Đó là Chương Hiến Túc Hoàng hậu Lưu thị, vị Hoàng hậu thứ 2 của Tống Chân Tông Triệu Hằng. Bà có xuất thân thấp kém, đã có chồng trước khi nhập cung nhưng lại từng bước trở thành Hoàng hậu và là Thái hậu thùy liêm thính chính đầu tiên của triều nhà Tống. Dù có nhiều tranh cãi xung quanh Lưu Hoàng hậu nhưng tài năng của bà được hậu thế đánh giá rất cao.
Trong nhiều tài liệu lịch sử, Chương Hiến Túc Hoàng hậu Lưu thị thường được gọi bằng cái tên Lưu Nga, xuất thân từ gia đình nhà võ, tổ phụ là Hữu Kiêu Vệ Đại tướng quân Lưu Diên Khánh thời Hậu Tấn, phụ thân là Lưu Thông từng làm Hổ Tiệp đô Chỉ huy sứ trong triều nhà Tống.
Nhưng đáng tiếc thay, khi Lưu Nga vừa ra đời không bao lâu thì cha mẹ ruột đều qua đời, bà được đưa đến nhà ngoại nuôi dưỡng. Khi lớn lên, bà được bồi dưỡng trở thành một ca nữ.
Đến tuổi trưởng thành, Lưu Nga được gả cho một thợ bạc tên là Cung Mỹ, sau đó bà cùng chồng đến Biện Kinh kiếm sống. Tuy nhiên, vì cuộc sống ở nơi này quá khó khăn, Cung Mỹ đã lên kế hoạch bán Lưu Nga đi. Vốn xinh đẹp lại có tài nghệ tuyệt vời, Lưu Nga nhanh chóng vang danh khắp thành. Lúc đó, một vị tướng tên là Trương Kỳ đã tiến cử Lưu Nga với Hàn vương Triệu Hằng (sau cải thành Tương vương).
Từ đó, Lưu Nga đã đến phủ Hàn vương để phục vụ và dần dần nảy sinh tình cảm với Triệu Hằng. Lúc đó Lưu Nga và Triệu Hằng đều khoảng độ 15 tuổi.
Triệu Hằng cực kỳ yêu thích Lưu Nga, nhưng khi Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa biết chuyện đã khiển trách Triệu Hằng và ra lệnh đuổi Lưu Nga khỏi phủ của Triệu Hằng, sau đó buộc Triệu Hằng phải kết hôn với con gái của Công thần khai quốc Phan Mỹ. Triệu Hằng dù không phục nhưng không dám trái lệnh cha, đành bí mật giấu Lưu Nga trong nhà của Trương Kỳ và thường xuyên lén lút gặp gỡ nhau.
|
Nhân vật Lưu Nga trong phim Đại Tống Cung Từ. |
Năm 997, Tống Thái Tông băng hà, Triệu Hằng lên ngôi, tức Tống Chân Tông. Sau đó Hoàng đế đã đưa Lưu Nga nhập cung, lúc này bà không hề có danh phận nhưng bản thân bà cũng không muốn tranh đấu với những nữ nhân khác ở hậu cung. Tuy nhiên, chính sự an phận của Lưu Nga lại khiến Tống Chân Tông thêm sủng ái bà.
Năm 1004, Lưu Nga được phong làm Mỹ nhân, từ thời điểm này bà bắt đầu để tâm đến quyền lực.
Năm 1007, Quách Hoàng hậu qua đời, Tống Chân Tông muốn lập Lưu Mỹ nhân làm Hoàng hậu nhưng bị quần thần phản đối do bà không có con trai và xuất thân không cao. Lúc đó Tống Chân Tông và Lưu Mỹ nhân đã nghĩ ra một kế hoạch lớn, tráo con của cung nữ cho Lưu Mỹ nhân để bà có cớ thuận lợi lên làm Hoàng hậu. Đây cũng được xem là nguyên mẫu của truyền thuyết Ly miêu hoán thái tử (Ly miêu hoán chúa) nổi tiếng.
Năm 1010, cung nữ Lý thị hạ sinh Hoàng tử Triệu Thụ Ích (tức Triệu Trinh) nhưng Tống Chân Tông thông báo là do Lưu Mỹ nhân sinh ra và phong cho bà làm Tu nghi. Năm 1012, Hoàng đế phong Lưu Tu nghi làm Đức phi, đến tháng 12 cùng năm lập Lưu Đức phi làm Hoàng hậu.
Tống Chân Tông thường xuyên để Lưu Hoàng hậu phê duyệt tấu chương cùng mình, bởi ông rất mến mộ tài hoa và sự thông tuệ của bà. Trong triều có không ít đại thần phản đối chuyện Lưu Hoàng hậu can thiệp triều chính nhưng bà đã tìm cách truất đi quyền lực của họ.
Năm 1019, Tống Chân Tông lâm bệnh nặng, không thể thiết triều, chính sự đều do Lưu Hoàng hậu xử lý. Trong một lần xem bói, Tống Chân Tông nghe phán "Nữ chủ xương" (Nữ giới làm chủ đang hưng thịnh) nên lo lắng giang sơn của họ Triệu có thể bị hủy hoại nên đã cùng Tể tướng Khấu Chuẩn bàn cách giảm dần thế lực của Hoàng hậu. Không may là kế hoạch bị bại lộ, Khấu Chuẩn bị cách chức.
|
Nhân vật Lưu Nga trong phim Đại Tống Cung Từ. |
Dù vậy Khấu Chuẩn vẫn tiếp tục lập kế hoạch với các đại thần khác nhưng lần này ông lại bị thủ hạ tạo phản, âm thầm báo tin cho Lưu Hoàng hậu. Nhờ vậy mà bà đã diệt sạch đảng phái của Khấu Chuẩn.
Tuy nhiên, lợi dụng đợt binh biến này, Tống Chân Tông đã ban chiếu cho Thái tử Triệu Trinh giám quốc, Hoàng hậu về cai quản hậu cung và không can thiệp chính sự.
Năm 1022, Tống Chân Tông băng hà, Thái tử kế vị, tức Tống Nhân Tông. Theo di chiếu của Tống Chân Tông, Lưu Hoàng hậu được tôn làm Thái hậu và được phép xen vào chính sự nếu có sự kiện trọng đại.
Lúc đó, Tống Nhân Tông chỉ mới 11 tuổi, quyền lực đều nằm trong tay Lưu Thái hậu. Tuy nhiên, khi Tống Nhân Tông trưởng thành, Lưu Thái hậu vẫn không muốn giao lại quyền hành cho Hoàng đế, dù vậy ông vẫn rất kính trọng bà.
Đầu năm 1033, Lưu Thái hậu mặc áo Cổn, đội mũ Miện vốn dành cho Hoàng đế vào Thái miếu. Trong ngày hôm đó bà cũng chính thức trao trả quyền lực cho Tống Nhân Tông.
1 tháng sau, sau khi từ Thái miếu trở về, Lưu Thái hậu lâm bệnh nặng. Không lâu sau đó bà qua đời.
Tháng 10 cùng năm, Tống Nhân Tông làm lễ hạ táng Lưu thái hậu và truy tôn thụy hiệu cho bà là Trang Hiến Minh Túc Hoàng hậu. 1 năm sau, thụy hiệu của bà được đổi thành Chương Hiến Minh Túc Hoàng hậu.