Hiện cặp rắn này đang được nuôi nhốt tại khu du lịch Đối Tức Dụp (huyện Tri Tôn).
Công văn nêu rõ, theo các phương tiện thông tin đại chúng và nắm tình hình từ Tổng cục Lâm nghiệp, các cá thể rắn khổng lồ ở núi Cấm được xác định là rắn hổ mang chúa (Ophiophagus Hannah), là sinh vật thuộc nhóm I danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh An Giang khẩn trương tổ chức xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ của các cá thể
rắn hổ mang chúa. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).
Trên cơ sở xác định được nơi cư trú, sinh cảnh của các cá thể rắn này, cần tổ chức thả chúng lại môi trường tự nhiên, đảm bảo an toàn cho người và động vật. Đồng thời bảo tồn, phát triển sinh cảnh phù hợp với đặc tính sinh học và khả năng tồn tại của chúng. Trong trường hợp cần thiết UBND tỉnh An Giang tổ chức trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Như PLO đã đưa tin, ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai cho biết khoảng 2 tuần nay, các công nhân và kỹ sư người Ấn Độ tham gia lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời dưới chân Núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) đã phát hiện và bắt được cả ổ rắn (gồm rắn đực, rắn cái và một số rắn con). Trong đó có hai con rắn lớn mỗi con nặng khoảng 30kg.
Ngay sau khi nhận được thông tin, ông Thành đã yêu cầu đem toàn bộ số rắn bắt được về Khu du lịch Đối Tức Dụp để phục vụ du khách tham quan, thưởng ngoạn ở vườn thú.
Tuần qua, trả lời báo chí, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đề xuất liên hệ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm một đơn vị có chức năng cứu hộ cho cặp rắn này thật sự khỏe mạnh rồi mới thả về với thiên nhiên. Tuy nhiên, hiện nay toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng chưa có nơi nào đủ điều kiện để thả nuôi đối với cặp rắn.
Còn ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết đã liên hệ với Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đơn vị này tham khảo ý kiến của các chuyên gia tìm kiếm môi trường sinh thái phù hợp với điều kiện sống tốt nhất cho loại rắn này để phục vụ công tác bảo tồn.
Rắn hổ mang chúa thuộc loài quý hiếm, cực độc, ăn các loài rắn khác, nếu đói quá thì chúng sẽ ăn con cùng loại bé hơn chúng. Rắn hổ mang chúa có kích thước dài 6-7m, nặng đến 35kg, sống chủ yếu ở rừng núi sâu.