Có thể nói vườn quốc gia Gunung Mulu là một trong những “sáng tạo” ngoạn mục nhất của thiên nhiên và “viên ngọc quý trên vương miện” của hệ thống vườn quốc gia trù phú của Sarawak. Mulu là vườn lớn nhất, bao gồm 52.865ha rừng nhiệt đới nguyên sinh nơi có những con sông chảy xiết chằng chịt và những dòng suối trong veo.
Một góc Vườn quốc gia Gunung Mulu
Được đặt tên theo ngọn núi Mulu hùng vĩ, công viên quốc gia này là ví dụ cho sự giàu có và khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của Malaysia. Du khách chỉ có thể đến đây bằng máy bay hoặc thuyền. Bạn khó có thể tượng tưởng nổi vẻ đẹp của nó cho đến khi tận mắt nhìn thấy các hang động, vách đá và hẻm núi xuyên qua những rừng cây rậm rạp.
Địa hình Mulu là những ví dụ nổi bật của quá trình xói mòn trên cả hai loại đá (đá vôi và cát). Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lời giải cho hiện tượng hàng loạt những cọc đá vôi sắc nhọn rất kỳ lạ có tên là Pinnacles nhô ra từ độ cao 45m trên sườn núi Gunung Api.
Theo tiếng địa phương, Mulu đồng nghĩa với hang động. Hang động lâu đời nhất của Mulu bắt đầu hình thành khoảng 5 triệu năm trước, khi chuyển động nghiêng của trái đất đã dẫn đến sự hình thành của cả hai dãy núi đá vôi và sa thạch nằm san sát. Trải qua một khoảng thời gian rất dài với những cơn mưa lớn trút xuống, những con sông dòng suối chảy xiết đã tạo thành hệ thống hang động ngầm như ngày nay.
Đến tận bây giờ, diễn biến thời tiết vẫn đang tiếp tục tạo hình cho hệ thống hang động kỳ bí này. Nước mưa làm thành phần đá vôi dần mòn đi, và sông ngầm vẫn tiếp tục chạm trổ các hang động mới, chở những mảnh vụn đá vôi tới cửa hang.
Dù đã có đến gần 300km hang động được khám phá và nghiên cứu nhưng hệ thống hang động này vẫn còn là một ẩn số đối với các nhà khoa học vì con số đó chỉ chiếm khoảng 30 - 40% tổng số thực tế. Vào năm 2000, Tổ chức Unesco đã công nhận Vườn quốc gia Gunung Mulu của Malaysia là Di sản thiên nhiên thế giới.