Kinh nghiệm từ Trung Quốc, Cuba và Lào
Trước khi mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước được thực hiện ở Việt Nam, các quốc gia theo mô hình XHCN khác đã áp dụng mô hình này ở các mức độ và hình thức khác nhau.
Tại Trung Quốc, sau khi ông Dương Thượng Côn kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch nước vào tháng 3/1993, ông Giang Trạch Dân khi đó là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Quân ủy trung ương đã được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Trung Quốc, từ đây mô hình lãnh đạo tối cao của đảng và nhà nước giữ vai trò nguyên thủ quốc gia bắt đầu được chế độ hóa.
Nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc, Tổng bí thư của Đảng Cộng sản, Chủ tịch Quân ủy trung ương Tập Cận Bình cũng được bầu kế nhiệm để trở thành nguyên thủ nước này theo đúng cơ chế trên sau khi ông Hồ Cẩm Đào kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3/2013.
Tại Cuba, người đứng đầu Đảng, người đứng đầu Nhà nước và đứng đầu Chính phủ Cuba chỉ là một. Trong nhiều năm, Fidel Castro đồng thời là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba. Sau đó, người kế nhiệm ông là Raul Castro cũng giữ đồng thời các chức vụ trên cho đến tháng 4/2018.
|
Fidel Castro và Raul Castro, hai nhà lãnh đạo nổi tiếng của Cuba. Ảnh: ABC news. |
Trong khi đó, Lào thống nhất chức danh Chủ tịch nước và vị trí đứng đầu của Đảng vào năm 1998, dưới thời Chủ tịch Khamtai Siphandon, và giữ nguyên tiền lệ này dưới thời của Chủ tịch Choummaly Sayasone và Bounnhang Vorachith - người đứng đầu Đảng và người đứng đầu Nhà nước ở Lào hiện tại.
Vậy, Trung Quốc, Cuba và Lào đã đạt được những thành tựu gì trong giai đoạn áp dụng mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước?
Kể từ giai đoạn lãnh đạo của Tổng Bí thư Chủ tịch Giang Trạch Dân, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến lớn về mọi mặt, từng bước trở thành một cường quốc có tầm ảnh hưởng toàn cầu, cạnh tranh quyết liệt với ngôi vị số một của Mỹ trên nhiều khu vực.
Trong thời kỳ nắm quyền của hai nhà lãnh đạo Fidel Castro và Raul Castro, Cuba dù bị Mỹ cấm vận suốt nhiều thập niên nhưng vẫn đạt những thành tựu khiến cả thế giới ngưỡng mộ về y tế, khoa học - công nghệ, giáo dục, thể thao, quyền bình đẳng giới, bình đẳng sắc tộc…
Còn nước bạn Lào từ năm 1998 đến nay luôn duy trì được sự ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế, từ một quốc gia thu nhập thấp đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.
Mô hình Tổng bí thư làm Chủ tịch nước có lợi ích gì?
Xung quanh vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau từ các chuyên gia trong và ngoài nước.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí Cầu Thị - cơ quan của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - ông Trương Quốc Tộ, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu văn hóa quyền lực mềm Trung Quốc nhận định: “Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy có lợi cho việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với ‘đảng-chính phủ-quân đội-nhân dân’, có lợi cho giữ vững và bảo vệ uy quyền của trung ương Đảng, có lợi cho phát huy ưu thế trong cơ chế lãnh đạo tập trung thống nhất của trung ương Đảng".
Một bài xã luận đăng vào tháng 2/2018 của tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng, mô hình Tổng bí thư làm Chủ tịch nước “có lợi cho bảo vệ uy quyền của trung ương đảng và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của đảng; có lợi cho tăng cường và cải thiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quốc gia và xã hội; có lợi cho bảo đảm điều phối các cơ quan chính quyền nhà nước và vận hành hiệu quả các thể chế quốc gia; có lợi cho tổ chức và thúc đẩy các hạng mục nhà nước; và là ưu thế chế độ cũng như ưu thế chính trị của quốc gia Xã hội chủ nghĩa".
|
Phủ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Ảnh: Hanoi Tour. |
Còn ở Việt Nam, trên tờ Vietnamnet, chuyên gia Nguyễn Khắc Giang - nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu kinh tế - chính sách (VERP), cho rằng việc thực hiện mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước có ba điểm tích cực lớn: Thứ nhất, việc Tổng Bí thư tương đương chính thức đảm nhiệm vai trò nguyên thủ quốc gia sẽ giải quyết vấn đề nan giải liên quan đến nghi lễ ngoại giao. Thứ hai, việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ cho thấy quyết tâm tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy hành chính ở cấp cao nhất. Thứ ba, mô hình này sẽ tạo điều kiện để thực hiện giám sát quyền lực tốt hơn, vì Tổng bí thư (Chủ tịch nước) sẽ có trách nhiệm giải trình trước cơ quan dân bầu là Quốc hội chứ không chỉ là Ban chấp hành Trung ương Đảng như trước.
Theo ông Nguyễn Khắc Giang, mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước “nếu thực hiện ở cấp cao nhất, hoàn toàn không phải là thay đổi nào quá lớn, hay đi ngược lại xu thế của các nước xã hội chủ nghĩa. Đây chỉ đơn giản là một cách sắp xếp quyền lực trong hệ thống lãnh đạo, và nhìn nhận dưới một số góc độ, có nhiều điểm tích cực”.
Trên tạp chí Tia Sáng, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhà phản biện xã hội và là chuyên gia trong lĩnh vực khoa học chính trị - đưa ra nhận định, việc thực hiện mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước “sẽ là cải cách quan trọng nhất của công cuộc Đổi mới 2.0. Đây là cải cách vừa giúp chúng ta tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vừa giúp khắc phục được những hạn chế rất lớn của mô hình quản trị quốc gia Xô-viết, theo đó Đảng đảm nhiệm rất nhiều chức năng của Nhà nước nhưng lại đứng ngoài Nhà nước”.