Hàn Tín (229 TCN – 196 TCN), còn được gọi là Hoài Âm hầu, là một danh tướng được ví như chiến thần dưới trướng Hán Cao Tổ Lưu Bang.
Nhờ tài năng cầm quân bách chiến bách thắng, lại có công lớn trong việc giúp Lưu Bang lập nên nhà Hán, Hàn Tín cùng hai bậc công thần khác là Trương Lương, Tiêu Hà được liệt vào hàng "Hán sơ tam kiệt".
Mặc dù là một bậc khai quốc công thần, nhưng Hàn Tín lại sở hữu kết cục hết sức thảm khốc. Sử cũ ghi rằng, Cao Tổ vì "sợ cái tài của Hàn Tín" nên đã âm thầm tìm cách trừ khử vị chiến thần này.
Năm 196 TCN, vợ của Lưu Bang là Lữ hậu bàn với tướng quốc Tiêu Hà, tìm cách lừa Hàn Tín vào cung rồi giết hại.
Trước khi bị chém, Hàn Tín có nói một câu: "Ta hối hận vì không dùng mưu kế của Khoái Triệt, cho nên mới bị bọn đàn bà con nít lừa dối. Há chẳng phải là vì trời muốn thế hay sao?".
Vì một câu này, Lữ hậu đã hạ lệnh giết cả ba họ nhà Hàn Tín.
Nhận định về cái chết của vị chiến thần ấy, các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng việc triều đình nhà Hán kết tội ông đồng mưu với phản thần kỳ thực chỉ là vu cáo.
Theo đó, Hàn Tín vốn không mưu phản, tội danh của ông là do Lưu Bang, Lữ hậu hãm hại vì e sợ tài năng và công lao của danh tướng này.
Vậy nếu Hàn Tín thực sự làm phản, liệu rằng Lưu Bang có đủ sức thu phục vị chiến thần này hay không?
Chiến thần nhà Hán và ba lần cự tuyệt những lời đề nghị mưu phản
Năm xưa khi Hàn Tín thành công đánh úp đất Tề, đánh bại Long Thư, Hạng Vũ từng phái đồng hương của Hàn Tín là Vũ Thiệp giật dây khích bác ông phản bội Lưu Bang. Trước lời đề nghị làm phản lần thứ nhất này, Hàn Tín từ chối.
Sau đó, mưu thần của Hàn Tín là Khoái Triệt cũng từng khuyên ông phản bội Lưu Bang, lấy Tề là căn cứ để tự lập làm vương, từ đó cùng Lưu Bang, Hạng Vũ chia ba thiên hạ. Sau khi thận trọng cân nhắc, Hàn Tín lại một lần nữa cự tuyệt.
Sau khi tập đoàn chính trị của Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ ở Cai Hạ, Hàn Tín được phong đến đất Sở làm vương.
Cùng lúc đó, đại tướng dưới trướng Hạng Vũ là Chung Ly Muội vốn là bạn thân của Hàn Tín, sau khi thất thế lại chạy tới nương nhờ vị Sở vương họ Hàn này.
Bấy giờ, Chung Ly Muội từng khuyên Hàn Tín mưu phản. Nhưng ông suy tới tính lui, cuối cùng vẫn quyết định cự tuyệt.
Đối diện với lời đề nghị mưu phản lần thứ ba này, Hàn Tín không chỉ cự tuyệt mà còn thẳng tay chém đầu người bạn Chung Ly Muội để dâng lên cho Lưu Bang.
Nào ngờ kết quả là ông vẫn bị Lưu Bang tìm cớ bắt giữ, sau bị giáng xuống làm Hoài Âm hầu.
Nếu Hàn Tín năm xưa quả thực nghe theo lời Khoái Triệt hay Chung Ly Muội, lấy đất Tề hoặc đất Sở làm căn cứ, phản bội Lưu Bang tự lập làm vương, liệu Lưu Bang có đủ sức thu phục vị chiến thần này hay không?
Không ít người cho rằng Hàn Tín là thiên tài quân sự, còn tài năng quân sự của Lưu Bang lại quá đỗi tầm thường. Nếu Hàn Tín quả thực rắp tâm làm phản, Lưu Bang ắt sẽ chẳng có cách nào thu phục.
Thế nhưng sự thực liệu có giống như điều mà hậu thế vẫn thường nghĩ hay không?
Luận về tài năng, Hàn Tín có thực sự "trên cơ" Lưu Bang?
Công bằng mà nói, Hàn Tín quả xứng danh là thiên tài quân sự, nhưng Lưu Bang tuyệt nhiên cũng không phải một vị quân chủ tầm thường.
Sau khi nổi dậy ở đất Bái, mặc dù Lưu Bang từng gặp phải một vài thất bại trên phương diện quân sự, nhưng tài năng của nhân vật này chắc chắn đứng hàng thứ nhất trong số các danh tướng cuối thời Tần, thậm chí hoàn toàn có thể sánh ngang với các tên tuổi như Hạng Lương, Hạng Vũ, Chương Hàm, Hàn Tín.
Ngay tới Trương Lương cũng từng dùng mấy chữ "thiên tài trời sinh" để đánh giá năng lực quân sự cao siêu của vị quân chủ này.
Nếu Lưu Bang không phải là thiên tài quân sự, chắc chắn ông không có cách nào nhiều lần giành chiến thắng liên tiếp trong buổi đầu gây dựng sự nghiệp, cũng sẽ chẳng đủ sức để bộc lộ tài năng giữa thời điểm võ tướng nhiều như sao vào lúc bấy giờ.
Nếu Lưu Bang không phải thiên tài quân sự, ông không thể nào dẫn theo đội quân chỉ có 1 vạn 8 người người, lại liên tiếp đi chiêu hàng, nạp bạn, công thành, chiếm đất, đột phá Vũ Quan, tiến vào Quan Trung, bức mấy chục ngàn quân tinh nhuệ dưới trướng Tần vương Tử Anh phải đầu hàng.
Nếu Lưu Bang không phải là thiên tài quân sự, Hạng Vũ năm xưa sau khi bức ép 400 ngàn quân chư hầu công phá cửa Hàm Cốc cũng chẳng phải tốn công lập nên Hồng Môn Yến, mà sẽ trực tiếp tiêu diệt đội quân vẻn vẹn chỉ có trên dưới 80 ngàn người dưới tay Lưu Bang lúc bấy giờ.
Nếu Lưu Bang không phải thiên tài quân sự, ông cũng không có cách nào dắt mũi Hạng Vũ ở Huỳnh Dương, khiến vị võ tướng khét tiếng này phải kích động tới mức muốn cùng Lưu Bang đấu tay đôi, thậm chí còn lấy tính mạng cha ông ra làm thứ để đe dọa.
Nếu Lưu Bang không phải thiên tài quân sự, ông sẽ chẳng có gan chống lại bốn trăm ngàn kỵ binh Mặc Đốn trong tình huống kỵ binh ít ỏi, quân lương thiếu thốn.
Nhưng sự thực lịch sử đã chứng minh rằng, Lưu Bang đã tận dụng tài năng thiên phú về quân sự của mình để biến những điều tưởng như không thể thành có thể.
Trên thực tế, khi Hàn Tín xin được phong làm Tề Vương giả, Trương Lương cùng Trần Bình chỉ cho rằng quân Hán tạm thời không có đủ lực để cấm Hàn Tín xưng vương chứ không nói rằng tài năng của Lưu Bang kém Hàn Tín.
Sở dĩ vị quân chủ họ Lưu này nhẫn nhịn chấp nhận "cái giá" mà Hàn Tín đưa ra là bởi kẻ thù lớn nhất của ông khi ấy là Hạng Vũ chứ không phải Hàn Tín.
Thiết nghĩ nếu như không có Hạng Vũ, Lưu Bang từ sớm đã nắm trong tay chỗ dựa ổn định ở Quan Trung, sao có thể sợ sệt một Hàn Tín mà ngay tới căn cơ trên đất Tề vẫn chưa vững?
Lại nhớ năm xưa Lưu Bang dẫn quân tây tiến Quan Trung, vị quân chủ này thậm chí ngang nhiên dám chiếm đất của quân Tần binh cường mã tráng.
Cả gan làm một việc "không sợ trời, không sợ đất" như vậy, một mình Hàn Tín liệu có đủ để khiến Lưu Bang phải e dè hay không?
Sau khi được phong làm Sở vương, Hàn Tín từng bị tố cáo mưu phản. Bấy giờ, Trần Bình có hỏi Lưu Bang hai câu: "Binh mã của bệ hạ có tinh nhuệ bằng tinh binh của Hàn Tín hay không?". - "Tài cầm binh của bệ hạ có mạnh hơn Sở vương Hàn Tín hay không?".
Trước hai câu hỏi của vị đại thần ấy, Lưu Bang đều thẳng thắn thừa nhận: "Không bằng".
Kỳ thực, lời thừa nhận này chỉ nói lên một điều: Đó là cả Lưu Bang và Trần Bình đều cho rằng tài cầm binh của Hàn Tín "trên cơ" Lưu Bang. Nhưng việc đánh giặc vốn dĩ không chỉ dựa vào mỗi năng lực này.
Nếu quả thực hai bên khai chiến, Lưu Bang ắt không sợ Hàn Tín, tất cả các đại thần dưới trướng vị quân chủ họ Lưu cũng chẳng hề e dè Hàn Tín.
Tương truyền rằng, vào lúc bàn luận về việc Hàn Tín mưu phản, các tướng quân của Lưu Bang đã phẫn nộ mà nói lớn:
"Lập tức xuất binh chôn sống thằng nhãi ấy!".
Cho nên, việc Lưu Bang dùng mưu đối phó Hàn Tín vốn không phải vì vị quân chủ này e dè chiến thần họ Hàn. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở chỗ, dùng mưu thì phần thắng lớn hơn, cái giá phải trả lại thấp hơn, hữu hiệu hơn nhiều so với việc đem binh tử chiến.
Hàn Tín năm xưa sở dĩ nhiều lần cự tuyệt những lời đề nghị mưu phản là bởi bản thân ông hiểu rõ hơn ai hết một điều: Nếu làm phản, phần thắng nắm trong tay là quá ít.
Cho nên, một người khôn khéo như Hàn Tín đã không lựa chọn con đường mưu phản ngay cả khi được bổ nhiệm làm Tề vương hoặc Sở vương.
Thiết nghĩ, nếu vị chiến thần này quả thực mưu phản ở đất Tề hoặc đất Sở, kết cục của ông sẽ giống như Hoài Nam Vương Anh Bố, bị quân đội của Lưu Bang "làm cỏ".
Chỉ tiếc rằng ngay cả khi tránh khỏi cái kết cục phơi thây nơi chiến trường, Hàn Tín sau cùng vẫn bị hoàng tộc coi như "mối họa tâm phúc" mà rắp tâm trừ khử.