TS Nguyễn Tùng Lâm: Giáo viên chủ nhiệm như “hiệu trưởng con” ngăn bạo lực học đường

Google News

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, giáo viên chủ nhiệm phải như một “hiệu trưởng con”, quản lý tốt, nhạy cảm với những vấn đề bất thường của học trò mới kịp thời ngăn chặn được bạo lực học đường.

Giáo viên chủ nhiệm phải rất nhạy bén, có trách nhiệm
Vụ việc nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên ĐH Vinh (Nghệ An) tự tử nghi do bị bạo lực học đường khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm, đó là làm sao để những vụ việc đáng tiếc như thế này không còn xảy ra nữa, trong đó có việc nâng cao vai trò, "trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm.
TS Nguyen Tung Lam: Giao vien chu nhiem nhu “hieu truong con” ngan bao luc hoc duong
 TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Mai Loan.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất lớn, có tác động tới sự hình thành, phát triển của mỗi học trò, và cả tương lai của trẻ.
“Đối với Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, lương giáo viên chủ nhiệm được trả rất cao. Tôi luôn nói với giáo viên chủ nhiệm rằng, họ phải tựa như một “hiệu trưởng con”, quản lý được học sinh và phối hợp được với các thầy cô giáo dạy bộ môn, với cha mẹ học sinh. Công việc vì thế còn bận quá cả "con mọn”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Theo đó, giáo viên chủ nhiệm phải rất nhạy bén với tình hình của lớp. Nếu một học sinh bị bắt nạt trong lớp thời gian dài thì môi trường lớp đó không an toàn, tạo ra bầu không khí không an toàn. Và thầy cô giáo chủ nhiệm không phát hiện ra được tình trạng mất đoàn kết trong lớp là một việc cần phải rút kinh nghiệm.
“Không ít thầy cô giáo đặt nặng việc học, thấy các em làm đầy đủ bài tập, thành tích học tập tốt là hài lòng mà không cần biết các em sống thế nào, tâm tư ra sao… Theo tôi, để tình trạng bạo hành học đường kéo dài thì không chỉ công tác chủ nhiệm có vấn đề mà cả ban lãnh đạo nhà trường, hiệu phó, hiệu trưởng của trường đó cũng cần rút kinh nghiệm”, TS Nguyễn Tùng Lâm cho hay.
Có lòng bao dung, tình yêu thương rất lớn
Không chỉ cần sự nhạy bén, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, một yêu cầu rất quan trọng đối với giáo viên chủ nhiệm là phải thể hiện được sứ mệnh của một người thầy. Giáo viên không chỉ là người quan tâm, chăm sóc học sinh mà phải truyền cảm hứng, tạo động lực để các em rèn luyện, phấn đấu thông qua việc ghi nhận sự cố gắng (thay vì đếm khuyết điểm của học sinh).
Thực tế, tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nhiều học sinh mới vào Trường rất nhút nhát, thiếu niềm tin vào bản thân. Giáo viên đã yêu thương, khích lệ, tìm công việc để phân công các em, thể hiện niềm tin vào khả năng, ghi nhận sự cố gắng từng chút một… Dần dần các em thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Nhà trường đưa ra 5 nguyên tắc ứng xử đối với giáo viên chủ nhiệm (và ngay cả cha mẹ cũng phải thực hiện). Trong đó, một nguyên tắc rất quan trọng, đó là giáo viên phải hiểu, chấp nhận tất cả những mặt mạnh, chưa hoàn thiện, chưa tốt của học sinh, chứ không chỉ ưu ái học sinh giỏi, ưu tú… Và từ đó, đưa ra những phương pháp giáo dục phù hợp với từng em.
Khi có vấn đề xảy ra trong lớp, giáo viên chủ nhiệm phải lắng nghe khách quan từ hai phía, xác thực sự việc xảy ra có đúng như lời các em kể không, tránh nghe một chiều, có thể dẫn tới những đánh giá, cư xử không đúng.
Với các em vi phạm nội quy, có thể phạt các em trực nhật, dọn nhà vệ sinh hoặc nhiều hình thức khác… Tuy nhiên, cần phải công tâm, công bằng. Và điều quan trọng nhất, mục đích của hình phạt là để các em biết chịu trách nhiệm về việc mình làm, thể hiện quyết tâm khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm chứ không phải để “hành tội” học trò.
Đặc biệt, người thầy phải luôn nuôi cấy những nhu cầu phát triển của học trò. Trong trường hợp các em đang bức xúc, phải làm cho các em vui vẻ, hòa đồng, tạo ra những nấc thang, yêu cầu cao dần để cho học trò phát triển. Chẳng hạn, các em đang đi muộn 3 buổi/tuần thì giảm dần xuống 2 buổi, rồi 1 buổi… chứ không thể ngay lập tức buộc phải chấm dứt ngay, sẽ rất khó.
“Để có được điều đó, giáo viên phải có lòng bao dung, thương yêu rất lớn với học trò. Thầy cô phải biết độ lượng với những thiếu sót của các em, vui cùng niềm vui, buồn chung nỗi buồn với các em”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Dạy trẻ: Mạng sống là quý nhất
TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết, trong nhiều trường hợp bị bạo hành học đường, các em có suy nghĩ không muốn sống vì thấy cô đơn, quá sức chịu đựng, muốn giải thoát.
Để phòng tránh, giáo viên cần phối hợp với gia đình thường xuyên giáo dục cho các em hiểu, được sinh ra ở trên đời, có được mạng sống là một trong những điều quý giá nhất, chúng ta phải biết trân trọng. Và phải có sự tin, tôn trọng bản thân mình. Tôn trọng bản thân mình thì sẽ biết tôn trọng người khác.
Đồng thời, dạy cho các em biết nghĩ tới trách nhiệm của mỗi việc mình làm. Chẳng hạn, nếu mình hành động tiêu cực, thì sẽ ảnh hưởng tới ai, bố mẹ mình sẽ cảm nhận ra sao…
Cùng với đó, cần xây dựng cho các em kỹ năng sống, khả năng ứng phó với những biến động, tác động của xã hội, có bản lĩnh tìm ra cách giải quyết chứ không đầu hàng. Nếu bản thân không có khả năng, thì đi tìm sự hỗ trợ để có thể vượt qua.
“Không có được kỹ năng, bản lĩnh, các em sẽ dần co mình lại, có suy nghĩ không muốn sống nữa, dẫn tới những hành động đáng tiếc”, ông Lâm nói.
Một điều nữa, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, là cần phải dạy cho các em tình thương yêu, và không bao giờ được đẩy người khác tới bước đường cùng. Chẳng hạn, khi thấy bạn có những biểu hiện, thái độ không tốt thì phải biết dừng lại, chứ không phải sự hiếu thắng tiếp tục gây những tổn thương.
"Và điều quan trọng nhất, là phải dạy cho các em biết ứng xử với những tình huống. Nên có những bài tập giả định tình huống để các em biết được cần phải ứng xử thế nào, đến khi gặp phải thì các em đã được chuẩn bị rồi.
Khi sự việc xảy ra, trước hết phải để các em chia sẻ, thông cảm cho nhau, nhận biết được tác hại của việc mình làm, để từ đó rút kinh nghiệm, thay vì chỉ chú trọng phân định phải trái. Chẳng hạn, khi đã có mâu thuẫn rồi, thì không nên tiếp tục khiêu khích thì sẽ càng làm tình hình xấu hơn…", TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Theo Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam, giáo dục cho trẻ phải rất tỉ mỉ, cụ thể và phải đến được từng học trò, tránh việc nói những “đạo lý” nhưng chỉ là giáo điều, không tới được các em.
TS Nguyễn Tùng Lâm cho hay, chúng ta luôn nói rằng, cần phải phấn đấu  “trường học hạnh phúc”, nhưng ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng lại phấn đấu xây dựng “lớp học hạnh phúc”. Ở đó, các em phải tự xây dựng những nguyên tắc ứng xử, xây dựng khối đoàn kết thương yêu, tôn trọng, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Một lớp có bạo lực học đường là lớp không đoàn kết, không tạo ra tình thân, sự thương yêu. 
Đối với các trường chuyên, theo ông Lâm, càng cần chú trọng giáo dục các em những nguyên tắc này. Bởi trong môi trường cạnh tranh cao, có thể các em chỉ chú ý tới điểm số của bản thân, không quan tâm tới bạn bè. Nếu không biết rèn luyện, nhiều em có thể trở thành những người ích kỷ, chỉ biết nghĩ tới bản thân mình. Cách tổ chức hoạt động cần tạo ra bầu không khí thân thiện, thân ái, giúp đỡ nhau, chứ không phải sự ganh đua, ghen ghét, đố kỵ…
Mời quý độc giả xem video: TS. Nguyễn Tùng Lâm trao đổi với PV Tri thức & Cuộc sống về sứ mệnh của người thầy, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Giữa thầy và trò không có thua và thắng, chỉ có ân hận hay tự hào. Video do Báo Tri thức & Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)