Đền Koh Ker nằm ở phía Đông Bắc đất nước Cambodia, cách Siem Reap và Angkor Wat tầm 115km. Phế tích kỳ lạ này rõ ràng rất khác biệt so với những đền tháp trong khu vực, dù không hiểu sao người ta vẫn cố ý đánh đồng nó là “Đền”.
Koh Ker không được xây dựng theo lối kiến trúc “đền tháp” điển hình. Chỉ nhìn thoáng qua cũng biết, đây chính là Kim tự tháp duy nhất từng được biết ở Cambodia, thậm chí là cả Đông Dương.
Ấy vậy mà Koh Ker rất ít được quan tâm. Câu chuyện về nguồn gốc của nó cũng khá sơ sài, chủ yếu là do người dân địa phương truyền miệng.
|
Kim tự tháp Koh Ker nhìn từ trên cao. |
Họ kể rằng Tướng quân Jayavarmal do bất đồng với nhà vua nên đã ly khai khỏi triều đình ở Angkor. Ông tự lập nên vương quốc của riêng mình và cho xây dựng một khu đền đài mới ở Koh Ker làm nơi trị vì, tế lễ. Ông chính là Vua Jayavarman IV (thế kỷ X) trong lịch sử.
Kim tự tháp Koh Ker nằm giữa vùng đất rộng rãi và bằng phẳng, bên trong một vòng tường thành lớn. Nó còn được bao quanh bởi hệ thống kênh mương - hồ nước nhân tạo trải dài, khiến cho ngọn tháp trông càng cao vút, nổi bật giữa nền trời.
Những đo đạc gần đây nhất cho thấy chiều rộng của các cạnh tháp lên đến 66 mét, trong khi chiều cao tại đỉnh tháp là 40 mét. Một tòa Kim tự tháp bậc thang rất lớn với bảy tầng hoàn mỹ.
|
Kim tự tháp Koh Ker nằm ở Đông Bắc đất nước Cambodia, cách Angkor khoảng 115 Km. |
Kết cấu của công trình vẫn còn rất tốt. Nó được xây dựng từ sự kết hợp giữa các lớp đá núi lửa ở bên trong và những phiến đá sa thạch cứng chắc hơn ở bên ngoài. Lớp đá bên ngoài có kích thước khác nhau, được xếp theo kiểu đan xen lồi lõm. Chính điều này đã mang lại sự ổn định về cấu trúc, một kỹ thuật đơn giản nhưng rất tài tình.
Tầng đầu tiên có 11 dãy khối đá xếp chồng, tầng thứ hai có 13 dãy, và tất cả các tầng còn lại (từ tầng thứ ba đến tầng thứ bảy) cũng đều có 11 dãy như nhau. Các khối đá liên kết với nhau chỉ nhờ vào sự ăn khớp tuyệt đối chứ không có bất cứ chất kết dính nào. Các khối đá hình lục giác được dùng để “khóa” những điểm quan trọng của kết cấu.
Cầu thang duy nhất dẫn lên đỉnh Kim tự tháp nằm ở phía Tây. Tuy nhiên không có cánh cửa nào để thâm nhập vào trong lòng tháp, có thể nó nằm ẩn bên dưới lòng đất. Những bậc thang bằng đá cũng không còn nguyên vẹn và quá nguy hiểm để bước lên. Vì thế người ta đã làm những cái thang gỗ tạm thời để người tham quan sử dụng.
|
Cận cảnh những phiến đá sa thạch ở một góc của Kim tự tháp. |
Những khối đá ở chân tháp tương đối nhỏ, nằm trong tầm khoảng 500-2000kg. Những khối lớn nhất ở trên cùng, có thể đạt đến khoảng 7 tấn.
Đỉnh tháp hình vuông được tạo thành từ những khối đá lớn và đẹp nhất. Phía ngoài được trang trí bằng hình tượng các vị thần Hindu hai tay nâng giữ gờ đá. Chính giữa đỉnh là một “ống khói” dẫn sâu vào trong lòng tháp – “ống dẫn năng lượng”.
Kim tự tháp là dạng cấu trúc mạnh mẽ nhất khi nói đến năng lượng. Các nhà nghiên cứu cho rằng chúng có khả năng khuếch đại những nguồn năng lượng tự nhiên sẵn có. Vật liệu xây dựng ở đây gồm đá sa thạch (mang tính dẫn) và đá núi lửa (chứa nhiều sắt như một nguồn điện từ).
Các hồ nước và kênh nhân tạo được xây dựng bao quanh Kim tự tháp cho phép dòng nước luân chuyển, giải phóng các ion âm và cả động năng. Cấu trúc của tháp bao gồm các hình vuông đồng tâm (tường và bậc thang) thu nhỏ dần về phía đỉnh, đóng vai trò như những đường dẫn, tập trung các nguồn năng lượng tự nhiên vào lòng tháp.
Kim tự tháp có bảy tầng. Bảy là một con số linh thiêng trong tôn giáo Hindu. Nó là số lẻ không thể phân chia, một số nguyên tố và trong “hình học linh thiêng”, 7 cùng với 11 và 13 là những con số “khuếch đại năng lượng”.
Người ta tin rằng việc xây dựng Kim tự tháp ngoài những mục đích thông thường như tế lễ, thờ phụng hay thể hiện quyền uy... thì còn một công năng huyền bí khác cũng rất quan trọng: đó là để tập trung các nguồn năng lượng trong trời đất nhằm giúp cho chủ nhân của chúng có được những nguồn năng lượng phi thường.
Không giống như Công viên khảo cổ Angkor mỗi năm được hàng triệu du khách viếng thăm cùng với rất nhiều các cuộc điều tra, khảo cứu, Koh Ker hầu như đã bị lãng quên. Cho đến nay, chưa có bất kỳ một nghiên cứu quy mô nào về di sản đặc biệt này.
Một vài nỗ lực bảo tồn cơ bản cũng đã được tiến hành vào những năm 1960 để ngăn ngừa sự xuống cấp nghiêm trọng của công trình, nhưng rốt cuộc cũng chỉ có thế.
Có gì ẩn chứa trong lòng Kim tự tháp duy nhất ở Đông Dương? Do đâu những người Khmer cổ đại vốn chưa từng quen thuộc với “văn minh Kim tự tháp”, lại có đủ kỹ năng và kiến thức để xây dựng nên công trình kỳ bí tuyệt vời này?
Và trên hết là, vì sao nó lại bị lãng quên?