Tết Thanh minh 2018 chính xác là ngày nào?
Tự bao đời nay, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, ngày Tết thanh minh đã trở thành ngày lễ không thể thiếu trong tâm thức người Việt. Đây là ngày lễ để con cháu tỏ lòng hiếu thuận, tưởng nhớ ông bà tổ tiên, vì vậy mà tết Thanh minh hàm chứa một ý nghĩa nhân văn và giá trị văn hóa truyền thống sâu sắc.
|
Tiết thanh minh là dịp con cháu thể hiện lòng biết ơn, nhớ tới gốc gác nguồn cội, tri ân tổ tiên. |
Thanh có nghĩa là trong, Minh có nghĩa là sáng, vì vậy, tiết Thanh minh được xem là khoảng thời gian khí trời trong sáng và thanh khiết. Cũng bởi tiết Thanh minh được tính theo lịch tiết khí, nên ngày lễ này được bắt đầu vào khoảng thời gian từ mùng 4 hoặc mùng 5/4 cho đến hết 20 hoặc 21/4 dương lịch. Trong năm 2018, , tiết Thanh minh chính xác rơi vào ngày thứ 5, tức ngày mùng 5/4, âm lịch là ngày 20/2. Vì Tiết Thanh minh đi theo quy luật vận hành của mặt trời – lịch dương, chứ không theo lịch mặt trăng – lịch âm nên nhiều người nhầm lẫn cho rằng Tiết Thanh minh tính theo âm lịch. Xét theo lịch vạn sự, đây là ngày hoàng đạo, nên cúng tế, đính hôn, ăn hỏi, cưới gả, san đường, sửa tường, vì vậy, rất thích hợp cho các gia đình triển khai hoạt động tảo mộ, dọn dẹp mộ phần của ông bà tổ tiên cho sạch sẽ..
Người dân một số nơi còn kết hợp Tết Thanh minh với Tết Hàn thực, tức ngày bánh trôi bánh chay, được tổ chức vào ngày 3 tháng Ba âm lịch. Con cháu trong gia đình cùng nhau đi tảo mộ và kiêng ăn mặn (không ăn mạng chúng sinh).
Tục tảo mộ
Vào dịp Tiết thanh minh, người dân thường đi tảo mộ của tổ tiên, dòng tộc để con cháu thể hiện lòng biết ơn, nhớ tới gốc gác nguồn cội, tri ân tổ tiên.
Khi ra đến mộ phần của tổ tiên, dòng tộc, con cháu sẽ lau chùi, dọn dẹp xung quanh. Các gia đình cũng thường mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ của tổ tiên, người đã khuất cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo quan niệm của người xưa là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất.
Các gia đình cũng thường chuẩn bị một số lễ vật khi đi tảo mộ bao gồm: một bộ tam sinh, nhang đèn, giấy ngũ sắc, quần áo giấy, vàng mã, hoa quả tươi...
Sau khi thắp hương, đốt vàng mã tại phần mộ của tổ tiên, một số gia đình còn sửa sang, dọn dẹp và thắp nén hương tại những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng ở gần đó.
Mời quý độc giả xem video: Những điều cần chú ý về tiết Thanh minh 2018 (nguồn: VTC1)
Những cấm kỵ không thể không biết trong Tiết thanh minh
Vào tiết Thanh Minh, người dân nên kiêng kỵ một số điều sau để không rước họa vào thân:
Theo quan niệm dân gian, vào tiết Thanh Minh, không nên tổ chức việc cưới hỏi, sinh nhật, tiệc tùng vui chơi giải trí. Không nên tổ chức những sự kiện náo nhiệt vì sẽ tránh phạm điều kiêng kỵ tiết Thanh Minh, giúp người già hưởng thêm phúc lộc, thượng thọ bình an, tránh gặp điều không may mắn.
Tiết Thanh Minh âm phần thịnh nên hạn chế đi đêm. Do vậy, nếu như có việc cần phải đi vào ban đêm thì nên mang theo một số vật tránh tà.
Không nên mua giày dịp tiết Thanh Minh vì trong tiếng Trung Quốc giày và từ tà (tà khí) có phát âm giống nhau. Thêm nữa, những ngày này âm khí rất nặng, do vậy không nên đi đêm, nếu như có việc cần đi phải đem theo một số vật tránh tà.
Trong tết Thanh Minh, tuyệt đối không mặc trang phục rực rỡ, lòe loẹt, nhất là khi đi tảo mộ. Khi đi tảo mộ nên mặc trang phục nhã nhặn để thể hiện tấm lòng thành kính với tổ tiên, người đã khuất.
Khi tảo mộ trong tiết Thanh Minh cần chú ý sửa sang 4 phía của ngôi mộ. Việc làm này vừa để tỏ lòng kính trọng với những người đã khuất vừa để xem xét tình hình của mộ. Nếu như xung quanh mộ có nước (nước có thể vào bên trong hoặc vũng nước rất sát mộ) sẽ có ảnh hưởng không tốt cho vận thế của người đời sau.
Tuyệt đối không tảo mộ người ngoài trong dịp tiết Thanh Minh. Nếu làm như vậy có thể khiến cho trường khí hỗn loạn, mất cân bằng và trở thành điềm xấu.
Khi đi tảo mộ cần làm đúng trình tự. Thông thường, buổi lễ sẽ được diễn ra theo trình tự như sau: Dọn dẹp mộ phần - Lên hương - Dâng lễ - Mời rượu - Khấn vái - Hóa vàng mã. Khi đi tảo mộ, con cháu cần phải chân thành, không nên giẫm đạp lên mộ phần của nhà khác hoặc đá vào đồ cúng trên mộ của người khác, nếu không sẽ đem lại điều không may cho bản thân. Không được chụp ảnh dàn ngang, tập thể ở trước mộ.