Hình thức đầu tư BOT là viết tắt của Build-Operate-Transfer, nghĩa là: Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao. Theo đó, hợp đồng BOT được ký kết giữa nhà nước và nhà đầu tư. Công trình xây dựng theo hình thức đầu tư này thuộc sở hữu của Nhà nước nhưng do nhà đầu tư tiến hành xây dựng.
Nhà đầu tư sẽ bỏ vốn để xây dựng công trình rồi vận hành để thu hồi số vốn đã bỏ ra. Sau khi chủ đầu tư đã thu hồi vốn, cộng thêm một khoản lợi nhuận thì công trình trên sẽ được chuyển giao lại cho Nhà nước quản lý và vận hành.
|
Sân bay quốc tế Kansai là dự án được xây dựng theo hình thức đầu tư BOT hiệu quả của Nhật Bản. Ảnh: Nkiac.co,jp. |
Trên thế giới, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Bahrain, Saudi Arabia, Israel, Ấn Độ... đã thực hiện hình thức đầu tư BOT. Trong số này, không ít nước có các dự án theo hình thức đầu tư BOT đạt hiệu quả cao trong lĩnh vực giao thông vận tải như xây dựng đường cao tốc, đường sắt...
Và Nhật Bản được đánh giá là quốc gia thực hiện BOT hiệu quả nhất với những dự án BOT nổi bật, trong đó có dự án xây dựng sân bay quốc tế Kansai.
Cụ thể, theo xu hướng chung của thế giới, chính phủ Nhật Bản đã ký kết hợp đồng BOT với nhà đầu tư nhằm tận dụng nguồn vốn của khu vực tư nhân để có sự phát triển mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội bằng việc xây dựng sân bay quốc tế Kansai trên hòn đảo nhân tạo ở Vịnh Osaka, giải quyết tình trạng quá tải tại sân bay quốc tế Osaka.
Theo đó, chính phủ Nhật Bản đã ký kết hợp đồng BOT, khởi công xây dựng sân bay Kansai vào năm 1987 với số vốn đầu tư vào khoảng 20 tỷ USD. Sau 7 năm thi công cải tạo đất, xây hai đường băng, nhà ga và các thiết bị khác, sân bay Kansai đi vào hoạt động từ năm 1994.
Mời độc giả xem video Cả nước có 8 trạm BOT vị trí bất hợp lý tương tự Cai Lậy (nguồn: VTC News):
Sau khi chính thức mở cửa đón khách, Hội Kỹ sư Dân dụng Mỹ bình chọn sân bay quốc tế Kansai là một trong 10 công trình kiến trúc của thiên niên kỷ năm 2001.
Hiện Kansai là một trong những sân bay hiện đại nhất và an toàn nhất thế giới khi chưa từng để xảy ra bất kỳ một vụ thất lạc hành lý nào kể từ khi đi vào hoạt động đến nay. Mỗi năm sân bay này đón khoảng 150.000 chuyến bay quốc tế và có khả năng chống chọi bão, động đất, sóng thần. Qua đó có thể thấy hình thức đầu tư BOT của Nhật Bản trong việc xây dựng sân bay quốc tế Kansai đã đạt được hiệu quả cao khi đem về nguồn lợi nhuận lớn.
Theo nhận định của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), hiệu quả của các dự án BOT Nhật Bản đến từ sự tính toán hợp lý và hài hòa giữa hai nhóm nhân tố tích cực và tiêu cực. Trong đó, nhóm yếu tố tích cực gồm chính sách tư nhân hóa, kinh tế, tài chính, kỹ thuật ... , còn nhóm yếu tố tiêu cực gồm kiến thức, pháp lý, rủi ro ...
Với chủ trương tư nhân hóa kịp thời của Chính phủ Nhật Bản thông qua sự hợp tác và huy động nguồn lực của cả hai khu vực công tư, nền kinh tế của “xứ Mặt Trời mọc” đã có sự bứt tốc mạnh mẽ trong giai đoạn khó khăn sau chiến tranh để gia nhập nhóm ba nền kinh tế lớn nhất thế giới với những thành tựu lớn trên nhiều lĩnh vực.
Được đưa vào sử dụng từ giữa thập niên 1990 với vốn đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD, sân bay quốc tế Kansai hàng đầu thế giới trên hòn đảo nhân tạo ở Nhật Bản là một ví dụ điển hình về sự hợp tác công tư thành công thông qua việc khai thác tính ưu việt của mô hình BOT ở Nhật Bản.
Bên cạnh Nhật Bản, Malaysia cũng được giới chuyên gia đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong việc sử dụng mô hình BOT nhằm thu hút nguồn vốn từ lĩnh vực tư nhân vào phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, chính quyền Malaysia áp dụng hình thức tư nhân hóa hệ thống đường cao tốc kể từ năm 1985. Theo đó, Malaysia sử dụng hiệu quả hình thức đầu tư BOT trong việc xây dựng 30 tuyến đường cao tốc quan trọng của đất nước. Từ đó, hình thành mạng lưới đường cao tốc có tổng chiều dài lên tới hàng nghìn km, góp phần thay đổi diện mạo tình hình giao thông.
Trung Quốc cũng khai thác hình thức đầu tư BOT hiệu quả trong lĩnh vực giao thông để xây dựng cầu, đường. Một trong những dự án BOT đáng chú ý là tuyến đường cao tốc Quảng Đông - Thâm Quyến.
Đây là dự án hợp tác giữa chính quyền tỉnh Quảng Đông và công ty Hopewell của Hong Kong. Số vốn đầu tư ban đầu do hai bên cùng bỏ ra là 12,2 tỉ nhân dân tệ. Theo báo cáo, lợi nhuận từ việc thu phí kể từ khi con đường này được sử dụng từ năm 1997 - 2011 là 35 tỉ nhân dân tệ. Trong đó, Công ty Hopewell nhận 47,5% số tiền thu phí và chính quyền Quảng Đông lấy 52,5%.
Tại châu Âu, một trong những dự án BOT là công trình thế kỷ đường hầm eo biển Manche dài 50,45 km bên dưới biển Manche tại Eo biển Dover, nối Folkestone, Kent ở Vương quốc Anh với Coquelles gần Calais ở phía bắc Pháp.
Công trình này đã đi vào hoạt động từ ngày 6/5/1994 với đường hầm dưới biển dài nhất thế giới và có độ dài tuyến đường sắt lớn thứ hai thế giới do qua eo biển Manche do Eurotunnel vận hành.
Theo số liệu thống kê, Eurotunnel lần đầu tiên cán mốc 1,1 tỷ euro vào năm 2013 nhờ hiệu quả hoạt động của đường hầm này và dự kiến con số này sẽ còn tăng trong những năm tiếp theo.