Nữ nghị sĩ đảng Dân chủ Tulsi Gabbard hôm 25/7 cho biết sẽ kiện Google, tố cáo “gã khổng lồ” tìm kiếm này đã can thiệp vào quá trình bầu cử. Đơn kiện đã được nộp lên tòa án liên bang tại Los Angeles và đánh dấu sự kiện lần đầu tiên mà một nhân vật tầm cỡ như ứng cử viên tổng thống kiện một công ty công nghệ thuộc nhóm "Big Tech" bao gồm Amazon, Apple, Facebook và Google.
|
Nữ nghị sĩ đảng Dân chủ Tulsi Gabbard trả lời câu hỏi trong đêm tranh luận đầu tiên của đảng Dân chủ. Ảnh: AP. |
Bà Gabbard cho rằng phía Google đã ngăn cản quá trình lấy tín nhiệm của bà sau đêm tranh luận đầu tiên của đảng Dân chủ vào tháng trước. Cụ thể, phía Google đã cho tạm ngưng hoạt động chiến dịch quảng cáo từ tài khoản của bà trong vòng 6 tiếng đồng hồ.
Theo tờ The New York Times, đơn kiện cũng yêu cầu bồi thường ít nhất 50 triệu USD vì những thiệt hại khi Gmail đã gửi các email chiến dịch của bà Gabbard tới hòm thư mục Spam của người dùng nhiều hơn bất kỳ các ứng viên khác.
“Google đã sử dụng quyền kiểm soát của họ đối với các bài phát biểu chính trị trực tuyến nhằm ‘câm lặng’ Tulsi Gabbard. Với đơn kiện này, bà Gabbard muốn ngăn chặn Google can thiệp sâu hơn vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020”, trích từ đơn khiếu nại cho biết.
Ngoài ra, bà Gabbard cũng cho biết thêm trong bài phát biểu: “Những hành động phân biệt đối xử từ phía Google đối với chiến dịch của tôi đã phản ánh sự nguy hiểm của việc thống trị hoàn toàn mảng tìm kiếm trên Internet của họ. Đây là một sự đe dọa đến quyền tự do ngôn luận, bầu cử công bằng và đối với cả chế độ của chúng ta. Nhân danh toàn thể người dân Mỹ, tôi sẽ đứng lên đấu tranh chống lại họ”.
Google cho biết sự cố tạm ngưng tài khoản là một ‘tai nạn’ từ phần mềm của công ty. “Chúng tôi có các hệ thống tự động đánh dấu hành vi bất thường trong mọi tài khoản của nhà quảng cáo, bao gồm những sự thay đổi trong số tiền chuyển vào nhằm ngăn chặn các hành vi phạm pháp và bảo vệ các khách hàng của chúng tôi”, người phát ngôn của Google cho biết trong bài phát biểu.
“Trong trường hợp này, hệ thống đã kích hoạt tính năng tạm ngưng tài khoản và sẽ phục hồi lại hoạt động một khoảng thời gian ngắn sau đó. Chúng tôi tự hào vì đã cung cấp các sản phẩm quảng cáo giúp chiến dịch được kết nối trực tiếp đến những cử tri. Chúng tôi cam kết không có sự thiên vị với bất kỳ đảng phái hay quan điểm chính trị nào”, nữ phát ngôn viên cho biết thêm.
Đơn kiện này tới trong bối cảnh Google và các “ông lớn” công nghệ khác đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng gia tăng từ phía chính quyền liên bang.
Hồi đầu tuần, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ đã mở một cuộc thăm dò chống độc quyền nhằm vào các “gã khổng lồ” tại Silicon Valley, trong đó có công ty mẹ của Google, Alphabet nhằm đánh giá sự thống trị thị trường của "Big Tech".
|
CEO của Google, Sundar Pichai trong phiên điều trần ngày 11/12/2018 trước quốc hội Mỹ. Ảnh: Vox. |
Bộ Tư pháp Mỹ cũng được cho là đang chuẩn bị một cuộc điều tra chống độc quyền nhắm thẳng vào Google về các hoạt động kinh doanh cũng như mảng tìm kiếm của “gã khổng lồ" này.
Tuyên bố của bà Gabbard có nhiều điểm tương đồng với những lời phàn nàn thường xuyên từ đảng Cộng hòa rằng Google và các “ông lớn” công nghệ khác có xu hướng thiên vị cho các nội dung có quan điểm bảo thủ. Trước đó, hồi tháng 12/2018, CEO Google Sundar Pichai đã phải điều trần trước quốc hội Mỹ về những cáo buộc thiên vị.
Video Những điện thoại "cục gạch" mang sức mạnh của smartphone - Nguồn: Tech Mag@Youtube