ có tế bào ung thư mới phân chia vô hạn, còn tất cả các tế bào bình thường chỉ phân chia 50 lần rồi ngừng phân chia và chết đi. Nhà khoa học còn phát hiện ra rằng: Sự phân chia đủ 50 lần chỉ có ở các tế bào từ bào thai, còn người càng già thì số lần phân chia của tế bào càng ít, nhưng vì sao tế bào chỉ phân chia 50 lần vẫn còn là một ẩn số với các nhà khoa học.
Điều đáng chú ý, các tế bào có khả năng nhớ được số lần phân chia đó, ngay cả khi đã được làm đông lạnh tới -200C trong một khoảng thời gian dài. Đó chính là lý do quyết định đến việc con người không thể trường thọ, dù các yếu tố về môi trường, chế độ dinh dưỡng... có được đảm bảo thuận lợi.
|
Cụ bà Đoàn Thị Nghị (sinh năm 1912) Tam Nông, Phú Thọ dự lễ trao giải “Bí quyết Sống khỏe” do Báo KH&ĐS tổ chức. |
Tại sao phụ nữ thường thọ hơn nam giới?
Do tốc độ lão hóa tuân theo "quy tắc 4 không" (không đồng thì, không đồng tốc, không đồng mức và không đồng hướng) nên sự già hóa ở mỗi người có sự khác nhau. Theo TS Bùi Nguyên Kiểm, khái niệm "trai ba mươi tuổi đương xoan, gái ba mươi tuổi đã toan về già" không còn phù hợp, bởi không phải cứ phụ nữ là chóng lão hóa hơn nam giới. Tuy nhiên, có một điều dễ dàng nhận thấy là phụ nữ thường thọ hơn nam giới. Vì sao lại như vậy?
BS Trần Lực, Viện Lão khoa T.Ư lý giải: Có nhiều nguyên nhân tác động khiến nam giới đoản thọ hơn nữ giới. Về mặt nhiễm sắc thể, nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng nam giới có một cặp nhiễm sắc thể XY, trong khi phụ nữ có một cặp nhiễm sắc thể XX. Bao giờ hai nhiễm sắc thể X cũng sẽ tốt hơn một cặp nhiễm sắc thể XY, bởi nếu khiếm khuyết thể hiện trên một nhiễm sắc thể X thì người phụ nữ vẫn còn một nhiễm sắc thể X khác cho phép các gene tốt thể hiện tính trội, trong khi ở nam giới thì không có được điều này.
Thứ nữa, nam giới mắc một số thói quen không tốt cho sức khoẻ, đặc biệt là việc hút thuốc, uống rượu, bia... cũng làm giảm tuổi thọ. Mức độ của hormon testosterone trong cơ thể nam giới luôn ở mức khá cao và liên tục thay đổi. Điều đó có thể gây ra một số hành vi khá nguy hiểm ở nam giới lúc trẻ tuổi (không đeo dây an toàn khi đi ô tô, thích gây gổ, đánh nhau, chơi với các loại vũ khí nguy hiểm...). Những hành vi này dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn ở nam giới. Phụ nữ có nhiều hormon oestrogen hơn đàn ông. Đây là loại hormon có tác dụng bảo vệ khỏi bệnh tim mạch.
Đàn ông thường tiếp xúc với những thách thức miễn dịch; thương tích, căng thẳng và trải qua phẫu thuật sẽ bị giảm hệ thống miễn dịch. Đàn ông thường chọn những công việc có nguy cơ cao, nặng nhọc. Đàn ông thường cố giữ những cảm xúc trong mình và điều này đã góp phần tạo thêm căng thẳng cho họ. Trong khi đó, phụ nữ có xu hướng nói chuyện nhiều hơn với bạn bè, điều này giúp họ giải quyết vấn đề và tăng cường các mối quan hệ... Tất cả những yếu tố đó làm cho tuổi thọ của nam giới thường thấp hơn phụ nữ.
|
Giao lưu, trò chuyện là cách giúp người già có tinh thần thoải mái, tăng cường sức khoẻ. |
Tuổi tăng, não teo
Các nghiên cứu đã chỉ ra, người trường thọ, khoẻ mạnh, hạnh phúc phải là người có đầu óc tỉnh táo, có thể tự lo liệu được cuộc sống hằng ngày. Việc sử dụng não một cách khoa học có thể làm cho não phát huy tác dụng hơn.
Não con người mỗi giờ có khoảng hơn một ngàn tế bào mất đi chức năng bình thường. Nếu con người sống đến 100 tuổi sẽ có hàng trăm triệu tế bào não mất đi chức năng. Tuy nhiên, con số đó không thấm tháp gì so với tổng số hàng chục tỷ tế bào não. Thậm chí, có những vùng trong não mà tế bào có thể tái sinh. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn không thể tránh khỏi quy luật tuổi càng cao thì số tế bào thần kinh chết đi nhiều làm não cũng teo dần. Khi tuổi cao, tế bào thần kinh giảm 10 - 17%, thậm chí có người giảm tới 25%. Từ 70 tuổi trở lên có người giảm tới 30%. Người mắc bệnh sa sút tâm thần thì con số này có thể lên tới 70%.
Về trọng lượng của não, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khi 70 tuổi thì trọng lượng này chỉ bằng 95% so với hồi trẻ, 80 tuổi là 90% và 90 tuổi là 80%. Vì những thay đổi ở trên làm thoái hóa não nên dẫn đến nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý người cao tuổi, khiến họ khó nhớ mau quên, phản ứng chậm chạp, nghe không rõ...
Để hạn chế việc teo não, cố GS Phạm Khuê cho rằng, cần phải mở mang trí tuệ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tránh xa lối sống cô độc; đọc sách, làm thơ, suy ngẫm nhiều để động não. Giữ tinh thần lạc quan để mạch máu não ở trạng thái thư giãn, tế bào thần kinh thu được dinh dưỡng tốt. Bên cạnh đó, phải tích cực phòng chữa các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, suy hô hấp...
(còn nữa)
"Con người nếu tư duy nhiều, có thể kích thích đại não, làm cho óc thường xuyên được cung cấp đủ máu, có thể làm chậm sự lão hóa của não. Người thường xuyên tích cực tham gia lao động trí óc, đồng thời giỏi suy xét thì sự lão hóa của não sẽ diễn biến chậm. Ngược lại người lười lao động thì não của họ sẽ suy thoái nhanh. Việc sử dụng hợp lý não của người già không những làm cho tế bào thần kinh giữ được tốt chức năng mà còn có thể làm chậm quá trình xơ cứng động mạch, giúp nâng cao thính lực, thị lực và năng lực phản ứng".
Cố GS Phạm Khuê