Xe đi nhầm đường gây ra Chiến tranh Thế giới thứ nhất?

Google News

Chiến tranh Thế giới thứ nhất bắt đầu vào năm 1914 và kết thúc năm 1918 được xem là một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử.

Nguyên nhân gần dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ nhất được cho là vụ ám sát Thái tử Áo, Franz Ferdinand… Liệu chiến tranh tàn khốc có thể tránh được nếu chiếc xe chở ông hoàng không rẽ nhầm đường và vụ sát hại không xảy ra?

Xe di nham duong gay ra Chien tranh The gioi thu nhat?

Chuyến đi đầy sóng gió

Vào ngày 28/6/1914, Thái tử Áo, Franz Ferdinand và vợ là nữ Công tước Sophie xứ Hohenberg, tới Sarajevo. Ông là người thừa kế ngai vàng của đế quốc Áo - Hung và cũng là Tổng thanh tra quân đội đến thủ đô của Bosnia để kiểm tra, đánh giá các đội quân của triều đình đóng ở đó.

Chuyến thăm gặp rắc rối ngay từ đầu. Ngày 28/6 là ngày Thánh Vitus, kỷ niệm sự kiện quân đội Ottoman đánh bại Serbia, vương quốc thời Trung cổ, trong trận chiến Kosovo năm 1389. Sự có mặt của Franz Ferdinand đúng lúc này khiến những người theo chủ nghĩa dân tộc Serbia cảm thấy bị xúc phạm.

Sáng ngày hôm đó, Thái tử Franz và Công nương Sophie ngồi trong chiếc xe mui trần Gräf & Stift đi khắp thành phố Sarajevo, với lộ trình chính thức đã được công khai từ trước.

Mặc dù nguy cơ tấn công khủng bố được cho là rất cao, nhưng không hiểu sao, người ta chỉ thực hiện các biện pháp an ninh tối thiểu để bảo vệ cặp vợ chồng vương giả này. Trong khi đó, các sinh viên người Serb ở Bosnia có quan hệ với nhóm dân tộc chủ nghĩa “Bàn tay đen” biết được tuyến đường đoàn xe đi qua và lên kế hoạch phục kích ám sát Thái tử.

Lúc đoàn xe khởi hành, mọi thứ vẫn hoàn toàn bình thường. Nhưng vào khoảng 10 giờ 15 phút sáng, Nedeljko Čabrinović, một người Serb gốc Bosnia, đã ném một quả lựu đạn vào chiếc xe chở Thái tử Franz Ferdinand và Công nương Sophie. Tuy nhiên, trước đó tài xế dường như đã tăng tốc nên tránh được vật nổ khiến nó rơi trúng chiếc xe phía sau chở tướng Oskar Potiorek khiến ông và những người tùy tùng bị thương.

Franz Ferdinand và vợ tiếp tục đến tòa thị chính của Sarajevo để gặp thị trưởng và một số quan chức khác. Sau khi đọc diễn văn và giải quyết một số công việc chính trị, ông đến thăm thống đốc Oskar Potiorek, người đang được điều trị trong bệnh viện, trước khi rời Sarajevo. Vết thương của vị tướng không nghiêm trọng nên ông xin tháp tùng Thái tử trong chuyến này.

Do âm mưu khủng bố trước đó, đoàn xe quyết định thay đổi lộ trình và sẽ rời thành phố qua bến cảng Appel. Tuyến đường ban đầu được công bố sẽ rẽ vào phố Franz Joseph và qua một khu chợ.

Tuy nhiên, làn đường hẹp cùng đông người mua sắm không đảm bảo an ninh nên lộ trình đã được thay đổi. Thế nhưng cách thức truyền đạt mệnh lệnh khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ.

Thái tử Franz Ferdinand và các thành viên của chiếc xe hộ tống nói tiếng Đức, trong khi tài xế của cả hai chiếc xe đều là người Czech. Không ai dịch sang tiếng Czech về những thay đổi này nên họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra, cứ lái xe theo lộ trình ban đầu.

Chiếc xe đầu tiên rẽ vào phố Franz Joseph, theo sau là xe chở Franz Ferdinand, vợ ông và tướng Oskar Potiorek. Khi nhận ra họ đang nhầm đường, Potiorek quát mắng tài xế khiến người này bối rối, phải dừng lại tìm hiểu các vị lãnh đạo này muốn nói gì. Lúc đó, một trong những sinh viên người Serb gốc Bosnia, Gavrilo Princip, tình cờ có mặt ở nơi này và nhận thấy thời cơ có một không hai để hành động.

Anh ta đã bắn hai phát súng ở cự ly gần vào chiếc xe, một viên đạn găm vào bụng Sophie, viên còn lại trúng vào cổ của Franz Ferdinand.

Chỉ vài giờ sau vụ ám sát này, tại Sarajevo và một số địa điểm khác ở Áo - Hungary đã nổ ra các cuộc bạo động chống người Serb. Nó kéo dài cho đến khi quân đội đến và lập lại trật tự.

Mồi lửa cho thùng thuốc súng

Xe di nham duong gay ra Chien tranh The gioi thu nhat?-Hinh-2

Nhiều người cho rằng vụ ám sát Thái tử Franz Ferdinand khơi mào cho Thế chiến thứ nhất, bởi một tháng sau, vào ngày 28/7/1914, chiến tranh chính thức nổ ra, trở thành một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, khi nhìn lại những năm trước đó, người ta dễ nhận ra rằng, chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chính phủ Áo - Hung đã cai trị Bosnia & Herzegovina và sau đó sáp nhập hai lãnh thổ trên vào Đế quốc. Trong khi đó, Serbia cũng muốn điều tương tự để thành lập quốc gia Slavic của riêng mình. Sự mâu thuẫn giữa hai quốc gia này nảy sinh kể từ đó.

Thêm nữa, vào năm 1911, cuộc khủng hoảng Morocco lần thứ hai xảy ra. Đức, vốn có hiềm khích với Pháp, muốn làm gì đó để gây sức ép lên liên minh Anh - Pháp. Sau một số cuộc giao tranh, Đức buộc phải công nhận chế độ bảo hộ của Pháp ở Morocco. Cuộc khủng hoảng đã đưa Anh và Pháp xích lại gần nhau hơn và thúc đẩy một cuộc đối đầu với Đức

Sau đó là Chiến tranh Balkan vào năm 1912 và 1913. Lần thứ nhất, Hy Lạp, Montenegro, Serbia và Bulgaria, những nước thoát khỏi sự cai trị của Đế chế Ottoman, đã thành lập Liên minh Balkan, mục tiêu là chiếm đoạt nhiều lãnh thổ còn thuộc về người Thổ Nhĩ Kỳ ở Balkan và chấm dứt Đế chế Ottoman.

Sau khi Liên minh tan rã, Serbia, Hy Lạp và Montenegro đánh bại quân đội Ottoman. Điều này dẫn đến Chiến tranh Balkan lần thứ hai, Bulgaria đánh nhau với Hy Lạp và Serbia để giành quyền kiểm soát Macedonia và Romania.

Đế chế Ottoman quyết định tham gia, chống lại Bulgaria, đổ thêm dầu vào lửa. Người Bulgaria thua cuộc và Chiến tranh Balkan khiến khu vực càng trở nên bất ổn, căng thẳng giữa Áo - Hung và Serbia trở nên tồi tệ hơn.

Vào năm 1914, nếu việc rẽ nhầm vào phố Franz Joseph không xảy ra và Franz Ferdinand rời Sarajevo an toàn, liệu lịch sử có khác đi? Theo các nhà sử học, lúc đó châu Âu như một thùng thuốc súng, vụ ám sát Thái tử chỉ là mồi lửa làm cho nó nổ tung mà thôi.

Theo PV/Giáo dục Thời đại

>> xem thêm

Bình luận(0)