Trong lịch sử thế giới cổ đại, có những nhà lãnh đạo vô cùng kiệt xuất với đầu óc chiến lược và khả năng đánh bại mọi kẻ thù. Trong số các vị vua tài ba nhất thế giới, có những người tiêu biểu như Alexander Đại đế, Hoàng đế Caesar, Vua Hủi Jerusalem...
Theo War History, vua Sparta Leonidas I là vị tướng nổi danh nhất trong lịch sử Sparta và cả đất nước Hy Lạp cổ đại.
|
Leonidas quyết chiến đấu đến chết chứ không đầu hàng. (Ảnh trong phim "300" về trận chiến vĩ đại của Leonidas). |
Ngày nay, không có nhiều thông tin về con người thật của Leonidas và liệu ông có thực sự là một lãnh đạo tài ba như người ta thường nhắc đến hay không.
Vua của Sparta
Leonidas là con trai thứ của vua Anaxandridas và người vợ đầu tiên. Theo luật của người Sparta, chỉ có con trai cả của vua là được miễn không phải trải qua quãng thời gian huấn luyện khắc nghiệt.
Leonidas cũng không được chỉ định làm người nối ngôi nên ngay từ nhỏ, ông bị đẩy ra thế giới bên ngoài để rèn luyện cách sinh tồn, chiến đấu, và nếu sống sót mới được trở về Sparta.
Ông trở thành vua Sparta vào năm 490 trước Công Nguyên, sau cái chết của người anh trai Cleomenes. Ngày nay, không ai biết rõ những gì thực sự xảy ra với Cleomenes. Nhưng cái chết bí ẩn được cho là có liên quan đến Leonidas.
Nhưng dù thế nào, Leonidas cũng trở thành vua Sparta. Đất nước nhỏ bé khi đó đang cùng với Hy Lạp chiến đấu chống Đế chế Ba Tư hùng mạnh.
Cũng vào năm 490 trước Công Nguyên, nhà vua Leonidas liên minh với Hy Lạp, đánh lui quân Ba Tư trong trận Marathon.
|
Hình tượng Leonidas trong bộ phim 300. |
Những gì xảy ra trong quãng thời gian Leonidas trị vì đất nước cho đến nay vẫn còn là bí ẩn bởi không còn nhiều tài liệu nhắc đến. Nhưng có một sự kiện mà các học giả phương Tây đều đồng tình là chiến dịch xâm lược Hy Lạp lần hai của vua Ba Tư Xerxes vào năm 481 trước Công Nguyên.
Ban đầu, Xerxes tìm cách mua chuộc nhiều thành bang ở Hy Lạp, nhưng Athen và Sparta duy trì quan điểm chống đối mạnh nhất. Hy Lạp khi đó được chia thành nhiều thành bang khác nhau.
Năm 480 trước Công Nguyên, 1 triệu quân Ba Tư đánh chiếm Thessaly, một trong những khu vực nông nghiệp quan trọng nhất của Hy Lạp. Do những thành bang khác nhanh chóng đầu hàng, Sparta và Athen bị rơi vào thế bị động.
Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Leonidas nhận trách nhiệm dẫn quân cố thủ tại Thermopylae, con đường dẫn đến Athen. Khu vực này nằm sát bờ biển, khá chật hẹp, phù hợp để chặn đánh đại quân Ba Tư.
Theo kế hoạch Leonidas sẽ cầm chân quân Ba Tư lâu nhất có thể trong khi hải quân Athen đánh úp tàu thuyền Ba Tư, chặn đường rút lui của quân địch.
Trận đánh không cân sức
Vua Leonidas quyết định chỉ đem theo 300 người lính Sparta tinh nhuệ nhất đến Thermopylae trong khi Hy Lạp đóng góp 6.000 quân.
Theo các học giả phương Tây, dường như Leonidas muốn bảo toàn lực lượng Sparta hơn là dồn toàn lực vào trận đánh quyết tử. 6.000 quân Hy Lạp cũng được lệnh đóng quân từ xa, hỗ trợ 300 lính Sparta tinh nhuệ.
Trước khi ra đi, Leonidas còn nói với người vợ rằng nếu không sống sót trở về, hoàng hậu nên lấy một chàng trai tốt và hãy sống tốt.
Ở Thermopylae, Leonidas xây dựng phòng tuyến vững chắc bằng những bức tường kiên cố. Những người lính Sparta tinh nhuệ sẽ tận dụng thời cơ phản công, đẩy lùi quân địch.
Bản thân vua Ba Tư Xerxes không đánh giá thấp kẻ thù, khi quyết chờ đợi đủ 1 triệu quân tập trung đến chiến tuyến Thermopylae. Tuy nhiên, các nhà sử học ngày nay cho rằng đây chỉ là con số phóng đại. Ước tính quân Ba Tư tham gia trận đánh Thermopylae vào khoảng 70.000-300.000 người.
Như thường lệ, Xerxes ngạo mạn yêu cầu toàn quân Sparta và Hy Lạp đầu hàng. Leonidas đáp lời bằng tuyên bố “Xerxes muốn gì thì hãy đến mà lấy”.
Trong hai ngày, đội quân của Leonidas đứng vững trước đợt tấn công như vũ bão của quân Ba Tư, tiêu diệt hàng ngàn kẻ địch. Quân địch đông đến mức mỗi khi phóng tên, những mũi tên che khuất cả một góc bầu trời.
Nhưng đến đêm ngày thứ hai, quân Ba Tư đã tìm ra con đường nhỏ, đánh thọc sườn người Sparta. Đến lúc này, Leonidas yêu cầu các binh sĩ Hy Lạp rút lui còn ông và 300 người lính Sparta vẫn ở lại quyết chiến.
Đây được coi là quyết định tự sát, nhưng đem đến hai mục đích to lớn. Một là những người lính Sparta tinh nhuệ có thể làm suy yếu sức chiến đấu của kẻ địch. Hai là họ sẽ cầm chân kỵ binh Ba Tư, để những người sống sót cấp báo về Athen và Sparta.
Cuối cùng, Leonidas và những người thân cận hy sinh trong anh dũng, trở thành huyền thoại trong lịch sử.
Theo các học giả phương Tây, cái chết của Leonidas thể hiện đúng với khí chất của một người lính Sparta, từng nhiều lần đối mặt giữa sự sống và cái chết. Tuy những tài liệu ghi chép đến ngày nay chỉ còn sơ sài, hành động của Leonidas đã chứng minh ông là một người dũng cảm và đầy quyết đoán.