Các dịch giả sách “Hoàng Việt thi văn tuyển của Bùi Huy Bích, chú thích đó là bút tích của chúa Trịnh Tùng (1570 - 1623) và dịch là “Xanh lạ đáng yêu”(1). Cũng có người cho rằng 4 đại tự này là của vua Lê Thánh Tông (1442 - 1498) viết trong chuyến về thăm Lam Kinh và họ còn nói rõ Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1442 - ?) đã dâng bút cho nhà vua đề!
|
Dòng chữ thể hiện lòng ngưỡng mộ vẻ đẹp trước động của một vị thi sĩ vô danh. |
Trong quá trình khảo sát, biên dịch số di sản văn hóa Hán Nôm hiện còn ở Thanh Hóa, chúng tôi đã phát hiện trên vách đá trước cửa động Hồ Công có một bút tích chữ Hán, được phiên âm như sau: “Ngã Ái Châu hưng vượng chi địa, sơn xuyên đa kì ái. Tạc nhân bái yết Sơn lăng, viên phỏng tiên nham nhận cổ xát. Vân bình phiêu diêu khung lung chân thị Hồ Công nhất đại thắng, khái hứng thành thất ngôn chấp luật nhất thủ, đặc thư Ngọc Hồ” nhị tự, “Thanh Kì Khả Ái” tứ tự, mệnh khắc vu thạch vân.
Dịch nghĩa: “Châu Ái ta là đất hưng vượng, núi sông nhiều nơi kì lạ đáng yêu. Hôm qua ta nhân bái yết Sơn lăng(2) đến thăm núi tiên, nhận ra ngôi chùa cổ. Mây mông mênh trôi bồng bềnh, quả là cảnh đại thắng của động Hồ Công, bỗng dào dạt thi hứng làm một bài luật thi 7 chữ. Đặc biệt viết 2 chữ “Ngọc Hồ” và 4 chữ “Thanh Kì Khả Ái” sai khắc vào đá”.
Lối đi tầng tầng lớp lớp bằng đá lượn quanh co
Trên cao phô ra một hình bầu ngọc
Hòn đá hình con cóc toả ánh châu rực sáng
Dấu thuốc còn thừa trên hình voi tuyết làm cho gầy gò
Bóng mây phất phới như in dấu tiên đi
Trong động ánh dương lung linh như một lò lửa
Đất phúc xưa nay đều có nhiều danh lam, thắng tích
Chẳng cần gì mất công tô điểm như bức họa đồ ở “suối Võng Xuyên”
Dịch thơ:
Trùng trùng nẻo đá lượn quanh co
Đỉnh núi nhô cao một Ngọc Hồ(3)
Đá hóa cóc già châu tỏa sáng(4)
Son phai tượng cũ tuyết loang mờ
Bóng mây chấp chới hình tiên bước
Hang nắng lung linh dáng hỏa lò(5)
Đất phúc xưa nay bao thắng tích
Nhọc chi tô điểm “Võng Xuyên đồ”(6).
Trịnh Sâm đề vào tháng 10 năm Canh Dần (1770)
Thần: Cao Bác(7) vâng viết”.
(Hồng phi - Hương Nao phiên âm và dịch).
Qua bút tích trên của chúa Trịnh Sâm (1739 - 1782) hiện còn khắc vào vách đá phía trên cửa động Hồ Công, một thắng cảnh nổi tiếng của Thanh Hóa, đã giúp chúng ta xác định được chính xác 4 đại tự “Thanh Kì Khả Ái” khắc trên phiến đá nguyên khối, trên đường đi tới đông là của chúa Trịnh Sâm, chứ không phải của vua Lê Thánh Tông, hoặc chúa Trịnh Tùng như bấy lâu nhầm lẫn. Bút tích này được đề vào tháng “Tiểu xuân”, tức tháng 10 năm Canh Dần là thời gian Trịnh Sâm tuần hành vào Thanh Hóa như sách Đại Việt sử kí tục biên đã chép. Vì vậy theo chúng tôi có thể dịch 4 đại tự “Thanh kì khả ái” là “Màu xanh kì lạ đáng yêu” như các dịch giả tác phẩm “Hoàng Việt thi văn tuyển” của Bùi Huy Bích. Và cũng còn có thể dịch là: “Xứ Thanh kì lạ đáng yêu” theo nội dung lời đề tựa của tác giả.
Ở trong động Hồ Công, phía trên vách đá cao còn có hai đại tự “Ngọc Hồ”, xưa nay không biết ai đề. Nay nhờ bút tích nói trên nên cũng biết đó là bút tích của chúa Trịnh Sâm.
Trịnh Sâm là vị chúa có tài và yêu thích văn thơ, đã để lại ở Thanh Hóa cũng như một số địa phương khác những bài thơ khắc lên vách núi các di tích, danh lam. Việc phát hiện bút danh “Nhật Nam nguyên chủ” của tác giả và thời gian đề các bài thơ trên, đã góp phần làm sáng rõ những nghi vấn tồn tại bấy lâu nay về xuất xứ của những bài thơ đó.