Bằng chứng tinh tinh trải qua thời kì mãn kinh giống con người

Google News

Cho đến nay, con người là một trong ba loài động vật được biết là trải qua thời kỳ mãn kinh - cùng với cá kình và cá voi hoa tiêu vây ngắn. Phát hiện mới nhất cho thấy tinh tinh cũng trải qua mãn kinh tương tự con người.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy tinh tinh cũng trải qua thời kì mãn kinh tương tự con người, điều này làm sáng tỏ sự tiến hóa của đặc điểm rất hiếm chỉ gặp ở 1 số giống cái này.
Mới đây, 1 nghiên cứu cho thấy những con tinh tinh cái hoang dã ở Uganda sống tốt đến mức chúng có thể sinh sản và có thể trải qua thời kỳ mãn kinh tương tự như con người. Phát hiện này đặt ra những câu hỏi mới về lý do tại sao con người lại trải qua thời kỳ mãn kinh?
Cho đến nay, con người là một trong ba loài động vật duy nhất được biết là trải qua thời kỳ mãn kinh - cùng với cá kình ( Orcinus orca ) và cá voi hoa tiêu vây ngắn ( Globicephala macrorhynchus ). Con người được cho là loài linh trưởng duy nhất không duy trì được khả năng sinh sản trong suốt cuộc đời.
Tác giả chính của nghiên cứu Brian Wood, phó giáo sư và nhà nhân chủng học tiến hóa tại Đại học California Los Angeles, cho biết:“Lịch sử đặc điểm hiếm gặp này tiến hóa như thế nào ở con người là một câu đố hấp dẫn nhưng đầy thách thức”.Đó là bởi vì việc không thể sinh sản ở một độ tuổi nhất định không có lợi thế tiến hóa rõ ràng. Để giải thích điều này, các nhà nghiên cứu trước đây đã thừa nhận rằng những người sau mãn kinh có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc chăm sóc con cái của họ và tăng cơ hội sống sót của chúng, giúp đảm bảo rằng gen của họ sẽ được truyền lại.
Để tìm hiểu xem thời kỳ mãn kinh có xảy ra ở các loài linh trưởng khác hay không, các tác giả của một nghiên cứu được công bố hôm thứ Năm (26/10) trên tạp chí Science đã điều tra khả năng sinh sản của một số động vật có họ hàng gần nhất của con người còn sống – tinh tinh phía đông ( Pan troglodytes schweinfurthii ).
Wood và các đồng nghiệp của ông đã nghiên cứu dữ liệu về nhân khẩu học và sinh sản trong hơn 21 năm được thu thập từ năm 1995 đến năm 2016 tại Công viên Quốc gia Kibale của Uganda, nơi cộng đồng tinh tinh hoang dã Ngogo sinh sống. Các nhà nghiên cứu đã phân tích hồ sơ của 185 con tinh tinh cái. Họ nhận thấy khả năng sinh sản giảm từ độ tuổi 30 trở đi và không sinh con sau tuổi 50, mặc dù một số con cái sống lâu hơn thời điểm đó.
Hóa ra, tinh tinh cái Ngogo dành 1/5 cuộc đời trưởng thành của chúng ở "trạng thái hậu sinh sản". Các mẫu nước tiểu lấy từ 66 con tinh tinh cái ở các giai đoạn sinh sản khác nhau (từ 14 đến 67 tuổi) cũng cho thấy sự thay đổi nội tiết tố khi chúng già đi và ngừng sinh con - tương tự như những thay đổi ở người trải qua thời kỳ mãn kinh.
Theo nghiên cứu, tinh tinh và con người có thể đã thừa hưởng các gen quy định thời kỳ mãn kinh từ một tổ tiên chung. Ngoài ra, đặc điểm này có thể tiến hóa độc lập ở mỗi loài.
Các nhà khoa học cho rằng 1 trong những lý do liên quan đến thời kì tiền mãn kinh của tinh tinh ở Vườn quốc gia Kibale là chế độ dinh dưỡng và môi trường sống. Các nhà nghiên nói rằng tinh tinh Ngogo ăn nhiều trái cây và ăn nhiều thịt hơn các cộng đồng tinh tinh lân cận.
Cuộc sống với môi trường tốt và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng có thể là lý do những con tinh tinh cái ở đó lại sống lâu hơn sau thời kì mãn kinh. So sánh với những con cái mãn kinh sống ở các cộng đồng tinh tinh hoang dã khác, thì chỉ có một số ít sống trên 50 tuổi.
Không rõ liệu các dấu hiệu mãn kinh được phát hiện ở tinh tinh chỉ xuất phát từ “điều kiện sinh thái thuận lợi bất thường” hay loài vượn tiến hóa theo cách đó. Theo nghiên cứu, những thay đổi môi trường gần đây và dịch bệnh làm giảm tuổi thọ của chúng có thể đã xóa bỏ bằng chứng về lịch sử tiến hóa bao gồm thời kỳ mãn kinh.
Theo SHTT&ST

>> xem thêm

Bình luận(0)