7 bằng chứng cho thấy iPhone "bắt chước" smartphone Android

Google News

Nổi tiếng là một nhà sản xuất cách tân và sáng tạo nhưng không ít lần Apple lại là người đi sau.

Không ít các nhà sản xuất Android bị “cáo buộc” sao chép nhiều yếu tố từ iPhone. Tuy nhiên, mọi thứ không phải khi nào cũng diễn ra theo chiều hướng này. Apple cũng không ít lần là người đi sau trên thị trường di động.
7. Màn hình OLED
iPhone X là chiếc điện thoại đầu tiên của Apple được trang bị màn hình OLED. Với việc Apple sử dụng màn hình OLED, nhiều trang công nghệ lớn nhận định màn hình OLED sẽ trở thành một tiêu chuẩn của ngành công nghiệp di động trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Apple là nhà sản xuất đầu tiên dùng màn hình OLED.
 
Ngay cả trước năm 2010, điện thoại Samsung đã sử dụng màn hình OLED và xu hướng này tiếp tục được thể hiện rõ rệt trong cả hệ sinh thái điện thoại Android. Trong khoảng một vài năm trở lại đây, thật khó để tìm thấy một chiếc điện thoại Android cao cấp không có màn hình OLED. Màn hình OLED có khả năng hiển thị màu sắc rực rỡ cùng độ tương phản cao hơn. Đó là chưa kể đến việc nó yêu cầu ít điện năng tiêu thụ hơn.
6. Sạc không dây chuẩn Qi
Trong vài năm trở lại đây, nhiều báo cáo cho rằng Apple đang phát triển một tiêu chuẩn sạc không dây của riêng mình. Công nghệ này theo đó sẽ hỗ trợ sạc pin không dây tầm xa. Tuy nhiên, những chiếc iPhone ra mắt năm ngoái đã chứng minh điều ngược lại, chúng vẫn dùng sạc không dây chuẩn Qi.
Tiêu chuẩn này đã xuất hiện trên điện thoại Android từ nhiều năm trước. iPhone 8, 8 Plus và iPhone X là những chiếc iPhone đầu tiên của Apple hỗ trợ sạc không dây.
5. Camera kép
iPhone 7 Plus là điện thoại đầu tiên của Apple có camera kép. Thế nhưng chiếc điện thoại có camera kép đầu tiên thì đã xuất hiện từ năm 2007 với Samsung SCH-B710. Mãi phải đến năm 2011, công nghệ này mới được đưa lên smartphone với HTC và LG là hai cái tên đầu tiên áp dụng.
4. Màn hình tràn viền
Ở thời điểm hiện tại, iPhone X là một trong những chiếc smartphone có tỷ lệ màn hình trên mặt trước cao nhất. Đây cũng là xu hướng thiết kế smartphone nổi bật trong khoảng 2 năm trở lại đây và nó thậm chí còn được đưa xuống cả những dòng máy tầm trung/ cận tầm trung. Màn hình tràn viền giúp người dùng có một thân máy nhỏ gọn hơn trong khi không gian trải nghiệm màn hình vẫn được bảo toàn.
Thiết kế tràn viền trên smartphone bắt đầu từ một làn sóng những mẫu máy đến từ Samsung, LG hay Xiaomi. Tuy nhiên, nếu nói đến chiếc smartphone đầu tiên có màn hình tràn viền ấn tượng, nhiều người sẽ nhớ đến chiếc Sharp Aquos Crystal ra mắt năm 2014.
3. Kháng nước
Kháng nước cũng là một tính năng cho thấy Apple đi sau thị trường nhiều ra sao. Mãi đến năm 2016, cùng iPhone 7 và 7 Plus, Apple mới cập nhật khả năng này trên điện thoại của mình. Ở thời điểm này, ngay cả những chiếc điện thoại Android tầm trung hay thậm chí là giá thấp cũng đã có khả năng kháng nước.
2. “Hey Siri”
Apple lần đầu tiên giới thiệu câu lệnh “gọi” Siri “Hey Siri” trên iPhone 6s vào năm 2015. Ở thời điểm đó, tính năng này nhìn chung khá cơ bản và chỉ khả dụng khi người dùng đang sạc điện thoại.
 
Moto X, ra mắt năm 2013, trong khi đó được xem là điện thoại đầu tiên có khả năng luôn luôn lắng nghe một câu lệnh kích hoạt trợ lý ảo. Theo đó, điện thoại này sẽ tự động kích hoạt Google’s Asistant bất kì khi nào người dùng nói “Ok, Google”.
1. Tính năng Raise to Wake và Tap to Wake
Moto X cũng là một trong những chiếc điện thoại đầu tiên có tính năng mở sáng màn hình khi người dùng cầm máy lên (raise-to-wake). Và mặc dù iPhone 5s là chiếc iPhone đầu tiên có đồng vi xử lý chuyển động, phải đến iOS 10 và iPhone 6s Apple mới giới thiệu tính năng này trên điện thoại của mình.
Tương tự, tính năng chạm để mở sáng màn hình (Tap to Wake) cũng chỉ khả dụng mãi đến thời của iPhone X - giúp người dùng tương tác với thiết bị dễ dàng hơn khi nút Home đã bị loại bỏ. LG trong khi đó đã có tính năng tương tự mang tên KnockON từ năm 2013 trên LG G2.
Theo T.Sơn/Saostar

>> xem thêm

Bình luận(0)