Gia Cát Lượng (181-234) là nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc thời Tam quốc. Ông là người hình thành nên thế chân vạc giữa nhà Thục Hán, Đông Ngô và Tào Ngụy trong suốt 60 năm. Ông cũng là nhân vật rất quan trọng trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Loạt bài này sẽ đi sâu lý giải những bí ẩn trong cuộc đời nhà quân sự tài ba Trung Quốc, trong đó có nhiều chi tiết không được đề cập trong tiểu thuyết.
Có những ý kiến cho rằng, Gia Cát Lượng lựa chọn phò tá Lưu Bị không chỉ vì lý tưởng Nho gia mà còn bởi Lưu Bị là người có thể giúp cho Gia Cát Lượng không gian để phát triển năng lực.
Nhưng cũng có những ý kiến trái ngược, nói Gia Cát Lượng chọn Lưu Bị chứ không phải Tào Tháo, vốn nắm triều đình nhà Đông Hán trong tay vì những lý do khác.
Đó là vấn đề mà hơn 1.800 năm qua, các học giả và nhà sử học Trung Quốc bàn luận sôi nổi để tìm kiếm lời giải đáp chính xác. Dưới đây là những nhận định đăng tải trên trang Phượng Hoàng (Ifeng).
Thứ nhất là về yếu tố con người. Gia Cát Lượng là chính trị gia, nhà quân sự tài ba được giới trí thức Trung Quốc hết sức sùng bái. Con người Gia Cát lượng hình thành theo khuynh hướng kiểu mẫu, đề cao đạo đức cao thượng, mà theo Nho giáo là trung, hiếu, nhân nghĩa.
Là một trí thức có tầm nhìn xa, Gia Cát Lượng hiểu rõ Hoàng đế Đông Hán thời đó chỉ còn là con rối. Quyền lực thực chất nằm trong tay Tào Tháo.
Nếu muốn giữ trọn trung, nghĩa, Cát Lượng không thể phò tá Tào Tháo. Thay vào đó, ông lựa chọn Lưu Bị, người có huyết thống hoàng gia và muốn đánh bại Tào Tháo, khôi phục nhà Hán.
|
Phác họa hình ảnh Lưu Bị (trái) và Tào Tháo. |
Thứ hai, lý tưởng trị quốc của Gia Cát Lượng dựa vào Nho giáo, đề cao chữ “Nhân”. Trong khi đó, Tào Tháo lại nuôi mộng bá quyền, chi phối bằng quyền lực chính trị. Sự khác biệt trong tư tưởng cối lõi khiến Gia Cát Lượng và Tào Tháo không thể đi chung một con đường.
Thứ ba, phò tá Lưu Bị sẽ giúp Gia Cát Lượng có cơ hội phát triển. Cuối thời Đông Hán, Tào Tháo nổi lên là một thế lực mạnh mẽ, kiểm soát triều đình. Dưới trướng Tào Tháo có vô số các mưu sĩ, quân sư giỏi như Tuân Úc, Quách Gia, Trình Dục….
Từ Thứ, một mưu sĩ có tài từng nhận lời phò tá Lưu Bị nhưng vì mẹ bị Tào Tháo bắt giữ mà cuối cùng phải tạm biệt Lưu Bị sang Tào Ngụy.
Trái lại, mặc dù Lưu Bị sở hữu một dàn võ tướng hàng đầu như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân… nhưng lại không có nhiều quân sư xuất chúng bên cạnh.
Nếu Khổng Minh nhận lời phò tá Lưu Bị, thì toàn bộ quá trình từ thoát ly khó khăn, ổn định lực lượng, phát triển nhà Thục Hán hùng mạnh cho tới thống nhất thiên hạ là cơ hội để ông để phô diễn khả năng.
Khi Gia Cát Lượng đi sứ Đông Ngô trước trận đại chiến Xích Bích, ông từng được Trương Chiêu dụ dỗ sang phò tá Tôn Quyền.
Tuy nhiên, Gia Cát Lượng một mực khước từ và nói rằng - "Tôn Quyền là một chủ nhân tốt, nhưng không thể phát huy hết tài năng của ta". Câu nói này được cho là đã lộ ra "tham vọng" của Gia Cát Lượng.
|
Gia Cát Lượng theo đuổi triết lý khác biệt so với Tào Tháo. |
Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, Gia Cát Lượng khi đó ở vào thế phải “cầu xin” Đông Ngô liên minh đánh Tào Tháo. Đề nghị của Trương Chiêu là điều mà Gia Cát Lượng đã tính đến, và ông phải tìm lý do dể khước từ.
Theo các nhà sử học Trung Quốc, Gia Cát Lượng "không có đất dụng võ" dưới trướng Tào Tháo chỉ mang ý nghĩa tương đối, theo quan điểm của người đời sau.
Bởi Gia Cát Lượng là người luôn tin bản thân có thể sánh ngang các bậc cao nhân trong lịch sử Trung Quốc như Quản Trọng, Nhạc Nghị. Gia Cát Lượng không hề lép vế so với nhóm quân sư Tuân Úc, Giả Hủ, Quách Gia của Tào Tháo.
Nếu xét về con đường tiến thân, phò tá Tào Tháo cũng giúp Gia Cát Lượng có một tương lai vững chắc hơn. Sau khi Tào Tháo qua đời, người bạn Từ Thứ của Gia Cát Lượng còn được bổ nhiệm đến chức Hữu trung lang tướng và Ngự sử trung thừa.
Sau này, khi Gia Cát Lượng mang quân Bắc phạt Tào Ngụy, nghe tin Từ Thứ vẫn phục vụ Tào Ngụy đã than thở rằng, nước Ngụy có quá nhiều nhân tài trong khi Thục Hán lại có quá ít.
Thế lực của Lưu Bị ban đầu yếu nhất trong thời Tam quốc và cho đến khi Lưu Bị qua đời, Nhà Thục cũng không thể địch lại Tào Ngụy. Nếu nói Khổng Minh chỉ nhìn vào tiền đồ sự nghiệp thì theo logic, phò tá Tào Tháo mới là phương án tối ưu.
|
"Tam cố thảo lư" , 3 lần tới lều cỏ thỉnh Gia Cát Lượng xuống núi. |
Do đó, việc Gia Cát Lượng có lý do khác để lựa chọn Lưu Bị là hoàn toàn có cơ sở, theo Phượng Hoàng. Về cơ bản, Gia Cát Lượng phò tá Lưu Bị vì phẩm chất con người và lý tưởng chính trị tương đồng. Cả hai đều có quy tắc, quan niệm sống nhân nghĩa, cam kết phục hưng triều đình nhà Hán.
Một khi trở thành quân sư cho Lưu Bị, thành công của Gia Cát Lượng phụ thuộc chính vào sự nghiệp Lưu Bị, thất bại cũng là vì Lưu Bị. Gia Cát Lượng sẵn sàng bước vào cuộc đấu tranh vì lý tưởng bên cạnh Lưu Bị, bất chấp khả năng thất bại rất lớn. Nhưng chỉ cần một tia hy vọng, Gia Cát Lượng vẫn sẽ cố gắng hết mình, thậm chí cả việc phải trả giá bằng tính mạng.
Nhiều học giả Trung Quốc nhận định, mặc dù Khổng Minh đã quyết tâm theo Lưu Bị ngay từ khi còn ở ẩn, song ông cũng không vội vàng xuống núi. Bởi Gia Cát Lượng vẫn còn hoài nghi rằng, không biết Lưu Bị có nhận ra khả năng của mình hay không?
Lưu Bị sẽ đối đãi với Gia Cát Lượng như một mưu sĩ bình thường, hay trọng dụng ông như bậc quốc sĩ? Liệu Lưu Bị có chấp nhận sách lược trị quốc của ông?
Ở thời điểm đó, Gia Cát Lượng chỉ mới ngoài 20, và ông có đủ thời gian để đợi đến lúc Lưu Bị ba lần đến nhà tranh (tam cố thảo lư) để mời mình xuống núi.
Mời quý độc giả xem video về đặc sản chuối tiến vua (nguồn VTC):