Lý do Tổng thống Trump "cấm cửa" Tiktok và Wechat
Đài NPR dẫn nguồn tin tiết lộ, TikTok sẽ chính thức đệ đơn kiện lên tòa án ở Mỹ, cáo buộc lệnh cấm của Tổng thống Donald Trump đối với ứng dụng này. Trong đơn kiện, TikTok cho rằng hành động của Tổng thống Trump là vi hiến cũng như tố chính phủ Mỹ đưa ra cáo buộc "vô căn cứ" để biện minh cho những sắc lệnh hành pháp mới đây của ông Trump.
|
TikTok sẽ chính thức đệ đơn kiện lên tòa án ở Mỹ. |
Sắc lệnh hành pháp được Tổng thống Trump đưa ra ngày 6/8, theo đó cấm tất cả giao dịch với 2 công ty Trung Quốc sở hữu ứng dụng TikTok và WeChat tại Mỹ.
Trong vài tuần gần đây, ứng dụng video ngắn của Bytedance, TikTok đã trở thành mục tiêu tấn công của chính quyền Trump. Chính phủ Tổng thống Trump cáo buộc TikTok và ứng dụng nhắn tin WeChat thuộc sở hữu Tencent "đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Mỹ". Ông Trump đồng thời cho rằng 2 ứng dụng này thu thập, cung cấp dữ liệu cá nhân cho chính quyền Trung Quốc, đe dọa người dân Mỹ.
Tuy nhiên cho đến nay, ngoài việc có thể xác định rằng TikTok thuộc về một công ty nước ngoài, chính phủ Mỹ vẫn chưa thể cung cấp đủ bằng chứng để xác nhận cáo buộc này.
|
Chính phủ Tổng thống Trump cáo buộc TikTok và WeChat "đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Mỹ". |
Trên thực tế, TikTok bị chỉ trích nhiều nhất vì nguy cơ rò rỉ dữ liệu người dùng cao, cũng như có những vi phạm an ninh trong lịch sử hoạt động ngắn từ hai đến ba năm.
Apple gỡ 42.000 game iOS của Trung Quốc
Vụ việc TikTok và WeChat bị "cấm cửa" ở Mỹ dường như đang đẩy căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, thì ở một diễn biến khác, Trung Quốc vẫn tiếp tục "khắt khe" với các nền tảng mạng xã hội hay game xuyên biên giới vì rào cản mang tên "kiểm duyệt nội dung".
Cụ thể, từ đầu tháng 7 đến nay, Công ty nghiên cứu thị trường Niko Partners (Nhật Bản) liên tục báo cáo về việc nhiều game iOS không phép đã bị Apple gỡ bỏ khỏi App Store Trung Quốc, hiện tại con số này đã lên đến 41.729 game.
|
41.729 game bị gỡ khỏi Apple Trung Quốc. |
Theo quy định, các game nước ngoài muốn phát hành ở Trung Quốc phải xin giấy phép phát hành (ISBN) tương tự giấy phép phát hành ấn bản sách báo, dựa trên các yếu tố như game có vi phạm các quy định của pháp luật, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục hay không. Do đó, những game xuyên biên giới nhưng không được Trung Quốc cấp phép phải bị gỡ bỏ khỏi App Store.
Trung Quốc hiện vẫn là thị trường game di động lớn nhất thế giới với 637 triệu người chơi tạo ra doanh thu 12,6 tỷ USD cho iOS trong năm 2019, theo báo cáo của Niko. Tuy nhiên, khối lượng game khổng lồ trên iOS khiến cho cơ quan quản lý Trung Quốc khó lòng theo kịp tốc độ thẩm định, quá trình cấp giấy phép có thể mất tới 80 ngày đối với các đơn vị muốn phát hành game ở Trung Quốc.
Làn sóng phẫn nộ phản đối lệnh cấm của Tổng thống Trump
Nổi tiếng về độ khắt khe với các dịch vụ công nghệ phổ biến của thế giới, Trung Quốc từng đóng cửa với hầu hết các hãng công nghệ lớn, trong đó có Google và Facebook.
|
Facebook, Google là hai trong số những thương hiệu công nghệ Mỹ lớn bị cấm tại Trung Quốc. |
Google từng kinh doanh tại Trung Quốc vào năm 2006 với tên miền google.cn, chấp nhận bị kiểm duyệt kết quả tìm kiếm, nhiều năm liền liên tục là nền tảng xếp thứ 2 tại quốc gia đông dân nhất thế giới, sau Baidu. Năm 2010, thông qua "Phòng Hỏa Trường Thành" - The Great Firewall, Google Search bị chặn hoàn toàn sau đó.
Với lý do tương tự, tháng 7/2009, Facebook bị cấm bởi không đáp ứng chính sách kiểm duyệt nội dung. Mạng xã hội này từng tìm cách trở lại nhiều lần nhưng không thành công.
Từ năm 1997, Trung Quốc bắt đầu kiểm duyệt Internet với hệ thống tường lửa "Phòng Hỏa Trường Thành" - The Great Firewall. Không có sự xuất hiện của Facebook, Google hay Twitter,... các trang mạng xã hội của Trung Quốc có cơ hội phát triển mạnh, giúp thúc đẩy phát triển của ngành công nghệ nội địa.
|
Lệnh cấm bất ngờ của ông Trump đã làm dấy lên làn sóng tức giận của đông đảo người dùng Trung Quốc. |
Việc Tổng thống Trump "hết chơi đẹp" ban lệnh cấm TikTok và Wechat ở thời điểm hiện tại dường như là minh chứng cho việc Mỹ đang dần "lật bài ngửa" với Trung Quốc sau khoảng thời gian dài những gã khổng lồ công nghệ nước này bị Trung Quốc tẩy chay.
Ngược lại, Trung Quốc rõ ràng cũng rất quan tâm đến thương vụ này. Tờ China Daily mới đây đã đăng tải một bài xã luận mô tả việc TikTok bị Mỹ "bắt nạt" như thế nào và giải thích nguyên nhân dẫn tới việc công ty mẹ ByteDance buộc phải từ bỏ quyền sở hữu và chuyển giao cho một công ty Mỹ khác. Ngoài China Daily, một tờ báo khác là Global Times cũng có một bài xã luận tương tự, phản đối lệnh cấm của Trump với TikTok.
Về phần người tiêu dùng Trung Quốc, lệnh cấm bất ngờ của ông Trump đã làm dấy lên làn sóng tức giận của đông đảo người dùng trên các mạng Weibo, WeChat và TikTok. Họ cho rằng, đó là lệnh cấm quá "điên rồ" và "vô lý".
TỔNG THỐNG TRUMP SẼ CẤM TIKTOK HOẠT ĐỘNG TẠI MỸ | HTV TIN TỨC