“Ông cụ dưới quê” đặc biệt
Năm nay nhà giáo Trịnh Lương – con trai cụ Trịnh Văn Bô, chủ nhân ngôi nhà 48 hàng Ngang lịch sử - đã 85 tuổi. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Trịnh Lương vẫn còn nhớ như in những dấu ấn của gia đình về những vị khách đặc biệt năm ấy của căn nhà 48 hàng Ngang.
|
Nhà giáo Trịnh Lương chia sẻ hồi ức của gia đình về "vị khách đặc biệt" - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Thơm. |
Ông kể với giọng kể say sưa, dồn dập khiến chúng tôi cảm thấy như đang sống lại không khí của 71 năm về trước. Những thời khắc chuẩn bị ra đời của một nước Việt Nam độc lập, của những con người Việt Nam sắp được tự do, của một dân tộc kiêu hãnh thoát khỏi kiếp nô lệ, thực dân.
Ông Trịnh Lương kể: “Mẹ tôi (cụ Hoàng Thị Minh Hồ -PV) vẫn thường hay kể lại cho con cháu ấn tượng của bà về Chủ Tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến nhà 48 Hàng Ngang. Người mặc rất giản dị, áo nâu, đội mũ dạ, đi dép cao su.
Khi Người bước vào nhà, bố mẹ tôi ra chào và đưa Người lên gác 3, nơi mẹ tôi đã dọn sẵn một buồng đủ tiện nghi để Người ở. Sau đó, Người lại xuống tầng 2 ở luôn cùng các đồng chí của mình và làm việc tại đó".
Theo các tài liệu ghi lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc từ ngày 25/8/1945 đến ngày 2/9/1945 tại ngôi nhà 48 hàng Ngang. Đặc biệt, chính trong căn gác 2 của ngôi nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Lật giở những bức ảnh đã ngả màu thời gian, nhà giáo Trịnh Lương chỉ vào bức ảnh chụp chiếc bàn gỗ trong căn gác hai, giọng ông trùng xuống: “Mẹ tôi kể lại, vị khách đặc biệt của gia đình (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) hay ngồi ở chiếc bàn này làm việc mỗi đêm. Đặc biệt, sát ngày 2/9, ông cụ thường thức rất khuya. Tiếng đánh máy từ căn phòng phát ra khiến mẹ tôi nhận ra cụ vẫn đang làm việc. Đến nay, ai đến thăm căn nhà 48 hàng Ngang sẽ thấy lại toàn bộ các đồ vật Người từng dùng năm đó. Mọi đồ vật trong căn phòng vẫn được bài trí đúng như cách đây 71 năm”.
Kể đến đây, giọng ông Lương bỗng dưng vui tươi lạ thường. Ông bảo: “Khi đó tôi chỉ hơn chục tuổi nhưng chúng tôi hoạt động sôi nổi lắm. Chúng tôi tham gia vào các đội Hướng đạo sinh. Các “sói con” đi khắp các khu phố, con đường dải truyền đơn ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Nguyễn Ái Quốc. Nhưng có lẽ bất ngờ nhất với tôi là chính “ông cụ dưới quê” đang ở trong nhà tôi khi đó lại cụ Nguyễn Ái Quốc”.
|
Chiếc bàn gỗ, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc. Ảnh: Đỗ Thơm. |
Vị khách nước ngoài đầu tiên đọc Tuyên ngôn độc lập
Ông Lương chia sẻ thêm, bố mẹ ông khi đó làm nghề buôn vải, giao thương với cả người nước ngoài. Nhưng ít ai biết, một trong số những vị khách từng đến ngôi nhà gặp “ông cụ dưới quê” lại là một người bạn quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Sau này, tôi có đọc tài liệu và được biết vào những ngày cuối tháng 8/1945, Hồ Chủ Tịch đã gặp gỡ với những vị khách quốc tế đầu tiên tại ngôi nhà 48 hàng Ngang. Đó là Thiếu tá Archimedes L.A Patti - chỉ huy đơn vị OSS (Office of Strategic Services - Cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ) đến Hà Nội khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Đây là một trong những phái bộ đầu tiên được Bác Hồ tiếp tại 48 hàng Ngang.
Ông cũng chính là người nước ngoài đầu tiên được đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khi chưa được công bố. Trong thiên hồi ký Why Việt Nam? (Tại sao Việt Nam?) xuất bản 35 năm sau, Patti kể lại: Trước ngày Lễ Độc lập, Patti được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho xem và trao đổi ý kiến về nội dung của bản Tuyên ngôn Độc lập do Người soạn thảo. Ngày 2/9/1945, cùng với nhóm công tác của mình, Patti đã có mặt tại Quảng trường Ba Đình”, ông chia sẻ.
Đặc biệt, ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến lúc đó, cả gia đình ông mới biết, bản thảo mà “ông cụ dưới quê” lách cách gõ trong mỗi đêm khuya là Tuyên ngôn độc lập.
Không giấu được sự cảm phục với mẹ mình, ông Lương tâm sự: “Ngày đó có lẽ tất bật nhất là mẹ tôi (cụ Hoàng Thị Minh Hồ). Mẹ tôi lo chu toàn các bữa ăn cho cụ Hồ các đồng chí đến làm việc cùng Người. Mỗi bữa ăn của Người, mẹ tôi đều đích thân thử thức ăn trước khi Bác dùng cơm. Ngoài ra, mẹ tôi còn phải thay bố lo toan việc buôn bán như bình thường để người ngoài không sinh nghi. Bà còn phải chuẩn bị y phục cho lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời. Những kỷ niệm về những ngày Bác Hồ sống tại gia đình vẫn hay được mẹ tôi nhắc cho con cháu mỗi dịp lễ tết, sum họp gia đình”.
Theo tìm hiểu của PV, không những là cơ sở của cách mạng, gia đình cụ Trịnh Văn Bô, chủ nhân nhà 48 hàng Ngang còn hăng hái tham gia các hoạt động gây quỹ ủng hộ Việt Minh. Tính đến trước Cách mạng tháng 8, gia đình họ Trịnh đã ủng hộ 8,5 vạn đồng Đông Dương, tương đương 212,5 cây vàng theo thời giá bấy giờ.
Gia đình họ Trịnh cũng đã ủng hộ Quỹ độc lập hơn 20 vạn đồng, tương đương 500 cây vàng. Ngoài ra, còn vận động thêm được hơn 1 triệu đồng Đông Dương cho Quỹ. Trong Tuần lễ Vàng, gia đình ông bà đã đóng góp 117 cây vàng và vận động ủng hộ thêm trên 1.000 cây vàng nữa. Theo các tài liệu chính thức ghi nhận, chỉ riêng gia đình ông bà đã ủng hộ thêm cho chính phủ 5.147 lượng vàng.