Vĩnh biệt người thầy yêu quý, tác giả ca khúc “Cô giáo bản Mèo”

Google News

Trái tim thầy Trần Phú Thế Cường, tác giả ca khúc “Cô giáo Bản Mèo” – người thầy yêu quý của bao thế hệ học sinh, sinh viên đã ngừng đập vào hồi 5h50 phút ngày 14/5/2024.

Mời quý độc giả xem video: Ca khúc "Cô giáo bản Mèo" do Kiều Oanh hát. Video được trình chiếu trực tuyến tại Lễ kỷ niệm 70 thành lập Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (năm 2021), gây xúc động tới nhiều thế hệ sinh viên cả trong và ngoài nước (do COVID-19 chỉ có thể dự trực tuyến Lễ Kỷ niệm). Nguồn: Youtube.

Sau nửa thế kỷ ra đời, “Cô giáo Bản Mèo” vẫn có sức sống mãnh liệt, là ca khúc được yêu thích, truyền cảm hứng cho bao thế hệ các thầy cô giáo, các em học sinh. Nhưng điều lạ lùng, trong các bản ca sĩ hát trên mạng, hầu như “vắng bóng”, không thấy ghi tên tác giả ca khúc.

Thầy giáo Trần Phú Thế Cường chia sẻ, nhiều người cũng hỏi thầy về việc tại sao không đăng ký bản quyền tác giả “Cô giáo Bản Mèo”. Nhưng với thầy, điều đó không quan trọng, mà điều quan trọng là nhiều người biết đến bài hát, truyền được tình yêu đối với nghề giáo và sự tri ân với những thầy cô hết lòng vì học sinh.
Vinh biet nguoi thay yeu quy, tac gia ca khuc “Co giao ban Meo”
  Thầy Trần Phú Thế Cường, tác giả ca khúc "Cô giáo Bản Mèo, người thầy yêu quý của bao thế hệ học sinh, sinh viên. Ảnh: Mai Loan.
Người thầy yêu quý của bao thế hệ học trò
Thầy Trần Phú Thế Cường sinh năm 1940. Tên thực của thầy là Trần Phú. Tuy nhiên, thấy tên “Trần Phú” trùng với tên của cựu Tổng Bí thư, nên thầy đã ghép chữ “Trần Thế”, “Phú Cường” để thành cái tên Trần Phú Thế Cường dùng trong sáng tác.
Tuổi thơ của thầy Trần Phú Thế Cường trải qua nhiều vất vả, mất mát, thiếu thốn tình cảm. Lên 4 tuổi, thầy mất mẹ, lên 7 tuổi, người bố trụ cột duy nhất cũng qua đời, bỏ lại con nhỏ mồ côi. Thầy Cường phải đi ở nhờ những ông chú, bà bác của mình, và vừa học vừa làm để có tiền ăn học.
Vinh biet nguoi thay yeu quy, tac gia ca khuc “Co giao ban Meo”-Hinh-2
 Tác giả bài hát Cô giáo Bản Mèo đi xây dựng và dạy văn tại trường cấp 3 Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang năm 1965, Ảnh: NVCC.
Say mê âm nhạc nhưng không có điều kiện để học bài bản, thầy Trần Phú Thế Cường đến với âm nhạc bắt đầu từ tự học, qua sách và qua những chương trình dạy hát của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau này, cậu học trò trường Bưởi mới có dịp đi học một số chương trình về hòa âm, phối khí do các nhạc sĩ dạy.
Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thầy Cường xung phong lên Tuyên Quang dạy học. Tại đây, thầy đã được trải nghiệm những khó khăn, vất vả của cuộc sống thầy cô giáo vùng cao.
Ngày đó lớp học chỉ có nhà tranh vách nứa, thậm chí chỗ đi vệ sinh cũng không có. Các em đều là người dân tộc, rất nghèo. Thầy giáo cũng nghèo, một tháng cũng chỉ có 12 kg gạo, lương 16 đồng, nhưng các thầy vẫn sẵn sàng nhường đồng lương ít ỏi cho các em mua sắn, mua ngô chống đói.
“Thầy cũng đi mấy chục cây số đường đèo cùng trò về thăm nhà, rồi đá bóng, chơi đùa cùng các em, đó là những kỷ niệm không thể nào quên được”, thầy Cường nhớ lại.
Năm 1967, thầy Cường được giữ lại làm giảng viên khoa Ngữ văn, giảng dạy về Mỹ học, Nghệ thuật học và sau là Phương pháp dạy học Văn tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Ký ức tuổi thơ vất vả, nghèo khó cùng trải nghiệm những ngày tháng bên các học trò vùng cao khiến thầy Cường càng thêm yêu thương học trò, tin tưởng vào sự tử tế, cống hiến của các thầy cô giáo.
“Có lần, khi trả lại phong bì và túi quà học sinh mang đến tặng thầy, tôi bảo học trò, giờ em chưa đi làm ra tiền, em mang tiền của bố mẹ đến biếu thầy, bố mẹ em vất vả, đó là điều không hay và bố mẹ em cũng nghĩ không tốt về thầy. Tôi luôn có niềm tin vào sự tử tế, vào tấm lòng của các thầy cô trên khắp mọi miền Tổ quốc”, thầy Cường chia sẻ.
Những cảm xúc đó đã cộng hưởng để thầy sáng tác ca khúc Cô giáo Bản Mèo nổi tiếng sau này.

Không chỉ có "Cô giáo Bản Mèo", thầy còn sáng tác rất nhiều những bài hát về trường học, về nghề giáo, trong đó có những bài hát được các tổ chức, trường dùng làm bài truyền thống.

Thầy cùng với thầy Văn Nhân là tác giả của hợp xướng Tiếng hát sư phạm (gồm có 4 chương, trong đó, thầy Văn Nhân viết chương 3, chương 4) được nhiều thế hệ sinh viên biết đến.

Thầy cũng là tác giả của một số bài hát như Tiếng hát sông Mã, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ (phổ thơ Nguyễn Khoa Điềm)... Nhiều bài hát được in trong các tuyển tập NXB âm nhạc, được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam...

“Cô giáo bản Mèo” ra đời trong niềm xúc động mãnh liệt
“Đường tới Bản Mèo đường dốc cheo leo.
Vượt qua sườn núi là đến với Bản Mèo.
Qua bao nhiêu con suối, nên cô thân quen.
Chân cô đi thoăn thoắt như cô giao liên.
Cô tìm ai mà cô đã đi đến tận Bản Mèo”...
50 năm qua, kể từ khi ra đời, giai điệu cùng những lời ca của “Cô giáo bản Mèo” đã ngân nga, theo bước chân của biết bao thầy cô và các thế hệ học sinh đến trường. Một tình yêu, tận hiến với nghề dạt dào như tiếng suối và trong vắt như tiếng chim ca đã truyền cảm hứng, lòng yêu nghề cho biết bao thầy cô giáo, đặc biệt là các thầy cô bám trường, bám bản.
Vinh biet nguoi thay yeu quy, tac gia ca khuc “Co giao ban Meo”-Hinh-3
 Thầy giáo Trần Phú Thế Cường bên ca khúc mang tên Cô giáo trên Bản Mèo được in năm 1982. Ảnh: Mai Loan.
Thầy Trần Phú Thế Cường chia sẻ, bài hát “Cô giáo Bản Mèo” ra đời trong một niềm xúc động mãnh liệt, không định trước. Vào tháng 5/1974, thầy và các cán bộ, giảng viên của khoa Ngữ văn có chuyến đi thực tế và nói chuyện văn chương tại miền Tây Bắc.
Một hôm đoàn định đi Tây Trang (vùng biên giới giữa Việt Nam và Lào), nhưng trời mưa dữ dội khiến đoàn phải thay đổi lịch trình. Đi được một đoạn khoảng 20km, đoàn phải rẽ vào nghỉ chân bên đền thờ tướng quân Hoàng Công Chất.
Đền thờ chỉ còn một cây đa to, dưới đó dựng lên một lớp học đơn sơ, tranh tre nứa lá. Trước mắt cả đoàn là hình ảnh một cô giáo trẻ, đang say sưa dạy khoảng 20 em học bài. Những chú chim rừng véo von như cũng học bài cùng các em.
“Khung cảnh ấy, hình ảnh ấy đã đi thẳng vào trái tim tôi. Và ngay trong đêm hôm đó, tôi đã viết ca khúc Cô giáo trên Bản Mèo, và hoàn thành bài hát trong chuyến đi công tác”, thầy Trần Phú Thế Cường xúc động kể lại.
Mời quý độc giải xem video: Thầy Trần Phú Thế Cường nói về hoàn cảnh sáng tác bài hát Cô giáo Bản Mèo. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Ra đời trong một hoàn cảnh như vậy, mọi “chất liệu” trong bài hát đều là thực. Cô giáo là thực, tiếng chim ca là thực, vách nứa cũng là thực.
Thầy Cường cho biết, có nhiều người tưởng rằng, “tiếng học bài ríu rít tiếng chim ca” là hình ảnh mang tính chất văn học, nhưng không phải, đó chính là hình ảnh thực và cũng là hình ảnh gây xúc động lớn với ông. Lớp học của cô giáo Bản Mèo dường như không chỉ có các em học sinh, mà còn có cả núi rừng, thiên nhiên cùng tham dự.
Tuy nhiên, khi viết Cô giáo trên Bản Mèo thì lớp học ở đây không chỉ là một lớp học cụ thể, một cô giáo cụ thể nữa, mà chuyển tải một ý nghĩa rộng hơn, đó là tấm gương của biết bao thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn, vất vả, đem ánh sáng tri thức đến cho học trò.
Bài hát khi mới ra đời có tên là Cô giáo trên Bản Mèo. Nhưng sau này, một số người trình bày ca khúc đã sử dụng một số tên gọi khác như “Cô giáo lên Bản Mèo”, “Cô giáo Bản Mèo”.
Nội dung bài hát cũng có một số “dị bản” so với bản gốc. Ví dụ, câu hát “Mà niềm vui dạt dào bên vách nứa” một số người hát: “Mà niềm vui dạt dào bên vách suối”, có người lại hát là “vách núi”.
“Nhưng cũng không sao cả, cũng không làm ảnh hưởng đến nội dung của bài hát. Và có thể coi bài hát giờ có 3 tên gọi”, thầy Cường nói.

Theo thông tin từ phía gia đình, thầy Trần Phú Thế Cường mất vào hồi 5h50 phút ngày 14/5/2024 (tức ngày 7 tháng 4 năm Giáp Thìn). Nhiều đồng nghiệp, học trò khi hay tin đã bày tỏ, chia sẻ niềm tiếc thương vô hạn một người thầy kính yêu, tài hoa, mẫu mực.

Lễ viếng thầy Trần Phú Thế Cường sẽ diễn ra vào hồi 9h ngày 16/5/2024 tại Cực Lạc Đường, chùa Long Hưng, thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 10h15 ngày 16/5/2024. An táng tại chùa Long Hưng.

Mời quý độc giả xem video: Thầy Trần Phú Thế Cường trình bày một đoạn ca khúc Cô giáo Bản Mèo. Năm ngoái, thầy bị tai biến, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, giọng hát cũng không còn được như xưa. Tuy không "hoàn hảo" nhưng thầy vẫn muốn gửi tặng các thầy cô, đồng nghiệp, học trò những giai điệu của những tháng năm gắn bó với nghề không thể nào quên. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)