Trong các tác phẩm kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung, Hoa Sơn luận kiếm là sự kiện tiêu biểu và nổi tiếng bậc nhất. Được nhắc đến trong các tác phẩm Anh hùng xạ điêu và Thần điêu đại hiệp, Hoa Sơn luận kiếm xảy ra theo định kỳ khoảng hơn 20 năm một lần. Tổng cộng trong các tác phẩm của Kim Dung có nhắc đến 3 kỳ luận kiếm.
Đặc điểm của Hoa Sơn luận kiếm là những cao thủ có tiếng tăm nhất sẽ được mời đến núi Hoa Sơn, thi thố võ nghệ. Năm người mạnh nhất sẽ được gọi là Thiên hạ ngũ tuyệt (Càn khôn ngũ tuyệt hay Võ lâm ngũ bá). Trong đó lần luận kiếm thứ nhất là quan trọng và nổi tiếng nhất.
Trong kỳ luận kiếm thứ nhất, ngoài mục đích xác định người có võ công cao nhất thiên hạ, sự kiện này còn có mục đích chọn ra chủ nhân cho cuốn Cửu âm chân kinh, một bí kíp võ công được coi là bảo vật của võ lâm. Tuy nhiên, trong cuộc luận kiếm này có hai sự vắng mặt được cho là đáng tiếc đó là Bang chủ Thiết Chưởng bang và nữ hiệp Lâm Triều Anh của phái Cổ Mộ.
Tại Hoa Sơn kiếm lần thứ nhất, Thiên hạ ngũ tuyệt được bầu ra gồm năm người:
Đông Tà Hoàng Dược Sư nổi danh với tuyệt kỹ Đạn chỉ thần công, Lạc Anh thần kiếm chưởng, Ngọc Tiêu kiếm pháp, Bích Hải Triều Sinh Khúc…
Tây Độc Âu Dương Phong nổi danh với tuyệt kỹ Hà mô công, Linh xà quyền.
Nam Đế Đoàn Trí Hưng nổi danh với tuyệt kỹ gia truyền Nhất dương chỉ.
Bắc Cái Hồng Thất Công nổi danh với Giáng Long thập bát chưởng và Đả cẩu bổng pháp.
Trung Thần Thông Vương Trùng Dương là người có võ công mạnh nhất, ông đã đánh bại Hoàng Dược Sư, Âu Dương Phong, Đoàn Trí Hưng và Hồng Thất Công để trở thành người đứng đầu trong Thiên hạ ngũ tuyệt, được giữ bộ Cửu âm chân kinh.
Trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu, Vương Trùng Dương mất trước khi thời đại Xạ Điêu bắt đầu. Những câu chuyện về ông thường được kể thông qua sư đệ Chu Bá Thông và các học trò của ông.
Theo đó, Vương Trùng Dương vốn khởi nghĩa chống quân Kim nhưng không thành. Ông quay về núi Chung Nam lập ra phái Toàn Chân. Ông lại có tình cảm với nữ hiệp Lâm Triều Anh nhưng không kết hôn, khiến nàng giận dỗi, chiếm lấy Hoạt tử nhân mộ của ông ở trên núi Chung Nam, từ đó hai người không nhìn mặt nhau.
Về võ công của Vương Trùng Dương cố nhà văn Kim Dung không nói đến xuất xứ nhưng khẳng định Vương Trùng Dương là vô địch khi còn sống.
Theo lời kể của các nhân vật trong truyện, trong lần Hoa Sơn luận kiếm, Vương Trùng Dương dựa vào Toàn Chân kiếm pháp (kiếm pháp độc môn của Toàn Chân giáo) mà đánh bại quần hùng. Chiêu mạnh nhất của bộ kiếm pháp là "Nhất khí hóa Tam Thanh".
Tuy nhiên, môn võ công Vương Trùng Dương đắc ý nhất là Tiên thiên công. Đây là môn nội công thượng thặng của ông, có tác dụng đả thông kỳ kinh bát mạch, tu luyện đến mức tận cùng cũng không thua kém gì Cửu âm chân kinh vì theo lời Vương Trùng Dương, có luyện thêm nữa cũng chỉ là thiên hạ đệ nhất mà thôi.
Nhưng Tiên thiên công lại là môn nội công này rất khó luyện, muốn tu luyện thì điều kiện rất khắc nghiệt. Vì vậy thay vì truyền lại cho sư đệ Chu Bá Thông và các đệ tử trong giáo, Vương Trùng Dương phải lặn lội tới tận Đại Lý để truyền thụ lại cho Đoàn Trí Hưng. Về sau theo sự suy vi của phái Toàn Chân giáo và sự diệt vong của Đại Lý, môn võ công này cũng thất truyền.