Băn khoăn của Võ Tắc Thiên
Theo dòng lịch sử, người đời đều biết rằng khả năng trị quốc của Võ Tắc Thiên vô cùng xuất sắc. Bà cũng nổi tiếng trên cương vị nữ hoàng đế, đặc biệt thích thu nạp tình nhân.
Chẳng những thế, ở tuổi 76, bà vẫn có bên mình hai người tình khôi ngô tuấn tú, là 2 anh em Trương Xương Tông và Trương Dịch Chi. Ba người họ cả ngày mua vui chốn cung đình, sống xa hoa trụy lạc.
Sau khi Võ Tắc Thiên lên ngôi hoàng đế, cũng phải đối mặt với một vấn đề khiến cho mọi hoàng đế đều phải đau đầu, đó chính là tìm người kế vị. Có hai ứng cử viên kế vị ngôi vị này, một là người con trai Lý Hiển, và người còn lại là cháu trai của bà, Võ Tam Tư.
Hai người đều là người thân, việc lựa chọn ai để truyền ngôi khiến vị nữ vương gặp phải nhiều khó khăn. Chính vào lúc đó, Địch Nhân Kiệt đã dẫn ra một điển cố xa xưa.
Địch Nhân Kiệt nói rằng: "Sách Tư Trị Thông Giám có viết, quan hệ cô cháu và quan hệ mẹ con, rốt cục mối quan hệ nào thân thiết hơn?
Bệ hạ lập con trai làm thái tử, có thể an hưởng nơi Thái Miếu (Miếu thờ quốc chủ) sau vạn kiếp thiên thu, thụ hưởng nhang khói đời đời kiếp kiếp; Còn nếu lập cháu trai làm thái tử, thần chưa từng nghe thấy vị nào sau khi làm hoàng đế, sẽ thờ cúng gia miếu của cô mình."
Võ Tắc Thiên nghe xong cảm thấy cực kỳ có lý, liền hạ lệnh cho Lý Hiển quay về Trường An, phục vị Hoàng Thái Tử.
Thực ra, sau khi Võ Tắc Thiên đăng cơ, có mong muốn truyền ngôi cho con cháu họ Lý, nhưng trong lòng còn lo sợ một khi gia tộc họ Lý lên nắm quyền sẽ áp chế gia tộc họ Võ.
Câu chuyện gia tộc họ Lữ thời Tây Hán chính là một bài học sâu sắc. Sau khi Lữ hậu qua đời, gia tộc họ Lữ mất đi chỗ dựa, gia tộc họ Lưu liên kết với nhóm công thần diệt trừ họ Lữ tận gốc.
Và Võ Tắc Thiên đương nhiên không muốn gia tộc mình rơi vào kết cục như họ Lữ. Thế nhưng, bà cũng không muốn sau khi họ Võ lên nắm quyền sẽ thanh trừng con cháu của mình.
Do đó, Võ Tắc Thiên vô cùng cẩn trọng trong việc lập Thái tử. Bà biết rằng nếu xử lý không khéo, cả họ Lý và họ Võ đều không có kết cục tốt đẹp. Để Lý thị và Võ Thị chung sống hòa thuận với nhau, Võ Tắc Thiên sau khi phục vị Thái tử cho Lý Hiển, đã hạ lệnh liên hôn giữa hai họ nhằm củng cố tình đoàn kết giữa hai gia tộc.
Đồng thời, Võ Tắc Thiên còn yêu cầu Lý thị và Võ Thị lập lời thề: "Lý Võ không tàn sát lẫn nhau", còn mang lời thề khắc lên thiết khoán (sách bằng sắt), cất giữ trong kho sử, nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa hai nhà. Nhưng dưa chín ép thì sao có thể ngọt, nếu hai họ gặp xung đột lợi ích, chắc chắn sẽ nảy sinh tranh đấu. Đây luôn là điều mà Võ Tắc Thiên canh cánh trong lòng.
Kế sách để hài hòa hai họ Lý - Võ
Tất cả hoàng đế đều hiểu rằng phải biết cân bằng quyền lực, Võ Tắc Thiên cũng không ngoại lệ. Để duy trì tính ổn định của triều đình, Võ Tắc Thiên đã nghĩ ra một kế sách khiến mọi người đều kinh ngạc, đó là thu nạp nhân tình.
Vậy điều này có mối liên hệ gì với xung đột lợi ích của hai gia tộc? Câu trả lời là tồn tại mối liên hệ rất lớn.
Năm công nguyên 697, công chúa Thái Bình dâng tặng mẫu hậu Võ Tắc Thiên một người đàn ông, tên Trương Xương Tông.
Võ Tắc Thiên ở tuổi 76, cực kỳ sủng ái Trương Xương Tông, luôn dẫn người này bên người, mọi lúc mọi nơi. Sau đó, Trương Xương Tông lại dâng lên Võ Tắc Thiên huynh trưởng của mình là Trương Dịch Chi. Võ Tắc Thiên cũng vô cùng yêu thích một Trương Dịch Chi đẹp trai tuấn tú. Và thế là hai huynh đệ hàng ngày bên cạnh Võ Tắc Thiên, cùng bà tiêu khiển.
Trên thực tế, đối với một bà lão 76 tuổi mà nói sớm đã chẳng còn hứng thú đối với chuyện nam nữ. Võ Tắc Thiên sở dĩ như vậy chỉ vì muốn cảm nhận được sức sống tươi trẻ từ anh em họ Trương.
Dưới sự hầu hạ của anh em họ, hàng ngày nữ vương đều cảm thấy vui vẻ. Vì thế bà không những thưởng họ nhiều của cải tiền bạc mà còn giao cho họ quyền lực rất lớn, thậm chí phong là Quốc công.
Có được chỗ dựa vững chắc là Võ Tắc Thiên, địa vị của anh em họ tăng nhanh như diều gặp gió. Họ bắt đầu lôi kéo bá quan trong triều, hình thành nên phe phái mới.
Trong triều dần dần hình thành cục diện kìm hãm lẫn nhau giữa ba phe phái, họ Lý, họ Võ và họ Trương. Huynh đệ họ Trương ngày một lớn mạnh, khiến cho Lý thị và Võ thị dần dần cảm thấy bất mãn và bất an.
Sau này, cháu trai Võ Tắc Thiên (gọi Võ Tắc Thiên là bà nội) là Lý Trọng Nhuận và con gái Vĩnh Thái Quận chúa cùng Ngụy vương Võ Diên Cơ mưu đồ liên kết chống lại sự lũng đoạn chuyên quyền của anh em họ Trương.
Không ngờ thông tin bị lộ ra ngoài, anh em họ Trương mang chuyện này tấu lên Võ Tắc Thiên. Kết quả là Võ Tắc Thiên chẳng những không nghiêng về cháu trai và cháu gái ruột, cũng không về phe cháu họ của mình, mà lại thiên vị anh em họ Trương. Bà hạ lệnh xử chết cả 3 người cháu.
Kết cục này khiến cả họ Lý và họ Võ đều vô cùng phẫn nộ, hai gia tộc đều đổ mâu thuẫn lên anh em họ Trương. Và đây chính là điều mà Võ Tắc Thiên mong chờ nhất.
Bởi nếu muốn hai kẻ thù địch đoàn kết lại thì bắt buộc phải để cho họ có chung kẻ thù. Và anh em họ Trương chính là kẻ thù chung của họ.
Năm 705, sau khi anh em họ Trương đắc sủng 8 năm, nhóm người Trương Giản Chi được sự hậu thuẫn của thái tử Lý Hiển và tể tướng Võ Tam Tư, phát động cuộc chính biến Thần Long, giết chết anh em họ Trương, ép Võ Tắc Thiên thoái vị, đồng thời khôi phục nhà Đường.
Sau khi Lý Hiển đăng cơ, không những không tấn công Võ thị, ngược lại còn giao phó trọng trách lớn lao, cùng nhau thụ hưởng giang sơn. Có thể đây chính là kết quả của việc "Lý Võ liên hợp", và nằm trong kết hoạch của Võ Tắc Thiên.
Nếu không có sự tồn tại của anh em họ Trương, Lý thị và Võ thị cũng sẽ không thể chung sống hòa bình, không đội trời chung với nhau.
Và Võ Tắc Thiên đã sử dụng hai tình nhân để đổi lấy sự hòa hợp giữa hai gia tộc, cũng giải quyết được vấn đề chuyển giao quyền lực, vô cùng cao minh. Thật không ngoa khi nói rằng, Võ Tắc Thiên sở hữu năng lực và bản lĩnh bài binh bố trận vô cùng tuyệt vời.