Kiến trúc mẫu mực của chùa cổ đồng bằng Bắc Bộ
Theo các tư liệu lịch sử, chùa Bối Khê (tên chữ là Đại Bi tự) được xây dựng từ năm 1338 (thời Trần) và đã trải qua tám đợt trùng tu lớn vào các đời Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Các chuyên gia đánh giá, chùa Bối Khê nhiều nét kiến trúc, mỹ thuật tiêu biểu ở nhiều thời kỳ, do yếu tố trùng tu giữ lại những vật liệu và thừa kế nghệ thuật kiến trúc, mỹ thuật ở thời kỳ trước trong quá trình tôn tạo.
Về tổng thể, kiến trúc chùa bố trí theo trục Tây - Đông, lần lượt các công trình gồm: Năm tháp mộ, đền Đức Ông, sân ngoài, đường lát gạch, Ngũ Không Môn (gồm năm cổng), cầu gạch qua sông Đỗ Động, tam quan, chùa Phật (tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hai hành lang), cung Thánh (đại bái, ống muống, hậu cung).
|
Cổng Ngũ Không Môn của chùa Bối Khê. Ảnh: Công Nguyễn / Báo Du Lịch. |
Tại bậc thềm phía trước thượng điện còn lưu giữ vết tích của gạch thời Mạc và thời Lê, với những hoa văn và linh vật trang trí chạm nổi còn gần như nguyên vẹn.
Ngũ Không Môn và cầu dẫn đến Tam quan được xây bằng gạch, trang trí với phong cách Nguyễn muộn (cuối thế kỉ 19 - đầu thế kỉ 20) với các đề tài tứ linh, hoa trái, voi ngựa đắp bằng vữa và vẽ lên tường.
Từ chùa Phật đến cung Thánh được bao bằng vòng tường xây tạo thành dạng kiến trúc nội (nhị) công ngoại quốc. Ngoài vòng tường chữ "quốc" còn có một số kiến trúc khác ở phía Nam và ao, giếng, vườn cây. Trên thềm gạch chùa còn lưu giữ các lớp gạch trang trí, cho thấy nhiều tầng lớp văn hóa chồng nên nhau.
Có thể khẳng định, chùa cổ Bối Khê là một điển hình của dạng chùa cụm Đồng bằng Bắc Bộ với kiến trúc gỗ kéo dài theo trục dọc, mở rộng theo tuyến ngang, một nét mới của kiến trúc Phật giáo Việt Nam xuất hiện từ thời Trần.
Những nét độc đáo có một không hai
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống, chùa Bối Khê sở hữu nhiều điểm đặc biệt về kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và tín ngưỡng mà các ngôi chùa cổ khác không có.
Về kiến trúc, chùa có phần nền cao hơn mặt bằng chung, có kiến trúc trạm khắc trên gỗ đặc trưng có vết tích từ thời nhà Trần mà cả nước chỉ có hai ngôi chùa có, là chùa Bối Khê và chùa Thái Lai. Điện thánh của chùa kết cấu theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái với đầu đao cong được đón đỡ bởi hệ thống đấu cũng là một tuyệt tác của nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam.
|
Một bức chạm rồng ở chùa Bối Khê. Ảnh: Ánh Ngọc / Kinh Tế & Đô Thị. |
Về nghệ thuật điêu khắc, chùa có nhiều tượng, bàn thờ Phật, nhang án gỗ, tượng Đức Ông… được xác định niên đại thời Trần một cách rõ nét, cùng những bộ vì cổ mang niên đại của thời Mạc. Đây đều là những tác phẩm hiếm có của nền điêu khắc cổ nước ta. Nhiều bức phù điêu trang trí của chùa được thực hiện rất cầu kỳ, tinh xảo.
Về tín ngưỡng, chùa Bối Khê không chỉ thờ Phật và Tam Tòa Thánh Mẫu như nhiều chùa cổ Bắc Bộ khác mà còn thờ Đức Thánh Bối. Đây là một tục thờ khá đặc biệt, chỉ có ở chùa Bối Khê và chùa Trăm gian. Tương truyền, Đức Thánh Bối là một nhân vật lịch sử thực. Ngài chính là người làng Bối Khê, tên thật của ngài là Nguyễn Bình An (sinh năm 1281), là một thiền sư đắc đạo thời Trần. Sau khi viên tịch trong tư thể ngài ngồi khám tại chùa Trăm Gian, di thể của ngài tỏa hương thơm. Dân làng Bối Khê hay tin đã lên xin rước ngài về, nhưng ý nguyện của ngài muốn được lưu giữ hài cốt tại chùa Trăm Gian. Chính vì vậy mà chùa Bối Khê thờ vọng ngài.
Ngoài ra, chùa Bối Khê còn là một di tích lịch sử cách mạng quan trọng của địa phương. Phía sau khuôn viên chùa có căn hầm địa đạo từng là kiểu mẫu của hầm địa đạo thời kháng chiến chống Pháp. Công trình được xây vào tháng 1/1948 với 3 ngách chính, có tác dụng chuyển quân dưới mặt đất và khi rút lui thì trở thành chỗ phòng thủ vững chắc. Tại đây, quân và dân làng Bối Khê đã đập tan 3 cuộc càn quét của quân Pháp, tiêu diệt 372 tên địch.
Vào ngày 22/8/2023, UBND huyện Thanh Oai phối hợp với Sở VH&TT Hà Nội đã tổ chức hội nghị Thông qua dự thảo hồ sơ đề nghị nâng cấp xếp hạng di tích chùa Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai là Di tích quốc gia đặc biệt.
Tại hội nghị, nhà khoa học, PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng: Hồ sơ nâng hạng di tích quốc gia lên di tích quốc gia đặc biệt phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí. Do đó, huyện Thanh Oai và Sở VH&TT Hà Nội cần tập trung bổ sung, nâng cấp hồ sơ. Quan trọng nhất là làm nổi bật được kiên trúc nghệ thuật của chùa có những gì đặc biệt, mang dấu vết của niên đại nào, có già khác so với các di tích khác.
TS Nguyễn Minh Khang (Cục Di sản / Bộ VHTT&DL) nêu quan điểm: Chùa Bối Khê xứng đáng là di tích tiêu biểu cho các giai đoạn phát triển kiến trúc Việt Nam, xứng đáng là di tích quốc gia đặc biệt.
|