Du lịch trách nhiệm
Mới đây, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) tổ chức Lễ phát động phong trào chống rác thải nhựa, du khách không mang rác thải nhựa lên đảo. Trước đó, một số điểm du lịch nổi tiếng cũng đã áp dụng nói không với
đồ nhựa dùng một lần nhằm giảm thiểu
rác thải nhựa.
|
Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam. |
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho hay, ông hoàn toàn đồng tình với cách làm của các địa phương. Đây không chỉ là giải pháp cho du lịch xanh bền vững mà đây còn là giải pháp cho du lịch trách nhiệm.
Một số điểm du lịch nổi tiếng tại Côn Đảo, Phú Quốc, Cô Tô, hay TP. Huế đã áp dụng các giải pháp giảm thiểu lượng rác thải nhựa phát sinh như cung cấp cho du khách các chai nước thủy tinh đóng chai có thể tái sử dụng, lắp đặt các trụ nước miễn phí cho du khách.
Các giải pháp này chắc chắn sẽ mang đến những tác động nhất định trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Hiện nay, rất nhiều mặt hàng được đóng gói bằng bao bì nhựa, trong khi nhiều du khách có thói quen tiêu dùng quá mức.
Song hành với việc cấm, theo ông Toàn, cần có vật liệu thay thế. Thời gian gần đây, một số vật liệu mới bao gồm nhựa sinh học và nhựa có thể phân hủy sinh học cũng đang được sử dụng. Ngoài ra, là các vật liệu từ thực vật, thủy tinh, kim loại.
Tuy nhiên, việc sử dụng bất kỳ vật liệu thay thế nào cũng cần phải được xem xét cẩn trọng. "Tôi cho rằng bất kỳ vật liệu nào cũng không nên được thiết kế để kết thúc vòng đời sử dụng trong tự nhiên mà cần được đưa vào luân chuyển theo nguyên tắc của một nền kinh tế tuần hoàn", ông Toàn nói.
Xóa các điểm nóng về rác thải nhựa
Ông Nguyễn Đức Toàn cho hay, theo một số ước tính, hằng năm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phải chịu thiệt hại lên đến 622 triệu USD do chi phí làm sạch bãi biển. Thực tế cho thấy, việc xử lý rác nhựa là một nhiệm vụ khó khăn và tốn kém, nhiều bãi biển nổi tiếng trên thế giới đã phải đóng cửa do ô nhiễm.
|
Rác thải nhựa tấp vào bờ biển Việt Nam. Ảnh: Đạo diễn Nguyễn Tài Văn. |
Đối với Việt Nam, nhiều khu du lịch cũng đang bị “tấn công” bởi rác thải nhựa, không chỉ đem lại những hệ lụy tiêu cực đến môi trường mà còn cả những tác động nhất định đến kinh tế, xã hội, du lịch, sinh kế người dân.
Chương trình Đô thị giảm nhựa được triển khai thực hiện thông qua nguồn tài trợ từ Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng WWF triển khai từ năm 2020 tại 10 khu vực ở 9 tỉnh thành phố.
Chương trình đã phối hợp với các địa phương xóa các điểm nóng rác thải cũng như đẩy mạnh khai thác và sử dụng tài nguyên bền vững, đặc biệt là ở các đảo.
Thực tế trên các đảo, lượng rác thải tích tụ và phát sinh ngày càng tăng theo số lượng du khách. Ngoài ra, một số địa phương còn hứng chịu lượng rác không nhỏ theo sóng biển và gió mùa từ khắp nơi, thậm chí từ bên kia bờ đại dương, tấp vào bờ.
Trong khi đó hạ tầng kỹ thuật thu gom và xử lý rác thải chưa đồng bộ, còn nhiều hạn chế; chưa tận dụng tối đa đạc thù trên đảo, phương pháp xử lý chủ yếu chôn lấp/chất đống và đốt.
Để quản lý tốt rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng, theo ông Toàn, cần tận dụng tối đa những đặc thù thuận lợi của đảo (độc lập, dân số ít, dễ kiểm soát..), có lộ trình thực hiện phù hợp.
Trong đó, có việc kiểm soát chặt chẽ sản phẩm nhựa dùng một lần nhập vào đảo, tăng cường sản phẩm tái chế, tái sử dụng cho các hoạt động tại đảo, khuyến khích làm phân compost cho cây công nghiệp.
Chẳng hạn, đối với Côn Đảo hội đủ các yếu tố thuận lợi để xây dựng thành hòn đảo du lịch xanh, tuần hoàn và trách nhiệm. Theo ông Toàn, Côn Đảo cần xây dựng, ban hành, thực hiện, giám sát quy định về kiểm soát sản phẩm nhựa vào đảo, việc sử dụng, thải bỏ, thu gom, phân loại, xử lý. Cùng với đó, nghiêm cấm một số sản phẩm nhựa dùng một lần nhập vào đảo; Có mô hình thu gom và xử lý rác thải, tái chế, tái sử dụng phù hợp với đặc thù của đảo, có lộ trình phù hợp (ví dụ, trước mắt làm phân cho cây công nghiệp, trồng hoa). Giám sát hình ảnh tại các điểm nóng, các điểm chốt, các địa điểm cần bảo vệ đặc biệt…
Về việc một số địa phương khai thác các tua du lịch sinh thái lặn ngắm san hô có nguy cơ tác động tới hệ sinh thái, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho hay, phát triển du lịch xanh bền vững, trách nhiệm, các địa phương cần có quy định cụ thể, rõ ràng đối với loại hình này về quy trình, phạm vi, cách thức du lịch, số lượng khách, thời gian…, dựa trên đánh giá “khả năng chịu tải” khả năng thính ứng, khả năng chống chịu và khả năng phục hồi của hệ sinh thái. Cùng với đó, sử dụng đồng thời công cụ kinh tế, pháp lý, tuyên truyền, giáo dục đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch.
Mời quý độc giả xem video: Đạo diễn Nguyễn Tài Văn chia sẻ về những trăn trở trong việc làm phim về rác thải nhựa. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.