Hiện nay từ “sát thủ” được sử dụng khá phổ biến và gắn với rất nhiều văn cảnh khác nhau. Người ta có thể gọi một chiếc tàu ngầm chiến đấu là “sát thủ săn ngầm”, gọi một kẻ giết người là “sát thủ máu lạnh” hay gọi một cậu học trò rất giỏi đạt nhiều giải thưởng là “sát thủ săn giải thưởng”… Người ra tay tàn bạo cướp đi tính mạng của người khác thường được gọi là sát thủ hoặc sát nhân. Vậy vì sao lại gọi là sát nhân, sát thủ, chắc hẳn không nhiều người hiểu rõ tường tận. Lý giải của các chuyên gia sẽ đem đến những cách hiểu rõ ràng về từ này.
“Thủ” là tay, không phải đầu
PGS.TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam lý giải, “sát thủ” là một từ Hán Việt có 2 thành tố: Sát là giết, thủ là tay, sát thủ là “kẻ giết người” (“Thủ” trong tiếng Hán có 4 nghĩa: 1. Là “đầu” như trong “thủ trưởng” - người đứng đầu trong một cơ quan hay đơn vị nào đó; 2. Là “tay” như trong “kì thủ” - người thi đấu môn cờ; 3. Là “giữ” như trong “thủ quỹ” - người giữ quỹ; 4. Là “lấy” như trong “biển thủ” - dùng thủ đoạn gian trá rút lấy tiền công quỹ...). “Thủ” trong sát thủ là “tay” với tư cách là một thành tố tạo người, như cầu thủ, sát thủ, thủ hạ... đều chỉ một người nào đó. Chúng ta thường nghe nói: Đó là một sát thủ giết người không ghê tay; Tên này chính là một sát thủ máu lạnh... là ám chỉ một ai đó đã có hành vi giết người đáng sợ.
Còn “sát nhân” (sát: giết, nhân: người) cũng là một từ chỉ “kẻ giết người (một cách cố ý)”. Ví dụ: Cảnh sát đang ráo riết truy tìm kẻ sát nhân; Không ngờ anh ta lại là kẻ sát nhân tàn bạo... Thành tố “sát” với nghĩa “giết”, “tiêu diệt”, “triệt tiêu” có mặt trong nhiều cấu trúc từ khác, như sát sinh (giết sinh vật, động vật) sát trùng (diệt vi trùng, khử trùng), sát phụ (giết chồng), sát cá (có khả năng, rất giỏi trong việc săn bắt cá, thủy sản)... Ngày xưa, dưới thời Trần, binh sĩ đã thi nhau thích hai chữ “Sát Thát” vào cánh tay, với nghĩa là “giết quân Nguyên” để thể hiện quyết tâm và chí khí của mình.
“Sát thủ” và “sát nhân” có cấu trúc kết hợp như nhau (thành tố chỉ người đứng sau), như vậy về cơ bản là đồng nghĩa nhưng sắc thái sử dụng có khác nhau. Dùng sát nhân là với ngữ nghĩa chỉ một kẻ giết người nói chung (Công an đã bắt được kẻ sát nhân), còn dùng “sát thủ” là nói về một ai đó là một kẻ giết người thành thói quen, có nghề, thậm chí lão luyện (Chẳng bao lâu hắn đã trở thành một sát thủ có hạng, một tay chôn biết mấy cành phù dung)... Việc lựa chọn dùng từ nào tùy thuộc từng văn cảnh.
|
Ảnh minh họa. |
Cách viết khác của chữ Hán
Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Tình, trong tiếng Hán, chữ thủ được viết với nghĩa là “tay”, ví dụ như “thủ công” nghĩa là môn dạy học làm những vật đơn giản bằng tay để rèn luyện kỹ năng lao động. Người ta hay nói thợ thủ công, làm việc theo lối thủ công... là ám chỉ nghĩa này. Từ “thủ” với nghĩa “tay” còn chỉ người chuyên nghề hoặc biết rành một môn, một việc như thủy thủ (lái thuyền, tàu bè), cao thủ (người có tài cao về một bộ môn), quốc thủ (người có tài trị nước), chỉ người làm việc gì đó như trợ thủ (người phụ giúp), hoặc cũng có thể chỉ một người có tài năng “tha chân hữu nhất thủ” (có bản lĩnh về phương diện, bộ môn nào đó). Vì thế, trong chữ Hán, tùy cách viết khác nhau mà ngữ nghĩa khác nhau, dù khi phiên âm tiếng Việt, đọc cùng một kiểu.
Trong nhiều cuốn Từ điển tiếng Việt, “sát thủ” được dịch nghĩa là “kẻ giết người hàng loạt một cách chuyên nghiệp”. Nhiều khi trong văn nói, người ta vẫn dùng từ “tay giết người”. “Sát nhân” để ám chỉ một người giết người có chủ ý. Trong tiếng Việt có từ “sát nhân giả tử” nghĩa là kẻ giết người phải đền mạng.
Theo các nhà ngôn ngữ học, các từ tiếng Hán khi đi vào tiếng Việt đã được Việt hóa về cách đọc cho phù hợp với hệ thống ngữ âm của tiếng Việt. Đó gọi là cách đọc Hán - Việt. Cách đọc này đã được hoàn thiện từ khoảng thế kỷ X - XI và được sử dụng ổn định cho đến nay. Điều đó có nghĩa là các từ vay mượn của tiếng Hán được người Việt đọc theo âm cổ – âm tiếng Hán đời Đường – có sự Việt hóa ít nhiều cho phù hợp với hệ thống ngữ âm tiếng Việt. Trong khi đó, tại Trung Quốc, trải qua các thời kỳ khác nhau, cách phát âm của các từ đã thay đổi nhiều. Điều này giải thích tại sao từ tiếng Trung hiện đại và từ Hán Việt có cách đọc không giống nhau.
Không nên dịch theo trật tự từ
Theo ThS Ngô Bích Liên, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, trong cách hiểu các từ Hán Việt hiện nay, người ta thường dịch theo trật tự từ, trong khi đó, trật từ từ song âm tiết của từ Hán - Việt nghịch với trật tự từ thuần Việt, nên nhiều khi dẫn đến cách hiểu sai. Trật tự từ ghép thuần Việt là “chính + phụ”, từ Hán - Việt theo trật tự “phụ + chính”, vẫn theo quy tắc tiếng Hán. Ví dụ, từ Hán Việt “hỏa xa” (hỏa: lửa, xa: xe), tiếng Việt là xe lửa hay “bệnh nhân”, từ thuần Việt là người bệnh; “sát thủ”, từ thuần Việt là kẻ giết (người)... Từ Hán - Việt trong tiếng Việt có từ thuần Việt song song tồn tại, có ý nghĩa tương đồng với chúng. Ví dụ, “giang sơn” có từ thuần Việt song tồn là “sông núi” hay từ “thiên địa” có từ thuần Việt “trời đất”, hay từ “sinh” có từ “đẻ”...
PGS.TS Phạm Văn Tình cho biết, trong tiếng Việt thì có đến 60% là từ Hán - Việt. Những từ như “sát thủ hay “sát nhân” được sử dụng phổ biến như những từ ngữ khác không phải là điều gì quá lạ lẫm. Việc truy nguyên nghĩa gốc của nó cũng khá đơn giản. Ngày nay, ngôn ngữ đã có sự biến thiên, pha trộn của nhiều kiểu do thói quen sử dụng, sáng tạo, thói quen dùng “tiếng lóng” của giới trẻ, tuy nhiên những từ ngữ thông dụng có ngữ nghĩa phổ quát, dễ hiểu, dễ dùng, dễ nhớ vẫn được sử dụng một cách phổ biến. Tuy nhiên, việc sử dụng những từ ngữ này phải đúng ngữ cảnh và ngữ nghĩa, tránh trường hợp dùng sai, nói sai bản chất của vấn đề.
"Sát thủ" còn là tên của một môn phái gọi là sát thủ quyền. Đây là món võ mang lối đánh có tính sát thương cao, hiểu theo một góc độ rộng khắp thì nó cũng là một dạng của chân quyền, được chuyên biệt hóa về lối đánh nhằm mang lại sát thương cao nhất cho đòn triển khai. Đây cũng là môn võ sáng tạo của người Việt Nam cho phù hợp với dáng dấp nhỏ bé, nhanh nhẹn. Mức độ sát thương của đòn đánh cao, rất thực dụng trong chiến đấu.