Trong đó, hạng mục Kiến tạo (dành cho những công trình nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng) trị giá 50 triệu đồng/giải, được trao cho tập thể tác giả của các nghiên cứu sau:
Nghiên cứu thiết bị đèn tảo lọc không khí, hấp thụ CO2, giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà do PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên, Viện KH&CN Môi trường, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, làm chủ nhiệm và thực hiện cùng kỹ sư Nguyễn Quang Dũng. Thiết bị đã được thương mại hóa mang tên Aloxy, có khả năng loại bỏ bụi mịn nhờ lớp màng hepa, làm giảm CO2 tích tụ trong phòng và sinh ra oxy nhờ cơ chế quang hợp của tảo.
Nghiên cứu thành phần và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây chanh leo ở Việt Nam do TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật làm chủ nhiệm và thực hiện cùng 9 cộng sự. Quy trình này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là một tiến bộ kỹ thuật (technical process). Theo báo cáo, mô hình áp dụng quy trình đã giúp tăng năng suất từ 20-37%, và tăng hiệu quả kinh tế từ 31-52%.
Hạng mục Sống đẹp (dành cho những việc làm nhân văn và có sức lan tỏa trong cộng đồng) trị giá 30 triệu đồng/giải, được trao cho 4 cá nhân, gồm:
Chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm - người sáng lập và điều hành lớp học Ngọc Tâm Thủy Tinh, Quỹ học bổng Ngọc Tâm Thủy Tinh (tỉnh Nam Định). Mang căn bệnh xương thủy tinh nhưng với ý chí và nỗ lực, chị Tâm đã thành lập lớp học dạy miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Minh Tâm - giáo viên, người sáng lập Hội thiện nguyện Nhất Tâm (tỉnh Đồng Tháp). Vượt qua biến cố tai nạn xe gây 61% thương tật năm 2019, chị không ngừng truyền cảm hứng, động lực và giúp đỡ cho người khuyết tật thông qua các công tác thiện nguyện.
Bà Đỗ Thúy Nga - người sáng lập Trung tâm Hy vọng (Hà Nội). Ở độ tuổi hưu trí, năm 1998, bà thành lập trung tâm Hy vọng. Bằng tình yêu trẻ, yêu nghề, 24 năm bà miệt mài chăm lo, dạy dỗ, thắp lên niềm tin cho trẻ em bại não, chậm phát triển.
Chị Sùng Y Múa - cán bộ trạm Y tế xã Hang Kia, hội viên Phụ nữ xóm Hang Kia, xã Hang Kia (tỉnh Hòa Bình). Chị là một trong những người phụ nữ tiên phong phát triển du lịch cộng đồng, nỗ lực cải thiện an toàn sức khỏe của chị em phụ nữ tại Hòa Bình thông qua việc giáo dục, tuyên truyền sức khỏe sinh sản.
Hạng mục Triển vọng(dành cho những dự án khởi nghiệp sáng tạo do sinh viên thực hiện, có khả năng ứng dụng thực tiễn đã từng đạt giải từ giải ba trở lên trong các cuộc thi có liên quan do Bộ GD&ĐT tổ chức và đang tiếp tục cần thêm sự hỗ trợ hoặc khích lệ từ các tổ chức khác) trị giá 30 triệu đồng/giải tập thể và 10 triệu đồng/giải cá nhân.
Năm nay, có 11 sinh viên nghiên cứu khoa học đến từ các khối ngành điện-điện tử, môi trường, dược, hàng hải, hóa học, xây dựng, quy hoạch, kỹ thuật-công nghệ thông tin, đào tạo quốc tế… được trao giải Triển vọng cá nhân.
Bên cạnh đó, dự án khởi nghiệp "Thiết bị hỗ trợ xe lăn Automov" của nhóm sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng đã vượt qua nhiều đề cử để nhận giải Triển vọng tập thể.
Ngày 26/11, lễ trao giải thưởng và học bổng KOVA lần thứ 20 đã được tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Để thuận tiện cho việc di chuyển của những nhà khoa học và sinh viên đoạt giải, lễ trao giải sẽ tiếp tục diễn ra ở TP Hồ Chí Minh vào ngày 10/12/2022.
Phát biểu tại lễ trao giải ở Hà Nội, GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA, chia sẻ, việc đam mê nghiên cứu khoa học, phát triển bằng trí tuệ, dung nạp tri thức hằng ngày để có những sản phẩm có ích là cách làm giàu cho đất nước nhanh nhất, cũng là cách làm giàu cho bản thân nhanh nhất.
Giải thưởng KOVA do Tập đoàn Sơn KOVA trao thường niên với mục đích thúc đẩy các nghiên cứu khoa học và các hoạt động nhân văn vì cộng đồng, đồng thời hỗ trợ các sinh viên triển vọng trên cả nước.