Kim cương là biểu tượng quyền lực, sự giàu sang, quý phái, nhưng nhiều viên kim cương lớn dường như còn gắn liền với những câu chuyện chết chóc, độc địa, huyền bí.
Được tạo ra trong lòng trái đất từ hơn 1,1 tỉ năm trước, viên kim cương nặng 45,52 cara mang tên Hi vọng đã đi vào lịch sử vì nhiều lí do. Một trong những lý do là viên kim cương được định giá tới 250 triệu USD này bị cho là mang theo lời nguyền chết chóc cho người sở hữu.
Điều cực kỳ độc đáo ở viên kim cương Hy vọng là tuy có màu xanh xám, nhưng khi được đặt dưới ánh sáng cực tím bước sóng ngắn, nó tỏa sáng với màu lân quang đỏ đẹp mê hồn và còn đọng lại một lúc sau khi ngắt nguồn sáng. Nhiều người tin rằng ánh sáng đỏ kéo dài đó là bởi nó mang theo lời nguyền đẫm máu.
|
Kim cương Hy vọng được coi là một trong những viên kim cương nổi tiếng nhất thế giới |
Kim cương Hi vọng được khai thác từ mỏ Kollur, bang Andhra Pradesh của Ấn Độ. Theo ghi chép của người chủ đầu tiên, Jean Baptiste Tavernier, một thương nhân buôn kim cương người Pháp, viên kim cương được phát hiện vào thế kỷ 17. Ông đã mua nó trong một chuyến đi tới Ấn Độ cùng với nhiều viên đá quý khác.
Viên đá lúc đầu mà Tavernier mang về Paris lớn hơn rất nhiều so với viên kim cương hiện tại. Viên đá hình tam giác chưa bị cắt nặng tới 115 cara, được gọi với cái tên Kim cương xanh của Tavernier. Nhà buôn này bán nó cho Vua Louis XIV lấy 147 cân vàng và tước quý tộc.
Vua Louis XVI và Hoàng hậu Marie Antoinnette được thừa kế viên kim cương này (khi đó đã được đổi tên thành Màu xanh Pháp). Trong thời kì đầu của cách mạng Pháp, vua Louis XVI và gia đình bị giam ở Cung điện Tuileries. Năm 1792, bọn trộm đột nhập nhà kho hoàng gia và lấy đi nhiều đồ quý giá, trong đó có cả Màu xanh Pháp.
Dù viên kim cương bị mất, người ta vẫn tin rằng nó chính là nguyên nhân khiến Vua Louis XVI và Hoàng hậu Antoinette bị chặt đầu năm 1793. Sau sự kiện đó, kim cương Hi vọng bị cho là mang lời nguyền chết người.
Tháng 1/1911, báo New York Times đăng một bài viết liệt kê 14 trường hợp gặp bất hạnh sau khi tiếp xúc với kim cương Hy vọng: Jacques Colet mua viên đá từ Simon Frankel rồi tự tử; Hoàng tử Ivan Kanitovski mua từ Colet, sau đó bị giết trong Cách mạng Nga; Kanitovski cho Mlle Ladue mượn, nhưng người phụ nữ này bị chính người yêu mình giết; Simon Mencharides (sau đó bán kim cương Hy vọng cho hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ) bị ném xuống vách đá cùng vợ và con nhỏ; Hoàng đế Hamid trao kim cương Hy vọng cho Abu Sabir để “đánh bóng”, nhưng Sabir sau đó bị tống giam và tra tấn; Kulub Bey, người giám hộ viên đá, bị một nhóm côn đồ treo cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ; Tavernier, người mang viên đá từ Ấn Độ sang Paris bị “chó hoang xé xác ở Constantinople”…
Hầu hết những câu chuyện này không thể chứng thực, nhưng dường như chúng đã được thêm thắt để khiến viên đá có vẻ huyền bí hơn.
Liệu có phải viên đá gây ra kết cục bi thảm của những người sở hữu hay nguyên nhân chính là thói quen vung tay quá trán của họ? Có ý kiến cho rằng hầu hết những người từng sở hữu viên kim cương sống đủ lâu và chết ở tuổi phù hợp với thời đại của họ.
Ngoại lệ có thể là vua Louis XVI và Marie Antoinette, hai người bị chặt đầu trong Cách mạng Pháp. Liệu lời nguyền của viên đá có phải là nguyên nhân dẫn tới cái chết của họ? Có lẽ không phải vậy, mà chính là tình trạng kinh tế của đất nước lúc đó, nạn đói tràn lan và phong trào khai sáng – nguyên nhân chính của Cách mạng Pháp, đã dẫn đến kết cục bi thảm của họ.
Còn chuyện viên kim cương tỏa ánh lân quang đỏ ngay cả khi khi ngắt nguồn ánh sáng cực tím (khiến nhiều người liên tưởng tới lời nguyền đẫm máu), thì các nhà khoa học giải thích đó là do trong thành phần cấu tạo của viên đá có Nitơ và Bo.
Kim cương Hi vọng được cho là đã qua tay ít nhất 21 đời chủ và nay đang được lưu giữ tại Bảo tàng Smithsonian ở Washington DC. Học viện Smithnonian nhận được hàng ngàn lá thư phản đối việc tiếp nhận viên đá quý này vào năm 1958, vì nhiều người sợ rằng lời nguyền của nó sẽ mang thảm họa đến cho nước Mỹ. Các chương trình thời sự hồi đó liên tục có chương trình nói về những cái chết và sự bất hạnh liên quan đến viên đá màu xanh huyền bí.