Mỹ là một trong số những quốc gia trên thế giới có quy định chặt chẽ về kinh doanh trên vỉa hè, trong đó có việc bán hàng rong. Cụ thể, nhà hàng tầng lửng ở khách sạn Grand Hyatt New York nằm ở phía đông đường 42 ở New York, Mỹ nổi bật với cấu trúc độc đáo nhô ra khỏi vỉa hè. Để được phép kinh doanh như vậy, khách sạn phải trả 300.000 USD/năm cho thành phố. Đồng hồ của công ty Electric Time đặt ở vỉa hè bên ngoài tháp Trump cũng phải trả phí 300 USD hàng năm.
New York đã thu được khoảng 60 triệu USD/năm bằng việc thu lệ phí cho phép dựng biển hiệu, cột đèn trang trí, đồng hồ, ghế đá, thùng rác cố định và nhiều thứ khác trên hơn 19 km vỉa hè của thành phố.
|
Để được đặt con số này trên vỉa hè phía Tây đường 57 ở Manhattan, người chủ phải trả cho thành phố 12.000 USD. Ảnh: NYTimes. |
Tổng lệ phí thu được từ việc sử dụng vỉa hè ở New York đã tăng khoảng 50% trong thập kỷ qua, phần lớn đến từ các công ty tiện ích như lắp đặt đường ống và máy biến áp dưới mặt đất. Tuy nhiên, chi phí thu từ các chủ nhà và chủ sở hữu tài sản khác cũng tăng gần 2 lần, lên hơn 2,1 triệu USD/năm.
Ủy viên Vận tải của thành phố New York Polly Trottenberg cho hay: "Vỉa hè ở New York là linh hồn của thành phố và là một trong những bất động sản đáng mơ ước nhất thế giới".
Trong thập kỷ qua, tiền phí thu từ các nhà hàng có chỗ ngồi ngoài trời đã tăng hơn 2 lần, lên tới khoảng 14 triệu USD (số lượng nhà hàng là hơn 1.300). New York cũng thu khoảng 400.000 USD tiền phí từ những người bán trái cây, rau và hoa trên vỉa hè.
Do vỉa hè là không gian công cộng nên những người kinh doanh trên vỉa hè phải trả một khoản phí để sử dụng không gian trên để thu hút sự chú ý của hàng triệu người đi làm, người đi mua sắm cũng như khách du lịch.
Có sự khác biệt trong lệ phí hàng năm đối với những người kinh doanh vỉa hè tùy theo giá trị của bất động sản gần đó. Cụ thể, những nơi là địa điểm quan trọng mang tính dấu ấn, lịch sử của địa phương được ưu tiên trả phí ít hơn. Đó là lý do tại sao Jerry I. Speyer - công ty quản lý trung tâm Rockefeller - địa điểm ẩm thực và mua sắm nổi tiếng của New York chỉ phải trả 25 USD/năm cho bậc tam cấp ở dãy nhà phía đông Đại lộ số 5 của mình, trong khi 14 hộ dân ở Brooklyn phải bỏ ra 1.300 USD cho bậc tam cấp của họ.
|
ĐH Columbia phải trả cho thành phố 80.967 USD vì cây cầu vượt dành cho người đi bộ. Ảnh: NYTimes. |
ĐH Columbia phải bỏ ra số tiền 80.967 USD trong năm 2016 cho cầu vượt dành cho người đi bộ băng qua đại lộ Amsterdam gần đường 116.
Các hàng quán bán rong trên đường phố New York trở thành một phần biểu tượng cho sự đa dạng và sức sống ở nơi đây kể từ khi được thành lập đến nay. Theo ước tính, hoạt động này tạo ra thu nhập 192 triệu USD.
Từ những năm 1980, thành phố New York chỉ cấp giấy phép cho 3.000 người bán rong. Do vậy, nhiều người phải mua giấy phép ở chợ đen (giấy phép có giá 200 USD có thể bị bán lại với giá 20.000 USD) hoặc đơn giản là bán hàng không có giấy phép.
Trên vỉa hè ở đường phố New York có rất nhiều xe đẩy bán hàng. Thành phố có quy định chặt chẽ về hoạt động của xe đẩy bán hàng nhằm đảm bảo không làm cản trở người đi bộ. Theo đó, người bán hàng không được đặt xe đẩy cách quá 45 cm từ mép vỉa hè giáp với lòng đường cũng như không được bán trong vòng 6m quanh cổng ra vào của các tòa nhà.