Tấm chân tình của bậc đế vương phong lưu
Hoàng đế Càn Long có lẽ là một trong những vị hoàng đế Trung Hoa được làm phim nhiều nhất trên truyền hình Trung Quốc. Ông có rất nhiều phi tần, cung nữ, lại yêu thích thơ ca và thích đi xa, cho nên những truyền thuyết về ông luôn nổi lên hai chữ "phong lưu".
Tuy nhiên, trong phim "Diên Hi Công Lược", vua Càn Long cùng với hoàng hậu Hiếu Hiền (Phú Sát) là một cặp đôi hoàn hảo, đề cao tình yêu.
Đây không phải là làm bừa kịch bản, tình yêu, chuyện ân ái của Càn Long và Phú Sát là sự thật. Các nhà nghiên cứu đã tìm được vô số chi tiết trong kho tư liệu cũ.
Trước đây, cuốn sách "Sự thịnh vượng của nạn đói: Được và mất của thời đại Càn Long" của tác giả Trương Hồng Kiệt, đã nói về thời Càn Long vào năm 1748.
Chính bắt đầu từ năm này, vua Càn Long "tính tình thay đổi rất lớn", đã từ hào phóng chuyển sang khắt khe, từ đó ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị của triều đại Càn Long.
|
Vua Càn Long và hoàng hậu Phú Sát trong phim Diên Hi Công Lược. Ảnh: Eastday. |
Tất cả những điều này xuất phát từ khi hoàng hậu Phú Sát qua đời. Tháng 3 năm đó, trên chiếc thuyền Thanh Tước ở đoạn Đức Châu của kênh đào Kinh Hàng, một trận cảm lạnh đã làm cho vua Càn Long mất đi hoàng hậu Phú Sát mà khi đó đã làm bạn đời với ông tới 22 năm.
Hoàng hậu Phú Sát có thể trạng yếu ớt, không khác gì so với trong phim, đó là căn bệnh mất đi những đứa con.
Năm Càn Long thứ ba (1738), con trai trưởng Vĩnh Liễn chín tuổi chết bệnh. Cái tên này có từ thời Ung Chính. Liễn là đồ cúng tế quan trọng trong tông miếu. Từ điều này có thể thấy rằng, hoàng thất khi đó rất trông chờ vào đứa trẻ này.
Trong "Thanh Cao Tông thực lục" có thể thấy đánh giá của Càn Long đối với con trai Vĩnh Liễn: Ứng xử thông minh cao quý, phong thái bất phàm. Khi Vĩnh Liễn 6 tuổi, Càn Long đã vội vã bí mật lập Vĩnh Liễn làm Thái tử. 7 năm sau, Càn Long và hoàng hậu lại đón đứa con thứ hai ra đời, nhưng vào đêm trước năm Càn Long thứ 12, đứa trẻ này cũng ra đi vì bệnh đậu mùa.
Sau khi đứa con trai đầu mất đi được 2 tháng, chính là lúc vua Càn Long khởi hành đi tuần tra ở phía đông. Ông muốn mang theo Hoàng hậu đi thăm các vùng lãnh thổ để Hoàng hậu vơi bớt đi nỗi u sầu.
Chính là vậy, vua Càn Long mang theo người thân và quan lại, xuất phát vào tháng 2 khi đang nổi gió mùa xuân. Trong hành trình, vua Càn Long đã gặp một trận mưa tuyết, trong đầu tháng 3 ông viết một bài thơ có một câu rằng: "Trong mây ẩn hiện núi non xanh/Sau tuyết lấp ló trời xanh thẳm". Đây chính là một trận mưa tuyết và chính nó đã làm cho hoàng hậu ngã bệnh.
Trong đêm hoàng hậu Phú Sát ra đi, vua Càn Long đã viết một bài thơ từ giã, với nội dung tạm dịch là:
“Ân tình 22 năm, nội trị 13 năm
Bỗng thành giấc mộng xuân, bay bay trên bờ kênh
Tài hiền và hiếu thuận, trong cung được kính trọng
Ông trời thật tàn nhẫn, cung đàn đã đứt dây”.
Bài thơ này đã cho thấy tình phu thê kéo dài tới 22 năm, hoàng hậu quản lý hậu cung tổng cộng 13 năm. Tất cả những điều này bất ngờ đều hóa thành giấc mộng xuân, bay bay trên bờ kênh.
Là một nhà thơ, vua Càn Long đã chiếm vị trí đứng đầu thế giới về số lượng bài thơ, cả đời ông làm được 41.863 bài thơ (trong "Toàn Đường thi" ghi là hơn 48.000 bài thơ). Do thơ viết quá nhiều, phần lớn các tác phẩm của Càn Long thực sự rất bình thường, nhưng có hơn 100 bài viết rất hay, tình ý chân thật. Nhiều bài thơ trong số đó có đặc điểm chung là thương nhớ hoàng hậu Phú Sát.
Vua Càn Long tại sao lại yêu Phú Sát sâu sắc như vậy? Cuốn sách "Càn Long: Chính trị, tình yêu và tính cách" của Trương Hồng Kiệt đã tổng kết 3 đặc điểm lớn của Phú Sát và đều được thể hiện trong phim "Diên Hi Công Lược".
Một là tính cách nhiều mặt. Phú Sát xuất thân từ khuê các, là con nhà quyền quý, hàng ngày gắn với thiên nhiên, không trang điểm nhiều, cũng rất chán ghét những đồ trang sức vàng bạc châu báu. Đồ trang sức hằng ngày của hoàng hậu phần lớn là hoa cỏ, giống như "Thanh sử cảo" đã viết, đó là "lấy hoa cỏ làm trang sức, không màng đến châu ngọc".
Tính cách của Phú Sát lại có "nhiều mặt", bà vừa tài quản lý hậu cung, vừa có thể dịu dàng như một bông hoa, còn có thể trở nên vui tươi, hoạt bát, có thể cùng vua Càn Long cưỡi ngựa phi trên khu Thừa Đức.
Bản thân Càn Long là một người đàn ông phức tạp, điều ông mong đợi là có một người phụ nữ bên mình giống như ông, có "nhiều mặt", có chiều sâu. Phú Sát chính là một người phụ nữ như vậy.
Hai là Phú Sát rất giỏi hiểu được "thế giới tinh thần" của Càn Long. Vào một mùa thu, vua Càn Long vô ý trò chuyện với Phú Sát, nói rằng khi ở Quan Ngoại, khởi nghiệp gian nan, trên tay áo sử dụng lông tơ đuôi hươu làm trang trí đã rất tốt, không giống như ngày nay quá xa hoa.
Sau khi trở về Bắc Kinh, Phú Sát đã đích thân làm một cái túi áo nhỏ có viền lông đuôi hươu gửi cho Càn Long, vua Càn Long đã cả đời mang theo nó bên mình. Trong phim có cảnh Ngụy Anh Lạc tạm thời lấy lông đuôi hươu thay thế cho sợi bạc vàng để làm thọ lễ cho Hoàng hậu là có căn cứ.
Ba là, Phú Sát còn là một người phụ nữ biết quan tâm đến mọi người. Quan hệ "mẹ chồng - nàng dâu" giữa Hoàng thái hậu và hoàng hậu Phú Sát rất hòa hợp. Lịch sử ghi chép chi thấy lão thái thái một ngày cũng không thể rời xa đứa con dâu này.
Cách trị quốc thay đổi vì bước ngoặt
Một điều đáng chú ý, tại sao vua Càn Long thay đổi triệt để cách trị quốc sau khi hoàng hậu mất đi?
Sau khi hoàng hậu Phú Sát qua đời, cuộc đời 51 năm về sau của Càn Long là hồi tưởng và hoài niệm về những gì đã qua. Con thuyền Thanh Tước cũng được di chuyển vào thành Bắc Kinh, Càn Long dùng cách này để lưu giữ lại tất cả những gì mà hoàng hậu đã sử dụng.
Cung Trường Xuân của hoàng hậu cũng giữ nguyên theo lệnh của vua Càn Long. Mỗi khi đến ngày giỗ của hoàng hậu, Càn Long đều đến ngồi nửa ngày trời ở đó, và kiên trì làm như vậy tới hơn 40 năm, cho đến khi ông thoái vị.
Năm Càn Long thứ 13, vua Càn Long ra chỉ dụ, đã tổng kết những đóng góp một đời của Hoàng hậu, ban hiệu là Hiếu Hiền.
|
Hoàng hậu Phú Sát trong phim Diên Hi Công Lược. Ảnh: Sohu.
|
Trong khi chuẩn bị cho tang lễ Hoàng hậu Hiếu Hiền, do không làm tròn bổn phận đã có 16 người đã bị cách chức, hỏi tội, 69 người bị xử phạt. Có một số quan chức bị giáng cấp với lý do chỉ là vì ấn sách của Hoàng hậu làm chưa tốt lắm, bàn làm lễ chưa sạch lắm...
Thậm chí, khi phát hiện ra con trưởng Vĩnh Hoàng và con thứ ba Vĩnh Chương không thể hiện đủ đau buồn, vua Càn Long đã rất giận dữ. Hơn nữa, cũng vì điều này mà hai vị hoàng tử này đã mất đi cơ hội cạnh tranh ngôi vị hoàng đế.
Có thể nói, cuộc sống riêng tư của vua Càn Long sau trung niên là phóng túng, chỉ riêng hậu phi có danh hiệu nhiều tới 40 người nhưng ông không yêu sâu sắc một ai nữa.
Hoàng hậu thứ hai Như Ý luôn là người hữu danh vô thực, trên đường tuần tra phương nam năm Càn Long thứ 30, Như Ý đã cãi nhau một trận lớn với Càn Long, sau đó bà vĩnh viễn phải ở trong lãnh cung.
Trong khi đó, trong phim Diên Hi Công lược đã nỗ lực khắc họa lệnh phi Ngụy Anh Lạc là thân mẫu của hoàng đế Gia Khánh, sau khi chết mới được truy phong là hoàng hậu.
Có nhiều câu thơ phản ánh nỗi nhung nhớ khôn nguôi của vua Càn Long dành cho hoàng hậu Phú Sát, chẳng hạn như có một bài thơ cho biết sau khi hoàng hậu Phú Sát qua đời, trong quãng đời còn lại, vua Càn Long đã không đến thành Tế Nam nữa. Cái chết của hoàng hậu cũng đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức trị quốc của ông.
Thực ra, từ lâu, vua Càn Long đã cảm thấy thực sự khó chịu trong lòng với thực trạng tham ô, mục nát của đám quan lại, tình hình trị an trong dân xấu đi, những tai họa của binh lính nơi biên cương... Càn Long cảm nhận được những nguy cơ này của chính quyền. Đương nhiên, khi Phú Sát còn sống, cuộc sống tình cảm viên mãn phần nào đã an ủi tinh thần của Càn Long.
Từ năm Càn Long thứ 13, vua Càn Long đã chuyển từ Nho gia sang Pháp gia, từ bỏ ảo tưởng "lấy lễ trị thiên hạ", đồng thời nắm lấy thanh kiếm và sợi roi mà chaông để lại.
Để hiểu hơn về Càn Long, có thể tìm hiểu ông từ những cuốn sách của các tác giả Trung Quốc như "Hoàng đế Càn Long và thời đại của ông" của Đới Dật, "Càn Long: Chính trị, tình yêu và tính sách" và "Sự thịnh vượng của nạn đói: Được và mất của thời đại Càn Long" của Trương Hồng Kiệt; "Vua Càn Long" của Mark C. Elliott người Mỹ.