Nhà Mạc thành lập tháng 6 năm Đinh Hợi (1527) với sự kiện Mạc Đăng Dung lật đổ triều Lê sơ. Để có đội ngũ quan lại phục vụ vương triều mới, nhà Mạc đã có nhiều biện pháp đề cao giáo dục, quan tâm đến khoa cử.
Giáo dục và khuyến học thời Mạc
Nhà Mạc được chia làm hai thời kỳ và việc giáo dục cũng theo đó mà có sự khác biệt: Thời kỳ ở Thăng Long kéo dài từ năm Đinh Hợi (1527) đến năm Nhâm Thìn (1592) với nhiều thành tựu trong việc giáo dục và thi cử. Thời kỳ suy tàn tính từ khi bị đánh bại phải rút lên cát cứ ở Cao Bằng từ năm Qúy Tị (1593) đến năm Đinh Tị (1677) thì chấm dứt; do thế lực nhỏ yếu nên việc giáo dục không được chú trọng, mặc dù cũng tổ chức được một số khoa thi.
Để thể hiện việc tôn sùng Nho giáo, trọng việc học nên nhà Mạc vẫn tiếp tục duy trì việc thờ cúng các bậc Tiên hiền ở Văn miếu và cho lập Văn chỉ ở các địa phương. Riêng tại Thăng Long, nhà Mạc nhiều lần cho tu sửa Văn Miếu - Quốc Tử Giám, xây dựng thêm nhiều công trình khác như điện Sùng Nho, nhà Thái học, nhà Minh Luân và hành lang; đồng thời còn có nơi cư trú cho học sinh, dưới tên gọi là Xá sinh, Thượng xá sinh và Trung xá sinh... Các vua Mạc còn đến Văn Miếu tế lễ, khuyến khích việc học cho các nho sinh.
|
Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. (Hình minh họa – Nguồn: violet.vn). |
Theo lệ của nhà Lê sơ, nhà Mạc cũng cho dựng bia Tiến sĩ khắc tên các vị đỗ đạt, mặc dù không duy trì ổn định lệ này nhưng điều đó cũng là một hành động cổ vũ học tập và khuyến học có tác dụng rất lớn đối với xã hội.
Nội dung tấm bia Tiến sĩ đầu tiên của nhà Mạc được dựng năm Kỷ Sửu (1529) đời Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) đã thể hiện rõ chính sách khuyến khích người học và đề cao khoa cử. Văn bia có đoạn viết:
“… Dùng văn giáo mà rèn luyện nhân tài, sửa trường học để mở rộng nền giáo dục, ban học quy để cổ vũ lòng hăng hái. Nhân văn được trau dồi, thi cử được đổi mới. Phàm những điều lệ về thi cử, ban ấn vinh theo cấp bậc, so với thời xưa đều rõ ràng và đầy đủ hơn nhiều.
Kẻ sĩ gặp gỡ thánh triều, được hấp thụ nền giáo hóa tốt đẹp mới, được thi đậu, tiến lên con đường vẻ vang, lại khắc tên vào bia đá, há không phải là vinh hạnh lắm ru ! Vậy nên cảm phục đức lớn, gắng gỏi tiến lên, lấy trung thành làm nếp, lấy lễ nghĩa làm khuôn; tâm thuật phải ngay thẳng, làm nên sự nghiệp to lớn và lâu dài như Lã Văn Mục biết theo chính đạo mà giữ mình để giúp ích cho sự thịnh vượng thái bình, như Hàn Ngụy công biết dùng khoa mục mà giúp nước để giữ gìn nền trị an cho thiên hạ. Được như vậy thì người đời mới khen là bậc trạng nguyên chân chính, là vị tiến sĩ nổi danh, trên không phụ sự cất nhắc của thánh thiên tử, dưới không phụ điều học hỏi của mình, công nghiệp to lớn rực rỡ của mình sẽ sáng chói trên tấm bia đá vậy...”.
Trong thời thịnh trị của mình nhà Mạc đã tổ chức được 22 khoa thi Hội, lấy đỗ 485 Tiến sĩ và 13 Trạng nguyên. Điều đó cho thấy sự coi trọng học tập, đề cao tri thức của vương triều này. Đến khi rút lên Cao Bằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhà Mạc đã tổ chức được thêm một số khoa thi, lấy đỗ nhiều người tài giỏi, trong đó phải kể đến Nguyễn Thị Duệ, nữ Tiến sĩ duy nhất trong lịch sử khoa cử Nho giáo Việt Nam.
Có thể nói, để cố kết nhân tâm và thu phục nhân tài, tăng cường sức mạnh cho triều đại của mình, ngay từ khi mới thay thế triều Lê sơ, các vua triều Mạc vẫn đề cao Nho giáo và áp dụng hình mẫu giáo dục, thi cử như thời Lê sơ. Việc tổ chức giáo dục, thi cử này không ngoài mục đích xây dựng một tầng lớp phong kiến trung thành với nhà Mạc, phò tá triều Mạc phát triển. Đánh giá về vấn đề này, Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã viết: “Nhà Mạc dẫu bận chiến tranh mà vẫn không bỏ thi cử, vì thế được nhiều người tài giỏi giúp việc chống với nhà Lê, kéo dài hơn 60 năm. Ấy cũng là công hiệu của khoa cử đó”.
Vì sao chỉ có một khoa thi tiến sĩ triều Mạc được dựng bia?
Một trong những hoạt động thể hiện việc coi trọng phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài là tên tuổi những người tài ấy được trang trọng ghi khắc trên các tấm bia Tiến sĩ sau mỗi khoa thi. Tấm bia Tiến sĩ đầu tiên của nước ta dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào ngày rằm tháng 8 năm Giáp Thìn (1484) đời Lê Thánh Tông, kể từ đó các triều vua sau đều nối nhau làm theo lệ này.
Người xưa quan niệm rằng “khí vận của quốc gia quan hệ ở nhân tài, mà nhân tài cao thấp do khoa mục tuyển định. Sự thu dụng được hiền tài đáng được coi là khí cụ để đạt đến thịnh trị” (Văn bia đề danh Tiến sĩ Chế khoa Đinh Sửu -1577). Nhân tài có tầm quan trọng đặc biệt đến thế, vậy mà đối với vua Mạc Mục Tông (Mạc Mậu Hợp), một hoàng đế nổi tiếng hoang dâm, xa hoa, lười nhác chính sự thì việc dùng người, thực hiện kế sách trị nước của các đại thần trình tấu, ông đều không coi trọng.
|
Thác bản tấm bia Tiến sĩ duy nhất của vương triều Mạc. (Hình minh họa – Nguồn: hannom.org.vn). |
Nhà Mạc từ khi thành lập tháng 6 năm Đinh Hợi (1527) cho đến khi phải rút chạy khỏi kinh đô Thăng Long cuối năm Nhâm Thìn (1592) đã tổ chức được hơn 20 khoa thi tiến sĩ; trong khi đó chỉ có một tấm bia duy nhất ghi tên những người thi đỗ Tiến sĩ khoa thi đầu tiên năm Kỷ Sửu (1529). Đến đời Mạc Mục Tông ở ngôi, vào năm Nhâm Ngọ (1582) một đại quan là Trần Thì Thầm tâu xin dựng bia đề tên các tiến sĩ của các khoa thi đời trước, nhưng vua Mạc Mục Tông cho rằng bấy giờ đất nước đang gặp khó khăn nên không đồng ý với đề xuất đó.
Trong sách Đại Việt thông sử của Lê Qúy Đôn cho biết ngày 6 tháng 5 niên hiệu Quang Hưng thứ 5 tức năm Nhâm Ngọ (1582), “Đề điệu Quốc tử Thiếu bảo Thao quận công Trần Thì Thầm tâu rằng:
- Quốc gia lấy nhân tài làm trọng, mà cầu nhân tài lấy khoa mục làm vinh. Nước Việt ta, tự khi dựng nước tới nay, thường yêu chuộng nhân tài và long trọng khoa mục. Các triều đại trước đây, mỗi khi mở khoa thi xong, đem tên các vị trúng tuyển khắc vào bia đá, dựng tại Hấn cung, lại ghi chép vào Quế lục, để lưu truyền phương danh lâu dài về sau. Đó là một phép tốt của quốc gia vậy. Đến bản triều ta, cũng theo cổ điển, phô diễn phép hay, niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529), sau khoa thi tuyển, khắc tên các vị trúng tuyển vào bia đá, dựng ở cửa nhà Thái Học. Pháp hay chỉ thấy có một lần này thôi, mà cũng chưa có chép tên vào Quế lục.
Từ thời Đại Chính, Quảng Hòa cho tới thời Vĩnh Lịch, Cảnh Lịch, tuy là thời kỳ lắm việc, mà vẫn thường thường mở khoa thi tuyển nhân tài. Nhưng 2 thịnh điển kể trên, cũng đều chưa tính tới.
Hiện nay, chính là thời kỳ đáng nên khôi phục thịnh điển ấy và sửa sang cho tốt đẹp thêm. Vậy xin bệ hạ, ra lệnh cho các vị triều thần bàn định, bắt đầu tự năm nay trở đi, mỗi khi mở khoa thi xong, liền sai bộ Công tạo bia đá, khắc tên các vị trúng tuyển; các vị văn thần thì soạn bài ký ca tụng, khắc luôn vào bia đó. Lại chiếu xét những khoa thi trước, khoa nào chưa có bia thì lập bia, hoặc còn thiếu sót thì điền bổ cho đầy đủ. Lại sai các vị văn thần biên chép tất cả tên trúng tuyển các vị trúng tuyển vào quế tịch. Như vậy không những mỹ quan một thời, mà còn để đời sau xem xét, những tên các vị khoa mục, sẽ lưu thơm tới ức nghìn vạn năm! Không phải chỉ là thịnh sự của các vị tấn thân, mà thực là một sự hiển vinh của quốc gia vậy. Văn hóa thịnh vượng; thế đạo thịnh vượng; thiên hạ thịnh vượng. Hạ thần rất hân hạnh được đích thân trông thấy.
Mậu Hợp cho là hiện lúc này trong nước đang thời kỳ lắm việc, nên chưa thi hành”.
|
Tượng Mạc Mục Tông (Mạc Mậu Hợp). (Hình minh họa – Nguồn: vi.wikipedia.org). |
Cái gọi là “thời kỳ lắm việc” ấy chính là việc Mạc Mục Tông đang lo lắng đối phó trước các cuộc tấn công của quân nhà Lê Trung Hưng đang ngày càng lớn mạnh. Sử sách ghi chép rằng nhà Mạc thành lập chưa được bao lâu thì các thế lực trung thành với nhà Lê liên tiếp nổi dậy chống đối nhằm phục hồi lại vương triều cũ. Đến năm Qúy Tị (1533) thì thế lực này đã chiếm cứ được vùng đất phía Nam, lấy Thanh Hóa làm trung tâm, dẫn tới hình thế Nam triều Lê, Bắc nhà Mạc hỗn chiến hàng mấy chục năm trời.
Đời Mạc Mục Tông ở ngôi (1561- 1592), quyền chính suy đồi, thế lực nhà Mạc so với nhà Lê Trung Hưng ngày càng lép vế, có lẽ vì vậy mà ông vua này không còn tâm trí đâu lo đến việc dựng bia Tiến sĩ nữa. Đúng 10 năm sau khi từ chối dựng bia Tiến sĩ, vào tháng 11 năm Nhâm Thìn (1592) Mạc Mục Tông bỏ chạy khỏi Thăng Long rồi trốn vào ngôi chùa Mô Khuê ở Phượng Nhãn (nay thuộc huyện Yên Dũng, Bắc Giang) nhưng bị quân lính là Lê Trung Hưng bắt được đưa về kinh đô xử tử khi mới 29 tuổi.