Khi quân Đức tiến nhanh về thủ đô Moscow của Liên Xô vào năm 1941, Hồng quân đang ở vào tình thế gần như vô vọng do họ thiếu vũ khí chống tăng hiệu quả. Trong tình huống nguy ngập đó, Hồng quân đã phải sử dụng đến các chú chó cảm tử được huấn luyện kỹ càng để thực hiện nhiệm vụ phá hủy xe tăng địch.
|
Chó quân sự của Hồng quân Liên Xô được gắn thuốc nổ để phá hủy xe tăng phát xít Đức. Ảnh: Ninel Ustinova. |
Vào những năm đầu Thế chiến 2, các chú chó chống tăng của Liên Xô đã thực sự tạo ra một mối đe dọa lớn cho các mũi quân Đức. Với thuốc nổ gắn trên mình, các chú “quân khuyển” này được tung vào trận để đánh bom các xe tăng Đức. Ngày nay, điều này nghe khá tàn bạo đối với các nhà hoạt động về quyền động vật, nhưng vào thời đó, đây là một niềm hy vọng của Hồng quân trong cuộc đối đầu với quân phát xít Đức hung hãn, khi đó đã tiến sát thành Moscow và đe dọa sự sống còn của quốc gia Xô viết.
Súng máy trên xe tăng Đức ở vị trí quá cao để có thể quét đạn xuống những chú chó “cảm tử” thấp bé chạy bên dưới. Đã vậy, bộ binh Liên Xô còn bắn yểm trợ nên lính tăng Đức không dễ dàng thò đầu ra khỏi xe tăng để dùng súng trường bắn hạ những chú quân khuyển này.
Các đơn vị xe tăng Đức thường ngừng cuộc tấn công của mình nếu chúng phát hiện các tiểu đoàn chống tăng có chó bên cạnh trên chiến trường. Giải pháp hiệu quả duy nhất để ngăn chặn một cuộc tấn công như vậy là sử dụng súng phun lửa. Thường thì khi tiếp tục cuộc tiến công, các lực lượng Đức sẽ bắn tất cả các con chó nào chúng thấy dọc đường tiến. Thậm chí máy bay của không quân phát xít Đức cũng thả bom vào lũ chó trên đường.
Gốc gác các chú quân khuyển đặc biệt
Không phải đến khi bị Đức Quốc xã xâm lược vào năm 1941 thì Liên Xô mới bắt đầu sử dụng chó chống tăng. Trên thực tế, họ bắt đầu huấn luyện những chú chó kiểu này từ hồi thập niên 1930, trước khi nổ ra Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Chó chống tăng được huấn luyện để bò bên dưới gầm xe tăng khi mang thuốc nổ buộc vào cơ thể chúng (12k thuốc nổ cực mạnh TNT). Một cái đòn bẩy dài sẽ kích hoạt khối thuốc nổ khi chạm vào mục tiêu.
|
Binh sĩ Hồng quân huấn luyện quân khuyển. Ảnh: TASS. |
Người ta hướng dẫn các chú quân khuyển cách chui xuống gầm xe tăng. Chúng bị bỏ đói trong vài ngày và những miếng thịt được đặt bên dưới những cỗ xe tăng thực tập để đánh lừa các con chó tin rằng có thể tìm thấy thức ăn bên dưới tất cả các cỗ xe tăng. Chúng được rèn luyện để không hoảng sợ trước đạn pháo hạng nặng và được huấn luyện để bò phía sau xe tăng nhằm tránh hỏa lực từ súng máy địch.
Các chú chó chống tăng đầu tiên được đưa vào biên chế Hồng quân vào năm 1939. Hai năm sau, các chú chó này đều được thử thách trong trận mạc.
Trận đánh thảm họa đầu tiên
Chó chống tăng thuộc tiểu đoàn đặc biệt số 1 (gồm 212 chó và 199 huấn luyện viên) lần đầu được triển khai trong trận chiến gần Moscow.
Cuộc tấn công đầu tiên của quân khuyển là một thảm họa toàn diện vì chúng không được bộ binh Liên Xô yểm hộ. Hậu quả là, lính Đức dễ dàng bắn hạ những chú chó này. Ngoài ra, người huấn luyện đã mắc một sai lầm chiến thuật nghiêm trọng khi huấn luyện các chú chó này quen với xe tăng Liên Xô vốn chạy bằng diesel. Những chú chó quen với mùi diesel nhưng xe tăng Đức lại chạy bằng xăng. Do vậy, các chú chó khi ấy hoàn toàn mất phương hướng trên chiến trường.
Tham chiến trên mọi mặt trận
Mặc dầu tiểu đoàn đặc biệt số 1 đã bị xóa sổ, Liên Xô vẫn tiếp tục dùng chó để chống quân Đức. Giờ thì chiến thuật đã được thay đổi và việc huấn luyện chó được nối lại.
Vào cuối năm 1941, khoảng 1.000 chú chó chiến đấu trên mặt trận Xô-Đức. Năm tiếp theo, còn số này vượt mốc 2.000.
Vào ngày 21/7/1942, các chú chó cảm tử của Liên Xô đã hỗ trợ cho việc quyết định kết quả một trận đánh lớn gần Taganrog trên biển Azov.
|
Các chú quân khuyển đứng bên các quân nhân Liên Xô. Ảnh: Sputnik. |
Khi 40 xe tăng Đức đập tan pháo đội chống tăng và gây tổn hại cho vị trí của lữ đoàn hải quân đánh bộ, đại đội chó chống tăng số 4 là lực lượng duy nhất trấn giữ ở giữa sở chỉ huy và quân phát xít Đức.
Đồng loạt 56 chú chó xuất kích và kích nổ nhiều xe tăng địch. Các chú chó dũng cảm này đã không chỉ chặn đứng cuộc tấn công của quân Đức mà còn buộc chúng phải bỏ chạy khỏi chiến trường.
Trong trận bao vây ở Stalingrad, một nhóm quân khuyển như thế này đã làm nổ tung nhiều xe tăng và công sự của lính Đức. Trong chiến dịch đó, chó chống tăng đã khéo léo và bí mật luồn qua dây thép gai, xác định vị trí quân địch và lao thẳng về phía các boong-ke Đức nơi chúng phát hiện có người hiện diện. Chúng đã phá hủy được vài boong-ke và kho đạn của Đức.
Lập chiến công lớn, góp phần vào chiến thắng chung
Vào giữa năm 1943, tình hình trên chiến trường thay đổi theo hướng có lợi cho Liên Xô. Hồng quân bắt đầu nhận được đủ vũ khí chống tăng mà họ thiếu vào đầu cuộc chiến. Do vậy, họ ngừng sử dụng chó vào các nhiệm vụ cảm tử đánh xe tăng và boong-ke địch.
Tổng cộng, những chú chó của Hồng quân đã phá hủy được tận 304 xe tăng phát xít, góp phần làm nghiêng cán cân quân sự về phía Liên Xô và đóng góp không nhỏ vào việc đánh bại chủ nghĩa Quốc xã.
Khi thắng lợi đã nằm chắc trong tay Hồng quân, những chú chó chống tăng còn lại được tái huấn luyện cho nhiệm vụ dò mìn. Nhiều chú còn sống sót đến khi Thế chiến 2 kết thúc./.