Trước khi băng hà, vua Tự Đức đã gọi ba viên quan Phụ chính đại thần, gồm: Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết vào trao di chiếu. Trong di chiếu có đoạn viết:
- “... Trẫm đã nuôi sẵn 3 con. Ưng Chân lớn tuổi nhất, được học hành từ lâu, đã đến tuổi trưởng thành, tuy nhiên mắt hơi có tật dù xưa nay vẫn giấu kín, sợ sau này không còn thấy sáng, tánh lại hiếu dâm và tâm tính rất xấu, không chắc đương nổi việc lớn. Nhưng đất nước cần có vua lớn tuổi.Trong thời thế khó khăn này, không dùng Ưng Chân thì dùng ai? Cho nên trẫm chọn Ưng Chân (Thụy Quốc Công) nối nghiệp dòng chính và nối ngôi vua”. Ưng Chân có tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Ái hay còn gọi là Nguyễn Phúc Ưng Chân, là con thứ 2 của Thoại Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y và bà Trần Thị Nga. Ưng Chân sinh ngày 23 tháng 2 năm 1852.
Thấy trong di chiếu viết vậy nên đại thần Trần Tiễn Thành đã dâng sớ xin vua Tự Đức bỏ đoạn nhận xét về tính xấu, tật xấu của Ưng Chân để đảm bảo uy tín cho tân quân. Nhưng vua Tự Đức không chịu, mà cho rằng phải nhắc nhở như thế cho Ưng Chân răn mình.
Hai ngày sau thì vua Tự Đức mất. Hoàng tử Ưng Chân tiếp chiếu lên ngôi vua và lấy hiệu là Dục Đức, rồi cùng bàn với ba vị Phụ chính đại thần rằng trong lễ đăng quang, bỏ đoạn ấy đi, không đọc. Và cả ba vị đại thần đều đồng ý. Nhưng trong buổi đại lễ, Trần Tiễn Thành đã xổ giọng trầm khi ngang đoạn ấy thì Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết không chịu, bắt Nguyễn Trung Hợp đọc lại đầy đủ rồi truyền đánh trống bãi triều. Hai ngày sau, Nguyễn Văn Tường dâng sớ lên Hoàng Thái hậu đòi truất phế Dục Đức vì 4 tội:
Cắt đoạn trong di chiếu. Đưa một giáo sĩ vào làm việc cho mình. Đang có tang cha mà mặc áo màu. Gian dâm với cung nữ của tiên đế.
Thế là mới lên ngôi được ba ngày, vua Dục Đức đã phải vào ngục tối. Từ đó, cuộc sống bị tù của Dục Đức quá bi thảm, ăn uống quá kém, thiếu nước, thiếu cơm. Vì vậy chỉ một tháng sau là tàn tạ, thoi thóp. Vua Dục Đức chết trong sự đói khổ đến thảm khốc! Tệ hại hơn là sau khi chết, xác của vua Dục Đức chỉ được bó trong một chiếc chiếu cũ để mang đi chôn. Đoàn đưa đám chỉ có ba người, gồm hai tên lính khiêng thi hài và người thứ ba là một viên xuất đội đi trong đêm khuya đầy mưa gió. Thi hài của vua Dục Đức được vùi trên một quả đồi. Ba ngày sau vợ con của vua Dục Đức mới biết tin và làm lễ tang.
Sáu năm sau, tức là vào năm 1889, khi con của vua Dục Đức là Nguyễn Bửu Lân được lên làm vua, hiệu Thành Thái mới khôi phục danh hiệu cho cha mình là “Cung Tôn Huệ Hoàng đế” và xây dựng lăng cùng với nhà thờ cho vua Dục Đức. Hiện nay lăng và nhà thờ của vua Dục Đức còn ở vùng An Cựu.
Lời bàn:
Từ tháng 7 đến tháng 11 năm 1883, chỉ có 4 tháng nhưng ở nước ta đã có tới 3 vị vua lên ngôi. Có lẽ đây là chuyện hiếm có không chỉ trong lịch sử Việt Nam mà là ngay cả trong lịch sử thế giới. Đây cũng chính là một trong những giai đoạn u ám nhất của lịch sử phong kiến ở nước ta. Điều đáng buồn là trong đó có người chỉ làm vua được đúng 3 ngày và chưa kịp đặt niên hiệu thì đã bị phế bỏ. Đó là vua Dục Đức. Sau đó, vua Dục Đức bị đem nhốt vào trong ngục tối và bỏ đói cho đến chết. Điều đáng đau buồn hơn nữa là vua Dục Đức bị phế truất và bị bỏ đói cho đến chết là do lệnh của Hoàng Thái hậu Từ Dũ, là mẹ đẻ của vua Tự Đức và là bà nội nuôi của vua Dục Đức.
Người xưa có câu “cọp dữ đến mấy cũng không bao giờ ăn thịt con”. Ấy vậy mà bà Từ Dũ, một phụ nữ được người đương thời tôn vinh không những có đủ cả “Tam tòng tứ đức”, mà còn là người giàu lòng nhân ái, nhưng lại quá tàn nhẫn với đứa cháu của mình. Đó là với cháu còn như vậy thì thử hỏi với người thường dân trong thiên hạ thì sẽ như thế nào. Vâng, một khi kẻ xấu mà được khoác áo bà hoàng, rồi trong tay lại có quyền cao chức trọng, có tiền muôn bạc nén thì đen cũng thành trắng, tàn ác cũng trở thành nhân hậu, không chính chuyên cũng trở thành chính chuyên... Vẫn biết thói đời xưa nay là vậy, nhưng xưa nay không có ai đưa tay che lấp được bầu trời hay cứ muốn gì là được nấy. Mọi việc thiên hạ đều biết cả, chỉ có điều người ta có muốn nói ra hay không mà thôi.