Bộ tộc Mashco Piro hay còn gọi Cujareno được tìm thấy ở khu rừng rậm bên ngoài vườn Quốc gia Manu, Peru gần biên giới với Brazil. Đây được xem là bộ tộc kỳ lạ nhất thế giới khi sống gần 6 thế kỷ mà không tiếp cận hay có bất cứ mối liên hệ với thế giới xung quanh.
Chính phủ Peru phát hiện và công bố những bức ảnh “hiếm hoi” về tộc người kỳ lạ này và cho biết, họ sẽ nỗ lực tiếp cận và tìm hiểu nguồn gốc, cách thức sinh hoạt của tộc người Mashco Piro.
|
Tộc người Mashco Piro sống hàng trăm năm trong rừng rậm, chưa từng giao tiếp với thế giới bên ngoài. (Ảnh Dailymail) |
Các nhà nhân chủng học cho biết, việc tiếp xúc với tộc người là vô cùng khó khăn bởi họ rất hung hăng và sẵn sàng bắn chết đối tượng muốn tới gần. Thời gian gần đây bộ tộc bị đe dọa bởi nạn phá rừng, hoạt động phi pháp như buôn bán, vận chuyển ma túy… nên có những hành động nhằm bảo vệ cuộc sống của mình.
Năm 2011, một người đàn ông Ấn Độ là hướng dẫn viên du lịch có tên Shaco Flores khéo léo tiếp cận và cung cấp cho người dân những dụng cụ cần thiết cho cuộc sống mà họ chưa từng biết tới như chậu, dao, nồi, chảo… Tuy nhiên, anh bị thổ dân giết vì cố gắng thuyết phục họ tiếp xúc thế giới bên ngoài.
Tháng 5/2015, Leonardo Perez (20 tuổi) cũng thiệt mạng vì trúng tên của người trong bộ tộc. Trao đổi với tờ MailOnline, bà Rebecca Spooner một chuyên viên hoạt động trong tổ chức Survival International cho biết: “Tộc người Mashco Piro sống trong khu rừng một thời gian dài, họ không tin bất cứ lời dụ dỗ hay thuyết phục nào. Khoảng cách giữa tộc người với thế giới bên ngoài ngày một lớn khi xã hội ngày càng phát triển”.
Bà Patricia Balbuena, phó bộ trưởng bộ văn hóa Peru nói rằng: “Khu vực người Mashco Piro sinh sống nằm trong dự án phát triển du lịch quốc gia. Họ nhận được nhiều vật dụng từ bên ngoài song không hề muốn giao tiếp với thế giới xung quanh”.
“Khu vực rộng lớn mà bộ tộc ra sức bảo vệ nằm trong tuyến phát triển du lịch, có tiềm năng lớn nối liền vườn Quốc gia Manu” bà Balbuena nói.
Trong chuyến thăm vườn quốc gia Manu, giáo sư Jean-Paul van Belle thuộc đại học Cape Town, Nam Phi cố giữ khoảng cách để tiếp cận và tận mắt chứng kiến, ghi lại hình ảnh tộc người. Những hình ảnh đáng kinh ngạc này đã được chụp với khoảng cách 250m, thông qua ống kính thiên văn.
Giáo sư nói rằng: “Điều quan trọng là người hướng dẫn phải giữ khoảng cách cho chúng tôi an toàn. Người Mashco Piro rất cảnh giác và thận trọng, phải mất thời gian khá lâu chúng tôi mới ẩn náu và quan sát. Rất may mắn là tôi có thể ghi lại những hình ảnh hiếm hoi này”.
Sau khi những bức ảnh được công bố, tổ chức Survival International miêu tả chúng như “bằng chứng” được ghi lại qua ống kính về cuộc gặp mặt với tộc người kỳ lạ nhất thế giới.
Cũng nhờ những bức ảnh, mà bí mật về bộ tộc dần được hé lộ. Các nhà nghiên cứu có thể tìm ra cách thức sinh hoạt hàng ngày của người Mashco Piro. Chẳng hạn, vào mùa khô, người Mashco Piro sẽ kiếm trứng rùa trong khi mùa mưa, họ sẽ lui vào rừng sâu để săn bắn.
Tuy nhiên, việc tiếp xúc với cuộc sống hiện đại giống như thảm họa đối với tộc người do sức đề kháng chống lại bệnh tật rất kém. Bà Spooner nói: "Bất kỳ sự tiếp xúc vật lý nào với thế giới bên ngoài cũng đe dọa sức khỏe tộc người Mashco Piro, từ việc đổi quần áo, đồ dùng sinh hoạt…”.
Chính phủ Peru cho biết khu vực vườn Quốc gia Manu được tổ tiên người Mashco Piro canh giữ. Nước này đã chính thức ban hành 2 bộ luật mới để bảo vệ quyền của họ.
Theo bà Spooner: “Bất chấp luật, nhiều mảnh đất của bộ lạc bị xâm chiếm nghiêm trọng bởi hình thức khai thác vàng, dầu bất hợp pháp. Một số người dân gần đây đã lần đầu tiên tiếp xúc với người bên ngoài, họ lên tiếng về việc nơi ở bị phá hủy thậm chí người thân còn bị những kẻ buôn bán ma túy bắn chết”.
Trong năm nay, các thành viên của bộ tộc được phát hiện 3 lần, đây là một con số chưa từng có. Trong khi, một số người dân thuộc bộ tộc vì sợ đe dọa tới tính mạng đã bắt đầu sinh sống ở những nơi lân cận người Ấn Độ.