|
Trên đầu chúng ta là cả một bãi rác vũ trụ do chính con người tạo ra.
|
Bất kỳ thời điểm nào cũng có hàng ngàn vệ tinh đang đảo trên đầu của chúng ta ở độ cao dao động từ vài trăm dặm cho tới hàng chục ngàn dặm. Điều đáng lo ngại là khoảng 95% trong số đó là rác vũ trụ, gồm các trạm vũ trụ ngoài kiểm soát, các bộ phận của tên lửa đẩy, vệ tinh chết, các công cụ bị mất của du hành gia và nhiều thể loại khác.
Theo các nhà khoa học, những rác thải vũ trụ nói trên có thể tồn tại hàng trăm năm trên quỹ đạo, và chúng cần nhiều năm để rơi xuống Trái Đất với tốc độ gấp 10 lần tốc độ của một viên đạn. Những mảnh vỡ nhỏ sẽ tan chảy trong không khí, nhưng với những công trình khổng lồ như trạm không gian Thiên Cung 1 của Trung Quốc (đã mất kiểm soát từ năm ngoái) thì rất đáng lo ngại.
Chưa dừng lại ở đó, chỉ cần xảy ra một va chạm trong không gian là đã có thể tạo ra hàng nghìn vật thể mới với tốc độ di chuyển cao, thậm chí vượt ngoài sự kiểm soát và đe doạ các tàu vũ trụ. Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu, có thể đang có 170 triệu mảnh vỡ lớn hơn 1mm di chuyển xung quanh Trái đất với tốc độ hàng chục ngàn dặm một giờ.
Dựa trên dữ liệu từ Space-Track.org, Business Insider đã tạo ra biểu đồ thống kê "top" rác thải vũ trụ của các quốc gia, tổ chức và vùng lãnh thổ tính đến tháng 10/2017. Biểu đồ cho thấy, Nga có nhiều vật thể nhất trong không gian (hơn 6.500) nhưng họ không phải là quốc gia xả rác nhiều nhất.
|
Biểu đồ những quốc gia, tổ chức và vùng lãnh thổ xả rác nhiều nhất trong không gian. |
Cụ thể, Nga có 3.961 mảnh mảnh vỡ trong không gian được cho là rác thải có thể phát hiện được, trong khi Mỹ có 3.999 mảnh rác thải trong không gian. Gần đây, Trung Quốc chỉ mới mở rộng chương trình thám hiểm không gian của mình nhưng họ đã nhanh chóng đứng thứ 3 với 3.475 mảnh rác trong không gian.
Trước đó, vào năm 2007, Trung Quốc đã phá hủy một vệ tinh của họ trong một cuộc thử nghiệm vũ khí. Động thái gây tranh cãi này tạo ra hơn 2.300 mảnh rác nhỏ, hơn 35.000 mảnh lớn và có lẽ còn có hàng trăm ngàn mảnh siêu nhỏ nữa.