Mông Cổ, vùng đất khổng lồ ẩn giấu nhiều huyền thoại vượt khỏi tầm hiểu biết của nhân loại. Không đường xá, không có những căn nhà cố định; chỉ bầu trời xanh lung linh, những thảo nguyên hút tầm mắt cùng gió hú thét gào.
|
Thành Cát Tư Hãn. |
Lời nguyền huyền bí
Tỉnh Nam Gobi (Ömnögovi) từng là đế quốc của Thành Cát Tư Hãn, vị chiến binh hùng mạnh đã xâm lược cả thế giới trên lưng ngựa. Chuyện về vị hoàng đế này là vô số những vụ bắt cóc, máu đổ khắp nơi, tình yêu và cả đòn trả thù dữ dội. Truyền thuyết hình thành sau khi Thành Cát Tư Hãn băng hà. Lúc sinh thời, Thành Cát Tư Hãn từng cai trị một lãnh thổ rộng bát ngát từ vùng biển Thái Bình Dương cho đến vùng biển Caspi.
Trước phút lâm chung, hoàng đế chiến binh hạ lệnh được an táng trong vòng bí mật. Một đội quân khổng lồ đầy đau thương đưa di thể của Hoàng đế hồi cung, sẵn sàng hạ sát bất kỳ ai nhằm che giấu đường đi. Khi di thể của Thành Cát Tư Hãn đến nơi an táng, đôi mã xa với 1000 con ngựa đã bị tiêu hủy nhằm bịt kín mọi manh mối. Trong vòng 800 năm kể từ khi Thành Cát Tư Hãn băng hà, chưa từng có một ai tìm thấy đích xác tòa lăng mộ của ông.
Nhiều nhóm thám hiểm đã theo đuổi việc truy lùng dấu vết của tòa lăng mộ Thành Cát Tư Hãn trong suốt nhiều năm, đi khắp mọi dạng địa hình, phong cảnh và thậm chí dõi mắt dò tìm lăng mộ cả từ ngoài vũ trụ - Dự án “Thung lũng Thành Cát Tư Hãn” của National Geographic đã dùng tới hình ảnh vệ tinh trong một cuộc săn lùng khổng lồ để tìm kiếm địa điểm ngôi mộ lớn.
Phần lớn mối bận tâm trong việc xác định lăng mộ đều là đến từ cộng đồng quốc tế. Tại Mông Cổ, ảnh hưởng của Thành Cát Tư Hãn thể hiện rất mạnh mẽ: khuôn mặt của ông xuất hiện trên đồng tiền và ngay cả trên chai rượu vodka; ngay từ khi băng hà vào năm 1227, tên tuổi của Thành Cát Tư Hãn đã lưu mãi trong sử xanh. Có một lời nguyền được hé lộ về việc tìm kiếm lăng mộ Thành Cát Tư Hãn, rằng cả thế giới sẽ bị phá hủy một khi tòa lăng mộ này được tìm thấy.
Lời nguyền huyền bí này đến từ Thiếp Mộc Nhi (Tamarlane), vị hoàng đế chinh phạt người Đột Quyết – Mông Cổ vào thế kỷ 14 (là người sáng lập ra triều đại Thiếp Mộc Nhi ở Ba Tư và Trung Á), lăng mộ của vị hoàng đế này được mở ra vào năm 1941 bởi các nhà khảo cổ học người Nga. Thật là một sự trùng hợp kỳ lạ, chỉ sau khi ngôi mộ này được phát lộ và có những xáo trộn bên trong lăng, đã diễn ra sự kiện quân Đức Quốc xã xâm lược Liên Xô, khởi động cuộc Đại chiến tranh thế giới thứ II (ĐCTG II) đẫm máu.
Những người mê tín dị đoan nói rằng việc quấy rối lăng mộ Thiếp Mộc Nhi chính là căn nguyên gây nên cuộc đại chiến. Uelun, người phiên dịch của đoàn thám hiểm, không tin là thực và giải thích: Đó là sự tôn trọng. Không ai muốn lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn được tìm thấy. “Các bậc tổ tiên Mông Cổ xa xưa đã dùng hết tài năng để giấu biến lăng mộ”. Việc mở lăng mộ có thể xâm phạm di nguyện của hoàng đế. Quật mồ mả có lẽ là chuyện rất nhạy cảm khi mà Mông Cổ là quốc gia có truyền thống cùng niềm kiêu hãnh lâu đời.
Nhiều gia đình Mông Cổ hiện đang treo các tấm thảm hay ảnh chân dung của vị Khả Hãn (Thành Cát Tư Hãn). Một số người còn nhận họ là “hậu duệ vàng” của Khả Hãn, khẳng định gốc gác tổ tiên họ thuộc hoàng gia Mông Cổ xa xưa. Trên khắp đất nước Mông Cổ, hình ảnh Thành Cát Tư Hãn là một biểu tượng bất diệt.
Hành trình tìm mộ
Mông Cổ rộng bát ngát và nhiều nơi chưa phát triển, nước này lớn gấp 7 lần nước Anh, nhưng chỉ 2% hệ thống đường xá đạt chuẩn, dân số hiện chỉ bằng Greenland. TS Diimaajav Erdenebaatar - trưởng khoa khảo cổ học ĐH Ulan Bato (thủ đô Mông Cổ) - là một thành viên trong chuyến thám hiểm đầu tiên nhằm tìm ra lăng mộ Thành Cát Tư Hãn. Dự liên liên doanh Nhật Bản – Mông Cổ được biết đến dưới cái tên Gurvan Gol (“3 con sông”) nhằm tìm kiếm ra nơi khai sinh của Thiết Mộc Chân (Thành Cát Tư Hãn) ở tỉnh Khentii nơi bắt nguồn dòng chảy của 3 con sông Onon, Kherlen và Tuul.
Kể từ năm 2001, TS Erdenebaatar đã khai quật khu cổ mộ 2000 năm tuổi của các vua Hung Nô ở tỉnh Arkhangai (miền Trung Mông Cổ). TS Erdenebaatar tin rằng Hung Nô là tổ tiên của người Mông Cổ - có thể bản thân Thành Cát Tư Hãn cũng từ tộc này mà ra. Cũng có thể tục chôn cất của Thành Cát Tư Hãn giống với các vua Hung Nô.
Cổ mộ hoàng đế Hung Nô được chôn cất trong các hầm ngầm nằm sâu 20 m dưới lòng đất, với các địa điểm trên mặt đất được đánh dấu bởi một hình vuông bằng đá. Phải mất tới 10 mùa hè, TS Erdenebaatar mới khai quật xong khu lăng mộ Hung Nô, thu được nhiều hàng hóa quý giá thể hiện tài ngoại giao của người Hung Nô: một cỗ xe Trung Quốc, đồ thủy tinh La Mã và nhiều kim loại quý.
Tại bảo tàng khảo cổ học nhỏ xíu của ĐH Ulan Bato, có những món đồ trang sức bằng vàng và bạc được chôn chung với xác ngựa được hiến tế ngay trong lăng mộ Hung Nô. Ông Erdenebaatar chỉ ra những hình họa con beo và con kỳ lân – biểu tượng hoàng gia Hung Nô cũng dùng cho Thành Cát Tư Hãn và các hậu duệ của ông.
Nhiều người tin rằng lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn cũng được chứa đầy các châu báu tương tự khi chúng được thu thập trên khắp đế quốc Mông Cổ. Châu báu là thứ cám dỗ để người phương Tây nỗ lực săn lùng, nhưng nếu Khả Hãn được an táng theo lối chôn cất của vua Hung Nô thì e là rất khó đoán định. Một ngôi mộ như thế chỉ được khắc dấu đơn giản trên những khối đá. Với một hầm mộ ngầm nằm ở độ sâu 20 m, quả là rất khó tìm thấy trên đất nước Mông Cổ rộng bao la.
Những nơi tình nghi
Các truyền thuyết dân gian nói rằng lăng mộ Thành Cát Tư Hãn đã được an vị đâu đó trên đỉnh núi Khentii gọi là Burkhan Khaldun, nằm cách thủ đô Ulan Bato xấp xỉ 160 km về hướng Đông Bắc. Hồi trẻ, Thiết Mộc Chân đã ẩn náu kẻ thù ngay trên đỉnh núi và ông muốn khi qua đời thì tấm thân sẽ được trở về mảnh đất ấy. Tuy nhiên, giới học giả không tin vào địa điểm này.
TS Sodnom Tsolmon, một chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Mông Cổ vào thế kỷ 13, giải thích: “Khentii là non thiêng. Không có lý nào Thành Cát Tư Hãn được an táng ở đó”. Giới học giả sử dụng các tài liệu lịch sử để lần ra vị trí cho lăng mộ của vị Khả Hãn, nhưng những bức ảnh đó thường có vẻ mâu thuẫn. 1000 con ngựa như đã xuất hiện trong thung lũng hay đồng bằng như tại lăng mộ của vua Hung Nô.
Để giải quyết vấn đề hóc búa, nhà dân tộc học Mông Cổ, ông S Badamkhatan đã xác định 5 ngọn núi mà lịch sử gọi là Burkhan Khaldun (có lẽ là Burkhan Khaldun ngày nay). TS Tsolmon không thể leo lên ngọn núi này, phụ nữ thì càng không được chào đón. Ngay cả khu vực quanh núi thiêng cũng cấm mọi người bén mảng ngoại trừ hoàng gia Mông Cổ. Có một địa điểm rất đáng ngờ gọi là Khu bảo vệ nghiêm ngặt Khan Khentii được UNESCO công nhận.
Nhưng nhiều lúng túng hãy còn đó. Khi việc tìm kiếm một tòa lăng mộ đã vượt xa mọi tầm với, thì vấn đề này vẫn đang gây tranh cãi ở Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn là đại anh hùng của nhân dân Mông Cổ, phương Tây nhớ về ông bởi sức mạnh xâm lược của vị Khả Hãn, trong khi người Mông Cổ nhớ về ông như một đấng sáng tạo.
Đế quốc của Khả Hãn nối liền Đông-Tây cho phép hình thành nên Con đường tơ lụa thịnh vượng. Đến ngày hôm nay, Thành Cát Tư Hãn vẫn là một hình tượng được mến mộ, đó là lý do mà những người Mông Cổ như Uelun không muốn ai đó khuấy động giấc ngủ của vị hoàng đế.