Vào năm 1884, lịch sử Việt Nam ghi dấu ấn mới khi vị vua thứ 8 của nhà Nguyễn chính thức lên ngôi vàng dưới sự phò trợ của các đại thần như Nguyễn Văn Trường, Tôn Thất Thuyết. Trong thời điểm này, nước ta có nhiều biến cố, từ trước đến nay chưa bao giờ Việt Nam phải trải qua 3 đời vua chỉ trong vòng vỏn vẹn 4 tháng trời. Và sau khi Hàm Nghi lên ngôi được 1 năm, kinh thành Huế đã thất thủ.
Tên thật của vua Hàm Nghi là Nguyễn Phúc Ưng Lịch. Ông được người đời sau kính nể vì có tinh thần dân tộc lớn, lòng yêu nước mãnh liệt. Sau sự kiện đặc biệt năm 1885, vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết vào rừng núi Tân Sở (Quảng Trị) lánh nạn. Vua đã nhận đệ trình luận tội giặc Pháp do Tôn Thất Thuyết viết, trong đó vị đại thần đề cập đến việc nhân dân nổi dậy cùng chống Pháp.
Ngay sau khi đọc xong, ông đã ban chiếu Cần Vương, nội dung chiếu kể lại loạt diễn biến xảy ra từ lý do rời bỏ kinh thành, cho tới tình hình chiến đấu trong nước và tố cáo tội ác của quân Pháp. Đồng thời vua Hàm Nghi cũng kêu gọi người dân đứng lên phò vua cứu nước.
Không lâu sau đó, trên khắp đất nước ta đã nổi lên phong trào kháng chiếc chống thực dân Pháp cùng khẩu hiệu:“Cần Vương – giúp vua đánh giặc cứu nước”vang dội ở mọi ngõ ngách đường phố.
Mặc dù quân Pháp kêu gọi vị vua Hàm Nghi đầu hàng nhưng không thể. Vào năm 1888, vua bị bắt do Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc phản bội. Dù quân Pháp có dùng mọi chiêu thức để dụ dỗ, mua chuộc nhà vua đến thế nào cũng không thể lay động ý chí của vua Hàm Nghi. Sau đó, chúng đưa vua Hàm Nghi lên thuyền để đày đến Algeria – một thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi.
Trong cuộc đời của mình, vua Hàm Nghi đã sinh sống ở Algeria suốt 56 năm, và ông cũng chính là vị vua duy nhất trong lịch sử nước ta đi đày ở Châu Phi và cưới vợ tại đây. Khi bị lưu đày tại đây, vua Hàm Nghi phát triển tài năng hội họa và trở thành một người họa sĩ chuyên nghiệp, ký tên họa sĩ của ông là Tử Xuân. Cho tới nay không có nhiều người biết họa sĩ Tử Xuân đã từng triển lãm ba lần tại Paris.
Vua Hàm Nghi qua đời vì mắc căn bệnh ung thư dạ dày quái ác vào năm 1944 tại biệt thự Gia Long, thủ đô Alger. Ông được đưa đến chôn tại vùng Nouvelle-Aquitaine, nước Pháp. Cho tới năm 2009, hội đồng Nguyễn Phúc tộc đã đưa bài vị và di ảnh của vua về thờ ở Thế Tổ Miếu (Hoàng thành Huế).
Hiện nay, tên vua Hàm Nghi được đặt cho nhiều công trình, đường phố trên khắp cả nước, dù phong trào Cần Vương thất bại nhưng người đời vô cùng nể phục tinh thần yêu nước và ý chí kiên quyết chống lại quân Pháp của vua Hàm Nghi.