Tọa lạc ở xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, đình (đền) Nội Bình Đà lưu giữ những giá trị đặc sắc về di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, đang được các chuyên gia đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Đình Nội Bình Đà: Nơi phụng thờ Quốc tổ Lạc Long Quân
Nằm ở phía Nam thành phố Hà Nội, huyện Thanh Oai là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa và truyền thống anh hùng cách mạng. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có rất nhiều đình, đền, chùa cổ kính và những làng nghề lâu đời, đặc sắc. Trong đó, di tích đình (đền) Nội Bình Đà là một trong những di sản tiêu biểu, độc đáo, đã được Nhà nước công nhận di tích cấp Quốc gia lần thứ nhất năm 1985 và được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia năm 1991.
|
Đình (đền) Nội Bình Đà. Ảnh: Lengoctho2207. |
Đình (đền) Nội Bình Đà gắn liền với truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh 100 trứng, nở ra 100 người con, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người xuống biển cùng cha. Đến đất Bảo Đà (nay là Bình Đà), cách biển không xa, truyền cho các con dừng chân dựng trại, thấy thế đất lục long chiêu hội, lưỡng phương giao phi màu mỡ, sông suối lượn quanh, nhiều thềm đất cao mang dáng rồng chầu, hổ phục, Lạc Long Quân bèn chọn làm nơi xây dựng cơ nghiệp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, lấn biển, làm nhà, đuổi diệt thú dữ, khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi.
Chẳng bao lâu, cả vùng Cổ Nội được coi là đất quý, trở nên trù phú, người dân khắp nơi đổ về đất linh bái yết Long Quân, hình thành những làng xóm đầu tiên vùng châu thổ sông Hồng.
Khi Đức Quốc tổ về trời, ngài được an táng tại gò Tam Thai (Ba Gò) thuộc đất Bảo Đà (Bình Đà ngày nay). Để tri ân công đức của Quốc tổ Lạc Long Quân, dân làng Bảo Đà lập ngôi Đình (Đền) Nội cùng bức đại tự “Vi Bách Việt tổ” (Tổ dân Bách Việt).
Suốt 6 thế kỷ, 16 vị vua của các triều đại đều đích thân về Bình Đà dâng lễ Quốc tổ. Đã có 16 hiến sắc suy tôn Lạc Long Quân là “Khai quốc thần” được lưu giữ tại đình (đền) Nội.
Bên cạnh đó, trong đình (đền) Nội còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị. Nổi bật là bức phù điêu với nét chạm khắc tinh xảo trên nền gỗ sơn son thiếp vàng còn nguyên giá trị. Tương truyền, bức phù điêu được làm cách đây gần nghìn năm.
|
Bức phù điêu tạc hình Quốc tổ Lạc Long Quân ở đình (đền) Nội Bình Đà. Ảnh: Lengoctho2207. |
Bức phù điêu tạc hình Quốc tổ Lạc Long Quân đội mũ bình thiên, mặc áo hoàng bào cùng các lạc hầu, lạc tướng của triều đình Lạc Việt dự hội đua thuyền trên dòng Đỗ Động giang. Đây là di vật có giá trị nghệ thuật - tín ngưỡng cổ xưa độc đáo, hiếm có, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015.
Độc đáo lễ hội Bình Đà
Gắn liền với di tích đình (đền) Nội là lễ hội Bình Đà, một lễ hội rất nổi tiếng, có lịch sử lâu đời của khu vực đồng bằng sông Hồng. Lễ hội diễn ra từ ngày 26/2 đến ngày 6/3 Âm lịch hàng năm, trong đó ngày 26/2 Âm lịch là ngày giỗ Đức Linh Lang Đại vương, ngày 6/3 Âm lịch là ngày giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân.
|
Lễ hội Bình Đà. Ảnh: Lengoctho2207. |
Lễ hội Bình Đà có nhiều điểm đặc sắc, thủ tục tế lễ được lưu truyền qua hàng nghìn năm, nay vẫn được các thế hệ người dân Bình Đà trân trọng lưu truyền đời này qua đời khác. Đây là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt Nam nhằm ôn lại ký ức của buổi đầu khai thiên lập địa.
Ngày 1/4/2014, Lễ hội Bình Đà đã được Nhà nước công nhận là Lễ hội Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đầu tiên của thành phố Hà Nội và được huyện chọn là Lễ hội cấp huyện duy nhất trên địa bàn.
Tại hội thảo Khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia Đền Nội Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai” vào ngày 29/6, các nhà khoa học, nhà quản lý đồng thuận đề xuất lập Hồ sơ khoa học và hồ sơ pháp lý báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận xếp hạng đình Nội Bình Đà từ Di tích quốc gia thành Di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời đổi tên cho Khu Di tích này từ “đình” Nội thành Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân.
Ý kiến các nhà khoa học tại Hội thảo cũng tập trung làm rõ lịch sử, giá trị vật thể và phi vật thể của Di tích quốc gia đình Nội Bình Đà xưa và nay; kiến giải và đưa ra các phương án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đề xuất các giải pháp gắn kết, khai thác di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch...
|