“Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần/Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng/Cúc ơi! em ở đâu?/Đất nâu lạnh lắm”, những câu thơ nghẹn lòng trong “Cúc ơi” của tác giả Yến Thanh đã trở thành “chứng tích” về những năm tháng đau thương mà hào hùng của dân tộc.
|
Các đồng chí Thường vụ tỉnh đoàn TNCS Hà Tĩnh , cùng Ban giám hiệu nhà hát truyền thống Hà Tĩnh (đơn vị tài trợ) và tác giả dự lễ hạ thổ bia đá khắc bài thơ Cúc ơi tại khu mộ mười nữ AHLS ngã ba ĐL, sáng 23/12/2023. (Ảnh: NVCC) |
Những vần thơ viết trong nước mắt
Trong cuộc trò chuyện xúc động với PV Tri thức và Cuộc sống, ngay trước ngày kỷ niệm 56 năm ngày mất của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc và Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), nhà thơ Yến Thanh cho hay, cách đây 56 năm, Ngã ba Đồng Lộc được gọi là “Tọa độ lửa”. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, nơi đây phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất gánh trên 3 quả bom.
Thời điểm đó, nhà thơ Yến Thanh là kỹ sư cầu đường biệt phái sang phụ trách kỹ thuật TNXP tại ngã ba Đồng Lộc. Tiểu đội TNXP (A4-C552-N55-P18) do Võ Thị Tần là A trưởng; và Hồ Thị Cúc là A phó thuộc Đội TNXP - N55 - P18 nơi ông làm cán bộ kỹ thuật.
|
10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Nguồn: VOV. |
Buổi chiều định mệnh ngày 24/7/1968, đường qua Đồng Lộc tắc, 40 xe bồn loại 4,8m3 chở xăng vào chiến trường phải nằm chờ đường ở bãi giấu xe. Các đơn vị nhận lệnh làm thêm ban ngày để kịp thông xe. Tiểu đội 4 của Võ Thị Tần gồm 16 người, nhưng 6 người được điều chuyển làm việc khác, còn lại 10 người có mặt tại đường 15A cạnh chân núi Trọ Voi làm nhiệm vụ.
Hai đợt máy bay Mỹ quần thảo dội bom xuống hiện trường rồi bỏ đi, Tiểu đội 4 sau khi san lấp hố bom xong, ngồi nghỉ giải lao. Đợt thứ ba có ba chiếc phản lực bay từ hướng Lào về, không thả bom mà lượn mấy vòng rồi bay ra biển. Bỗng một chiếc bất ngờ quay trở lại. Tiểu đội 4 nhận lệnh vội vã nhào xuống hào vừa đào trú ẩn. Thế rồi, một quả bom tấn từ máy bay dội xuống, vùi lấp tiểu đội trong phút chốc. Lúc đó là vào 16 giờ.
Nghe tin dữ, nhà thơ Yến Thanh cùng đồng đội chạy tới. Không thấy người, chỉ có vài chiếc cuốc, xẻng, mũ nón… rơi vãi bên miệng hố bom. Mọi người vừa đào, vừa khóc, gọi tên từng cô gái.
Sau hai tiếng, một mái tóc đen hiện ra trong đất cát. Vội vàng bới tiếp, thi thể chị Võ Thị Tần dần lộ ra, người chị vẫn còn mềm, ấm nhưng trái tim đã ngừng đập. Tiếp tục đào bới trong nỗi đau cào xé, thi thể của từng cô gái Ngã ba Đồng Lộc lần lượt được tìm thấy: Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Trần Thị Rạng, Trần Thị Hường, rồi tiếp đến là Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi và Hà Thị Xanh.
9 thi thể vẫn còn hơi ấm được xếp lên chiếc cáng, thành một hàng ngang như khi các chị còn sống tập hợp. Chỉ có Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc vẫn nằm trong đất lạnh. Đến sáng 25/7/1968, đơn vị tiếp tục đào bới, nhưng mọi ngóng trông vẫn rơi trong vô vọng.
Chiều 25/7/1968, nhà thơ Yến Thanh ra nhà C trưởng đơn vị, không khí đau thương bao trùm. 9 chiếc hòm đã được chôn cất, chỉ còn chiếc hòm của liệt sĩ Cúc vẫn còn nằm đó. Ông cảm thấy rất buồn, cuộc đời của Cúc như cuốn phim quay chậm, hiện ra trước mắt.
|
Chân dung liệt sĩ Hồ Thị Cúc. Ảnh: Tư liệu. |
Khi Cúc lên 1 tuổi, cha Cúc và bà nội chết đói trong trận đói năm 1945. Cúc lên 3 tuổi, bà Trinh - mẹ Cúc đi bước nữa. Lên 8 tuổi Cúc đi ở chăn trâu cắt cỏ cho nhà chú mự. Một lần, mự sẩy tay đổ cả nồi cám lợn đang sôi lên lưng Cúc. O Loan của Cúc đã chữa bỏng và nuôi Cúc 2 năm trời mới lành nhưng để lại một vết sẹo từ vai xuống mông làm da Cúc nhăn nhúm. Những biến cố cuộc đời phản chiếu qua đôi mắt Cúc. Cúc là tiểu đội phó gương mẫu, được chị em rất yêu mến. Tuy nhiên, Cúc luôn buồn, nhất là đôi mắt.
Càng nghĩ, nhà thơ Yến Thanh càng thương Cúc. Cúc đã sống một cuộc đời quá khổ từ lúc còn thơ tới tận lúc mất. Cả 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người - người trẻ nhất mới 17 tuổi, những đồng đội thân thiết cùng ông "chia lửa" trên chiến trường, chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống, giờ vĩnh viễn nằm dưới đất lạnh, mãi mãi dừng lại tuổi thanh xuân...
Trong lúc cảm xúc dâng trào, ông đã viết bài thơ “Cúc ơi” với những câu thơ nghẹn lòng: “Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần/Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng/Cúc ơi! em ở đâu?/Đất nâu lạnh lắm”…
Chia sẻ về những câu thơ này, nhà thơ Yến Thanh cho hay, hết buổi sáng ngày 25/7/1968, khi vẫn chưa tìm thấy Cúc, Ty Giao thông vận tải điều máy ủi đến để hỗ trợ đào tìm. Nhưng chi bộ C552 đã họp, ra nghị quyết cho đơn vị tiếp tục đào bằng tay, không cho phép đào bằng máy vì sợ xâm hại thi thể người đồng đội thân yêu của mình.
“Theo tâm lý thông thường, khi đào bới người bị lấp, phải đào thật mạnh để mau tìm thấy. Thế nhưng, trong hoàn cảnh này, các đồng đội lại sợ vướng phải Cúc, sợ Cúc đau, cho nên “nhát cuốc chùng” là vì vậy. Và thực sự, không phải là tôi làm thơ, mà là tiếng khóc, lời “gọi hồn” đồng đội, gào thét từ gan ruột đau thấu tâm can”, nhà thơ Yến Thanh nghẹn ngào nhớ lại.
|
Chân dung liệt sĩ Hồ Thị Cúc được phục dựng bằng AI với nụ cười và ánh mắt vui. Dự án do 3 chàng trai Hà Nội Nguyễn Công Cường, Nguyễn Văn Khánh và Lê Công Thành thực hiện. Ảnh: Lê Công Thành cung cấp. |
Sau khi viết xong bài thơ, nhà thơ Yến Thanh đã giấu đi, bởi sợ bị cho là tình cảm yếu đuối. Khoảng 8 giờ sáng ngày 26/7/1968, khi cùng đơn vị ra thắp hương để tiếp tục tìm kiếm Hồ Thị Cúc, ông đã lẩm nhẩm đọc khẽ bài thơ rồi hóa luôn bài thơ bên hố bom. Đến khoảng 10 giờ, thi thể Cúc đã được tìm thấy.
“Cúc được tìm thấy trong tư thế quỳ, trong chiếc hầm tròn chiều hôm trước do tay Cúc đào. Nón trên đầu Cúc bẹp dí, vai còn vác cái cuốc. Hai tay Cúc bầm dập, máu đọng lại đã khô. Có lẽ, sau khi bom vùi lấp Cúc vẫn còn sống, đã cố gắng đào bới đất để thoát ra, nhưng trước khối lượng đất đá quá lớn, Cúc đã không thể làm gì được”, nhà thơ Yến Thanh xúc động.
Bài thơ “Cúc ơi” sau đó đã được đọc trên chương trình Tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam vào một đêm tháng 8/1968 với giọng đọc của nghệ sĩ Văn Thành. Thế nhưng, phải đến năm 1997, sau khi bộ phim “Ngã ba Đồng Lộc” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh được công chiếu, trong đó bài thơ “Cúc ơi” được đưa vào đoạn kết bộ phim, bài thơ mới được nhiều người biết tới. Cùng với việc bài thơ được lồng vào phần thuyết minh của các hướng dẫn viên khi người dân tới thăm Nghĩa trang Đồng Lộc, "Cúc ơi" dần nổi tiếng.
Bài thơ cũng được 5 nhạc sĩ phổ nhạc, trong đó, ca khúc “Cúc ơi” của nhạc sĩ Bùi Hăng Ry được giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi sáng tác ca khúc về 10 anh hùng, liệt sĩ Ngã Ba Đồng Lộc; và ca khúc “Em ở nơi mô” của nhạc sĩ Võ Công Diên đoạt giải Ba.
Mỗi nhạc sĩ, ca sĩ khai thác bài thơ ở một góc độ cùng thể hiện giai điệu khác nhau. Cá nhân ông thích nhất ca khúc phổ nhạc của Bùi Hăng Ry. Tuy nhiên, về ca sĩ thể hiện, ông lại thích ca sĩ Thu Hiền thể hiện bài : “Em ở nơi mô” của Võ Công Diên.
Một giai đoạn lịch sử hào hùng, “tiếng hát át tiếng bom”
Nhìn lại cuộc chiến tranh đã qua đi, nhà thơ Yến Thanh cho hay, lúc đó, không lực của Mỹ rất mạnh và hiện đại, máy bay quần thảo trên trời với vũ khí tối tân, còn những thanh niên xung phong của ta thì ở dưới mặt đất với xẻng, cuốc… những vật dụng thô sơ. Để chiến thắng được kẻ thù, không chỉ có mặt trận quân sự, mà còn cả mặt trận văn hóa.
|
Tác giả Yến Thanh bên bia đá khắc bài thơ "Cúc ơi" tại Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh) chiều 24/7 - ngày giỗ 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Trần Trung Hiếu. |
Ở Ngã ba Đồng Lộc thời điểm đó, phong trào văn hóa, văn nghệ được chú trọng. Đội văn nghệ xung kích của Tổng đội thanh niên xung phong cùng với đội văn nghệ xung kích của ngành giao thông vận tải Hà Tĩnh đã tạo nên phong trào “tiếng hát át tiếng bom”. Trong đó, nhà thơ Yến Thanh là người sáng tác nhiều nhất.
Ngoài các bài hát nổi tiếng thời đó như “Vui mở đường” (Đỗ Nhuận). “Cô gái mở đường” (Xuân Giao), “Đường Trường Sơn xe anh qua” (Văn Dung), “Tôi người lái xe” (An Chung), các tiết mục thơ, nhạc, kịch do ông thiết kế, sáng tác đã giúp đẩy mạnh phong trào thêm phong trào văn hóa văn nghệ.
Đêm đêm, các thanh niên xung phong vừa mở đường, vừa hò hát đối đáp, tiếng hát đã giúp nâng cao tinh thần lạc quan, dũng cảm, đẩy lùi nỗi sợ.
“Thú thực, Ngã ba Đồng Lộc những năm ấy bom như khoai, đạn như trấu vãi, không ai dám một mình đi ra nơi này. Thế nhưng, nếu có hàng trăm, hàng ngàn cô gái trẻ vừa đi vừa hát “Em đi san rừng em đi bạt núi, em như con suối nước chảy không ngừng” thì không sợ chết nữa. Mà với tinh thần lúc đó, dù có hy sinh, được dâng hiến tuổi xuân mình cho đất nước cũng thật vẻ vang”, nhà thơ Yến Thanh kể lại.
Nhà thơ Yến Thanh cho hay, mặt trận văn hóa có ý nghĩa rất lớn, nó tựa như một chiếc đòn bẩy, nâng cao lòng yêu nước và lý tưởng cách mạng của thanh niên, làm nên chiến thắng rực rỡ của chúng ta sau này.
Theo ông, ngày nay, thế hệ trẻ có nhiều thuận lợi so với các thế hệ cha ông về đời sống, điều kiện học hành. Tuy nhiên, cùng với đó là những cám dỗ. Vì thế, ông mong lớp trẻ nhận ra lý tưởng sống, làm sao để có nhiều đóng góp cho đất nước.
“Với tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là một tấm gương lớn để lại cho lớp trẻ, một tấm gương sáng ngời cả về trí tuệ và nhân cách, dành trọn một đời phụng sự Nhân dân, đất nước”, nhà thơ Yến Thanh bày tỏ.
Nhà thơ Yến Thanh, tên thật là Nguyễn Thanh Bính (SN 1945, quê ở xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh).
Ông tham gia lực lượng thanh niên xung phong giai đoạn 1965-1971 theo diện biệt phái từ một kỹ sư cầu đường, phụ trách kỹ thuật cho 2 Tổng đội TNXP là N53 và N55. Từ ngày 1/4/1968, UBND tỉnh Hà Tĩnh lệnh điều động toàn bộ Tổng đội TNXP N55 về đảm bảo giao thông khu vực Đồng Lộc dài 16km từ Cống 19 của xã Phú Lộc cho đến Khe Giao của xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc. Ông bị thương tại Khe Út năm 1968, là thương binh hạng 4/4.
Ngoài "Cúc ơi", ông còn sáng tác nhiều tác phẩm khác, trong đó, có một số bài được độc giả yêu mến, như "Nén hương đồng đội” (Tuyển thơ thế kỷ XX của Hà Tĩnh) và bài “Ngã ba tên em” (Đài tiếng nói Việt Nam cũng đã ngâm 1968)... Một số bài thơ của ông được các nhạc sĩ phổ nhạc, như nhạc sĩ An Thuyên phổ bài "Quê thơ"; nhạc sỹ Mạnh Chiến phổ bài "Quê thơ" và "Lục bát Tiên Điền". Gần đây Nhạc sĩ Trịnh Ngọc Châu đã phổ nhạc bài thơ:” Nén hương đồng đội”.
Tuy nhiên, ông không nhận mình là nhà thơ. Ông thấy, những gì mình làm đều quá nhỏ bé so với sự hy sinh của đồng đội.
Ngày 23/12/2023, Bia đá khắc bài thơ “Cúc ơi” được khánh thành trong khu mộ 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc, với ông, đó là niềm vinh dự.
Mỗi năm, ông đều đến thắp hương tại Ngã ba Đồng Lộc. “Khi đến trước mộ Cúc, bát nhang luôn cháy bùng, không biết có phải Cúc muốn nói rằng, Cúc biết tôi tới thăm Cúc hay không”, nhà thơ Yến Thanh xúc động.