Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Đảng ta chủ trương huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó, có lực lượng dân công hỏa tuyến.
Theo thống kê, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, xe đạp thồ của dân công được huy động lên tới 20.000 xe, vận chuyển được 1/3 trọng tải toàn chiến dịch.
Toàn chiến dịch, nhân dân ta đã đóng góp 261.453 lượt dân công với 18.301.570 ngày công, 25.056 tấn gạo, 1.824 tấn thịt và thực phẩm khô, hàng nghìn tấn rau.
|
Lực lượng dân công hỏa tuyến vận chuyển hàng hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu. |
Tính riêng số vật phẩm đưa tới mặt trận cung cấp cho bộ đội là hơn 20.000 tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 656 tấn thức ăn khô. Riêng đồng bào Tây Bắc đã đóng góp được 7.360 tấn gạo, chiếm gần 50% lượng gạo sử dụng tại Mặt trận và 27% lượng gạo chuẩn bị cho chiến dịch, 389 tấn thịt, 700 - 800 tấn rau xanh.
Lực lượng dân công còn làm nhiều con đường qua những địa hình rừng núi cực kỳ hiểm trở để vận chuyển pháo bằng ô tô vào trận địa. Cùng với đó, tham gia sửa chữa, gia cố lại các tuyến đường sụt lún, lầy lội do bom đạn địch cày xới, hoặc do mưa lũ, xe đi gây ra.
Đã 70 năm đã trôi qua, nhưng ký ức Điện Biên Phủ của những người lính bộ đội Cụ Hồ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa vẫn tươi mới như vừa mới hôm qua.
|
Ông Lường Văn Hương, ở bản Lạnh, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu. tỉnh Sơn La. |
Ông Lường Văn Hương, ở bản Lạnh, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu. tỉnh Sơn La chia sẻ, ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ khi mới 20 tuổi. Ở cái tuổi sung sức nhất của đời người, ông cùng 20 thanh niên trong xã xung phong lên đường. Nhiệm vụ của ông là sửa đường cho bộ đội tại đèo Pha Đin và gánh gạo chuyển lương thực lên Mường Ẳng.
Hồi tưởng ký ức Điện Biên Phủ gian khổ mà hào hùng, ông Hương cho hay, khó khăn nhất với ông Hương và đồng đội khi đó là những đoạn đường bị bom đánh phá, phải sửa chữa bằng các dụng cụ thô sơ vô cùng vất vả. Đặc biệt, mọi việc phải được thực hiện vào ban đêm để tránh địch phát hiện.
“Chúng tôi đi san lấp hố bom, lấy cây cối, lấy cọc cắm, rồi san đất vào. Hành quân thì lúc đi đêm, lúc đi ngày. Trên đầu là đạn máy bay có thể nã xuống bất cứ lúc nào. Khó khăn là vậy, nhưng tôi và các đồng đội vẫn luôn quyết tâm vượt qua để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”, ông Hương nhớ lại.
|
Ông Lường Văn Sinh ở bản Cọ, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu kể, khi tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến cho Điện Biên Phủ, ô mới có 15 tuổi. |
Khi tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến cho Điện Biên Phủ, ông Lường Văn Sinh ở bản Cọ, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu mới có 15 tuổi. Ông là người trẻ nhất trong số 24 thanh niên của xã Tông Cọ tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến, vận chuyển lương thực cho bộ đội.
“Tôi nhớ lời Bác Hồ dạy: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Lúc đó, tôi mới có 15 tuổi nhưng cũng muốn tham gia kháng chiến với suy nghĩ cố gắng để kháng chiến thắng lợi. Tuổi còn nhỏ, tôi gánh được bao nhiêu thì gánh, lúc thì 15kg, lúc thì 20kg”, ông Sinh nhớ lại.
Với quyết tâm “đem toàn lực chi viện Điện Biên Phủ, làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch”, chiến dịch Điện Biên Phủ là tổng hợp sức mạnh của toàn quân và dân, trong đó có lực lượng quan trọng của dân công hỏa tuyến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, dân ta đã góp sức nhiều như trong Đông Xuân 1953-1954, chi viện cho quân đội giết giặc… Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân”.