TV trong Poltergeist (1982): Poltergeist là tựa phim kinh dị nổi tiếng về cuộc đối đầu giữa một gia đình mới chuyển nhà và một con yêu tinh hùng mạnh. Thế lực siêu nhiên không chỉ ám vào đồ vật thông thường, mà còn sử dụng chiếc vô tuyến quen thuộc để liên lạc, dụ dỗ và bắt cóc đứa con gái út vào thế giới tâm linh. Phân cảnh nhân vật bé bỏng ngồi trước TV với những cánh tay linh hồn từ phía bên kia màn hình là một trong những trường đoạn kinh dị ám ảnh nhất của Hollywood. Công nghệ hồi sức cấp cứu trong Flatliners (1990): Một nhóm sinh viên y khoa lợi dụng sự tiến bộ của y học để thử nghiệm chết lâm sàng, qua đó tìm hiểu thêm về thế giới bên kia. Ban đầu, trải nghiệm thực sự phi thường. Nhưng hàng loạt hình ảnh ma quái, siêu nhiên bắt đầu xuất hiện và khiến họ dần trở nên hoảng loạn. Năm nay, Hollywood đã làm lại bộ phim với các diễn viên Ellen Page, Diego Luna, Nina Dobrev và James Norton. Phim dự kiến khởi chiếu tại Việt Nam từ 3/11 dưới tựa Trải nghiệm điểm chết. Thực tế ảo trong The Lawnmower Man (1992): Virtual reality (VR) - công nghệ thực tế ảo - đến nay không còn là điều quá xa lạ. Nhưng tại thời điểm năm 1992, đó là khái niệm còn tương đối mới mẻ. Lấy cảm hứng từ nguyên tác văn học của Stephen King, đạo diễn Brett Leonard thực hiện The Lawnmower Man. Chuyện phim xoay quanh khoa học gia Lawrence Angelo (Pierce Brosnan) - người đang cố gắng phát triển sức mạnh não bộ bằng công nghệ VR. Anh thử nghiệm nó trên một người chậm phát triển mà không ngờ đến hậu quả có thể gây ra. Băng VHS trong Ringu (1998), The Ring (2002): The Ring là một trong những tác phẩm kinh dị làm lại thành công hiếm hoi của Hollywood, chủ yếu nhờ sự tài tình của đạo diễn Gore Verbinski. Phim xoay quanh một cuốn băng bị nguyền rủa. Bất cứ ai theo dõi nó sẽ đột tử sau đó bảy ngày. Qua điều tra nhằm giải lời nguyền cho con trai, bà mẹ Rachel Keller (Naomi Watts) phát hiện ra cuộn băng tà ác có liên quan tới linh hồn của Samara Morgan (Daveigh Chase). Trước đó, nguyên tác Ringu của Nhật Bản ra đời năm 1998 và lập tức trở thành cơn sốt bởi đây là thời kỳ đỉnh cao của băng VHS trước khi định dạng bắt đầu trở nên thoái trào. Mạng Internet trong Kairo (2001): Sau Ringu, người Nhật tiếp tục khai thác đề tài tâm linh trong thế giới công nghệ với tác phẩm Kairo của đạo diễn Kiyoshi Kurosawa. Trong phim, những con ma tại Tokyo tìm cách thâm nhập cõi dương thông qua mạng lưới Internet. Kairo sở hữu bầu không khí kinh dị, ám ảnh đặc trưng giống như Ringu với đoạn kết rùng rợn. Người Mỹ từng thực hiện lại Kairo và lấy tên là Pulse (2006). Song, phiên bản remake thất bại trong việc tái hiện bầu không khí u ám của nguyên tác. Điện thoại di động trong Phone (2002): Điện ảnh Nhật Bản có một phim kinh dị khá hay về điện thoại ma ám là One Missed Call (2003). Nhưng người Hàn Quốc đã “nhanh tay” khai thác đề tài trước đó một năm. Thành công của Phone giúp đạo diễn Ahn Byeong-ki và nữ diễn viên Ha Ji-won lập tức trở thành những cái tên được săn đón tại xứ kim chi. Trong phim, nhân vật chính là nữ phóng viên Ji-won. Cô đang trong quá trình điều tra các vụ lạm dụng tình dục thiếu niên và bỗng nhận một cuộc gọi đe dọa kỳ quái. Dù đã chuyển nhà, đổi số, Ji-won vẫn bị đeo bám và dần phát hiện ra bí mật kinh hoàng tại ngay căn nhà mình. Trò chơi điện tử trong Stay Alive (2006): Trò chơi điện tử là thú vui tinh thần gắn bó với người trẻ, đặc biệt là phái mạnh. Song, nếu người chơi trở thành nhân vật chính và bị chết hệt như trò chơi kinh dị / hành động mà mình đang theo đuổi thì sẽ ra sao? Đó là nội dung chính của Stay Alive - bộ phim kể về nhóm bạn trẻ cùng nhau chơi trò kể về nữ bá tước Elizabeth tàn bạo, có sở thích tắm máu trinh nữ nhằm kéo dài tuổi xuân. Linh hồn của ả ám vào tựa trò chơi, khiến bất cứ ai tham gia cũng bỏ mạng. Để tiêu diệt Elizabeth, họ buộc phải tìm cách đi tới màn cuối cùng. Webcam trong Untraceable (2008): Một tên giết người hàng loạt phát trực tiếp những cảnh giết người ghê rợn của mình trên trang web cá nhân mang tên Kill With Me? Khi có càng nhiều người xem, hắn càng ra tay dã man hơn đối với nạn nhân. Nữ mật vụ Jennifer Marsh (Diane Lane) cùng đồng đội tìm mọi cách để truy bắt hung thủ, nhưng dường như gã luôn đi trước cô một bước. Untraceable lột tả sự đáng sợ khi tính hiếu kỳ của cư dân mạng đặt không đúng chỗ, và mặt trái của công nghệ truyền tải hình ảnh trực tuyến khiến sự riêng tư tuyệt đối gần như không còn nữa. Thang máy trong Devil (2010): Thang máy rõ ràng là phát kiến giúp con người có thể di chuyển đầy thuận lợi trong các tòa nhà cao tầng. Song, ở bộ phim kinh dị Devil, quỷ dữ đã lợi dụng không gian chật hẹp ấy để kích động năm con người đang mắc kẹt trong đó tàn sát lẫn nhau. Quá khứ tội lỗi của mỗi cá nhân bắt đầu được khơi gợi, và mọi chuyện càng trở nên căng thẳng khi quỷ dữ tiết lộ hắn đang núp trong cơ thể của chính một trong năm người. Mạng xã hội trong Unfriended (2014): Mạng xã hội là phát minh giúp con người tương tác dễ dàng với nhau hơn, nhưng đồng thời mang những mặt trái nhất định. Có nhiều người trở thành nạn nhân của trò đùa vô ý thức, và thậm chí đã tự sát như Laura Barnes sau khi một clip nhạy cảm của cô lan truyền với tốc độ chóng mặt. Sau khi mọi chuyện lắng xuống, nick của Laura bỗng sáng lại trong một buổi họp trực tuyến trên Skype giữa những người bạn thân của cô. Từng người một phải chịu số phận bi thảm, và sự thật đằng sau clip cũng dần được tiết lộ.
TV trong Poltergeist (1982): Poltergeist là tựa phim kinh dị nổi tiếng về cuộc đối đầu giữa một gia đình mới chuyển nhà và một con yêu tinh hùng mạnh. Thế lực siêu nhiên không chỉ ám vào đồ vật thông thường, mà còn sử dụng chiếc vô tuyến quen thuộc để liên lạc, dụ dỗ và bắt cóc đứa con gái út vào thế giới tâm linh. Phân cảnh nhân vật bé bỏng ngồi trước TV với những cánh tay linh hồn từ phía bên kia màn hình là một trong những trường đoạn kinh dị ám ảnh nhất của Hollywood.
Công nghệ hồi sức cấp cứu trong Flatliners (1990): Một nhóm sinh viên y khoa lợi dụng sự tiến bộ của y học để thử nghiệm chết lâm sàng, qua đó tìm hiểu thêm về thế giới bên kia. Ban đầu, trải nghiệm thực sự phi thường. Nhưng hàng loạt hình ảnh ma quái, siêu nhiên bắt đầu xuất hiện và khiến họ dần trở nên hoảng loạn. Năm nay, Hollywood đã làm lại bộ phim với các diễn viên Ellen Page, Diego Luna, Nina Dobrev và James Norton. Phim dự kiến khởi chiếu tại Việt Nam từ 3/11 dưới tựa Trải nghiệm điểm chết.
Thực tế ảo trong The Lawnmower Man (1992): Virtual reality (VR) - công nghệ thực tế ảo - đến nay không còn là điều quá xa lạ. Nhưng tại thời điểm năm 1992, đó là khái niệm còn tương đối mới mẻ. Lấy cảm hứng từ nguyên tác văn học của Stephen King, đạo diễn Brett Leonard thực hiện The Lawnmower Man. Chuyện phim xoay quanh khoa học gia Lawrence Angelo (Pierce Brosnan) - người đang cố gắng phát triển sức mạnh não bộ bằng công nghệ VR. Anh thử nghiệm nó trên một người chậm phát triển mà không ngờ đến hậu quả có thể gây ra.
Băng VHS trong Ringu (1998), The Ring (2002): The Ring là một trong những tác phẩm kinh dị làm lại thành công hiếm hoi của Hollywood, chủ yếu nhờ sự tài tình của đạo diễn Gore Verbinski. Phim xoay quanh một cuốn băng bị nguyền rủa. Bất cứ ai theo dõi nó sẽ đột tử sau đó bảy ngày. Qua điều tra nhằm giải lời nguyền cho con trai, bà mẹ Rachel Keller (Naomi Watts) phát hiện ra cuộn băng tà ác có liên quan tới linh hồn của Samara Morgan (Daveigh Chase). Trước đó, nguyên tác Ringu của Nhật Bản ra đời năm 1998 và lập tức trở thành cơn sốt bởi đây là thời kỳ đỉnh cao của băng VHS trước khi định dạng bắt đầu trở nên thoái trào.
Mạng Internet trong Kairo (2001): Sau Ringu, người Nhật tiếp tục khai thác đề tài tâm linh trong thế giới công nghệ với tác phẩm Kairo của đạo diễn Kiyoshi Kurosawa. Trong phim, những con ma tại Tokyo tìm cách thâm nhập cõi dương thông qua mạng lưới Internet. Kairo sở hữu bầu không khí kinh dị, ám ảnh đặc trưng giống như Ringu với đoạn kết rùng rợn. Người Mỹ từng thực hiện lại Kairo và lấy tên là Pulse (2006). Song, phiên bản remake thất bại trong việc tái hiện bầu không khí u ám của nguyên tác.
Điện thoại di động trong Phone (2002): Điện ảnh Nhật Bản có một phim kinh dị khá hay về điện thoại ma ám là One Missed Call (2003). Nhưng người Hàn Quốc đã “nhanh tay” khai thác đề tài trước đó một năm. Thành công của Phone giúp đạo diễn Ahn Byeong-ki và nữ diễn viên Ha Ji-won lập tức trở thành những cái tên được săn đón tại xứ kim chi. Trong phim, nhân vật chính là nữ phóng viên Ji-won. Cô đang trong quá trình điều tra các vụ lạm dụng tình dục thiếu niên và bỗng nhận một cuộc gọi đe dọa kỳ quái. Dù đã chuyển nhà, đổi số, Ji-won vẫn bị đeo bám và dần phát hiện ra bí mật kinh hoàng tại ngay căn nhà mình.
Trò chơi điện tử trong Stay Alive (2006): Trò chơi điện tử là thú vui tinh thần gắn bó với người trẻ, đặc biệt là phái mạnh. Song, nếu người chơi trở thành nhân vật chính và bị chết hệt như trò chơi kinh dị / hành động mà mình đang theo đuổi thì sẽ ra sao? Đó là nội dung chính của Stay Alive - bộ phim kể về nhóm bạn trẻ cùng nhau chơi trò kể về nữ bá tước Elizabeth tàn bạo, có sở thích tắm máu trinh nữ nhằm kéo dài tuổi xuân. Linh hồn của ả ám vào tựa trò chơi, khiến bất cứ ai tham gia cũng bỏ mạng. Để tiêu diệt Elizabeth, họ buộc phải tìm cách đi tới màn cuối cùng.
Webcam trong Untraceable (2008): Một tên giết người hàng loạt phát trực tiếp những cảnh giết người ghê rợn của mình trên trang web cá nhân mang tên Kill With Me? Khi có càng nhiều người xem, hắn càng ra tay dã man hơn đối với nạn nhân. Nữ mật vụ Jennifer Marsh (Diane Lane) cùng đồng đội tìm mọi cách để truy bắt hung thủ, nhưng dường như gã luôn đi trước cô một bước. Untraceable lột tả sự đáng sợ khi tính hiếu kỳ của cư dân mạng đặt không đúng chỗ, và mặt trái của công nghệ truyền tải hình ảnh trực tuyến khiến sự riêng tư tuyệt đối gần như không còn nữa.
Thang máy trong Devil (2010): Thang máy rõ ràng là phát kiến giúp con người có thể di chuyển đầy thuận lợi trong các tòa nhà cao tầng. Song, ở bộ phim kinh dị Devil, quỷ dữ đã lợi dụng không gian chật hẹp ấy để kích động năm con người đang mắc kẹt trong đó tàn sát lẫn nhau. Quá khứ tội lỗi của mỗi cá nhân bắt đầu được khơi gợi, và mọi chuyện càng trở nên căng thẳng khi quỷ dữ tiết lộ hắn đang núp trong cơ thể của chính một trong năm người.
Mạng xã hội trong Unfriended (2014): Mạng xã hội là phát minh giúp con người tương tác dễ dàng với nhau hơn, nhưng đồng thời mang những mặt trái nhất định. Có nhiều người trở thành nạn nhân của trò đùa vô ý thức, và thậm chí đã tự sát như Laura Barnes sau khi một clip nhạy cảm của cô lan truyền với tốc độ chóng mặt. Sau khi mọi chuyện lắng xuống, nick của Laura bỗng sáng lại trong một buổi họp trực tuyến trên Skype giữa những người bạn thân của cô. Từng người một phải chịu số phận bi thảm, và sự thật đằng sau clip cũng dần được tiết lộ.