Trong Thủy Hử, hầu hết các nhân vật đều được Thi Nại Am phác họa là người có võ công cao cường, tính cách hào sảng, trượng nghĩa. Trong số 108 vị anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc, mỗi người một tính cách, xuất thân nhưng họ đều có một chí hướng mới tụ lại với nhau.
Có thể nhiều người không biết, ở Lương Sơn Bạc thật ra có một người xuất thân khác biệt hoàn toàn so với phần còn lại. Người này đến từ một gia tộc giàu có bậc nhất, còn là hậu duệ của hoàng đế nhà Hậu Chu. So với 107 người còn lại thì quả thực rất khác biệt. Người đó chính là Sài Tiến.
Sài Tiến được xếp thứ 10/36 Thiên Cương tinh. Anh hùng này vốn là quý tộc có tiếng tại Hoành Hải, quận Thương Châu. Sài Tiến vốn trọng nhân tài nên rất thích kết giao với những hảo hán trong thiên hạ và sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần.
Gia tộc họ Sài của Sài Tiến năm xưa được Tống Thái Tổ Vũ Đế tặng cho cuốn “Đan Thư Thiết Khoán”, được ví như kim bài miễn tử. Nhờ có nó mà nhà họ Sài dù phạm tội nặng thế nào cũng được tha tội chết, thậm chí cả đương kim hoàng thượng cũng chẳng động đến được.
Tổ tiên của Sài Tiến là Sài Vinh, tức Hậu Chu Thế Tông (Hoàng đế thời Ngũ Đại Thập Quốc Trung Hoa). Hậu Chu Thế Tông cũng chính là vị hoàng đế thứ hai của nhà Hậu Chu, được đánh giá là một vị minh quân khi còn sống.
Đáng tiếc Hậu Chu Thế Tông qua đời quá sớm khi chỉ mới 38 tuổi. Con trai của ông là Sài Tông Huấn được đưa lên nối ngôi lúc 7 tuổi. Triệu Khuông Dận đã nhân cơ hội để soán ngôi, kết thúc nhà Hậu Chu, khai sinh ra nhà Tống.
Sơn trang của Sài Tiến từng là nơi mà Lâm Xung, Võ Tòng, Tống Giang từng trú ẩn trước đây. Ở đó có sự bảo vệ của “Đan Thư Thiết Khoán”, dĩ nhiên là nơi an toàn vô cùng. Bản thân Sài Tiền cũng không ngại đưa tiền của ra để giúp đỡ mọi người.
Sau khi gia nhập Lương Sơn, Sài Tiến được giao nhiệm vụ giữ kho lương cùng Lý Ứng. Ông cũng có mặt ở những cuộc chiến chống quân Liêu, Điền Hồ, Vương Khánh sau khi quy thuận triều đình. Đến sau trận chiến với Phương Lạp, Sài Tiến cũng chính là 1 trong 27 vị anh hùng còn sống trở về triều đình. Ông giữ chức Hoành hải quân Đô Thống chế. Cuối đời, Sài Tiến chủ động xin cáo bệnh về quê, sống ung dung tự tại đến năm 69 tuổi.