Thiên hạ đại loạn, anh hùng xuất thế. Đó là những gì có thể hình dung về thời Tam Quốc. Có thể nói, anh hùng, hào kiệt trong thời kỳ lịch sử đẫm máu này nhiều vô số kể. Tuy nhiên, Tam Quốc cũng có không ít người được nhìn nhận là vô năng, kém cỏi.
Một trong số đó có thể kể đến Lưu Thiện, con trai của Lưu Bị, vị quân chủ của nhà Thục Hán.
Lưu Thiện (207 – 271), tiểu tự A Đẩu, là vị hoàng đế thứ hai và cuối cùng của nhà Thục Hán trong thời Tam Quốc.
Trước khi qua đời, Lưu Bị đã có màn phó thác con côi cho Gia Cát Lượng ở thành Bạch Đế. Ông dặn dò và gửi gắm con trai cho Gia Cát Lượng: "Tài năng của thừa tướng gấp mười Tào Phi, tất sẽ yên định được đất nước, làm nên việc lớn. Đối với con của trẫm, nếu có thể giúp được thì giúp, nếu nó bất tài thì hãy tự thay đi".
Đồng thời, Lưu Bị cũng giáo huấn Lưu Thiện rằng cần phải đối đãi với thừa tướng như cha của mình.
Sau khi nghe xong, Gia Cát Lượng cảm động và hứa nhất định "cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi". Từ đó, Lưu Thiện lên ngôi và nhận được sự hỗ trợ đắc lực của Gia Cát Lượng trong việc điều hành đất nước.
Theo đánh giá của không ít nhà sử học thời xưa, Lưu Thiện là một người kém cỏi, là ông vua mất nước. Thế nhưng, liệu Lưu Thiện có thực sự bất tài khi có thể giữ gìn Thục Hán suốt hơn 40 năm?
Trên thực tế, Lưu Thiện không hề ngốc như nhiều người vẫn tưởng. Nhưng lại là một người rất giỏi che giấu sự thông minh và khôn ngoan của mình. Điều này ngay cả Gia Cát Lượng là người luôn ở bên cạnh nhưng đến cuối đời mới có thể nhìn ra. Câu hỏi trước khi Gia Cát Lượng qua đời là một minh chứng cụ thể.
Lưu Thiện đã nói gì với Gia Cát Lượng?
Gia Cát Lượng sau nhiều năm cúc cung tận tụy, một mực trung thành, lại gánh vác quá nhiều việc của Thục Hán, cuối cùng sức cùng lực kiệt, ông lâm bệnh nặng vào năm 234. Trước khi vị thừa tướng tài ba này qua đời, Lưu Thiện từng cho người đến thăm và nhắn hỏi một câu rằng: "Nếu khanh mất rồi thì con cái của khanh nên sắp xếp thế nào?".
Nghe xong câu hỏi này, Gia Cát Lượng chợt nhận ra ý tứ sâu xa của Lưu Thiện. Hóa ra Lưu Thiện không hề ngốc, ngược lại còn rất khôn ngoan. Vị hậu chủ của Thục Hán hiểu rõ cục diện. Suy cho cùng, trong bối cảnh bấy giờ, ông chỉ có giả ngốc, ngụy trang thành kẻ bất tài mới có thể tự bảo vệ bản thân mình.
Còn về câu hỏi bất ngờ ở trên, Gia Cát Lượng đã hiểu thấu tâm tư của Lưu Thiện. Lời lẽ rất rõ ràng, hàm ý chỉ sau khi ông qua đời, con cái của ông có tranh quyền đoạt vị không.
Đáp lại câu hỏi của Lưu Thiện, Gia Cát Lượng chỉ nói rằng, 800 cây dâu ở trong nhà có thể nuôi sống được những người thân trong gia đình. Điều này cũng ngầm xua tan nghi ngờ của Lưu Thiện rằng không cần bận tâm bởi các con của Gia Cát Lượng cũng không màng tới hoàng vị.
Câu hỏi khôn ngoan của Lưu Thiện thực ra cũng là tâm tư của một vị hoàng đế. Gia Cát Lượng khi đó sắp qua đời. Tuy nhiên, địa vị của bậc kỳ tài này ở Thục Hán lại rất cao, việc lên ngôi cũng rất dễ dàng. Trong khi Lưu Thiện chỉ là một hoàng đế "hữu danh vô thực", bởi thực quyền to lớn vẫn nằm trong tay Gia Cát Lượng.
Do đó, Lưu Thiện lo lắng sau khi Gia Cát Lượng mất, con cái của ông có thể tranh đoạt ngôi vị. Tuy luôn kính trọng và coi Gia Cát Lượng như cha, nhưng suy cho cùng thừa tướng cũng không có quan hệ huyết thống với ông.
Là một hoàng đế, luôn để ý đến tâm tư của mọi người xung quanh, đặc biệt cả những người thân cũng cần phải đề phòng, có lẽ là điều có thể hiểu được. Lưu Thiện không tầm thường, ông lo lắng cũng là lẽ thường tình của một bậc quân vương.
Ban đầu, câu hỏi của Lưu Thiện khiến Gia Cát Lượng kinh ngạc và nhận ra con người thật của vị hoàng đế này. Song, vị thừa tướng này cũng vơi bớt nỗi lo về Lưu Thiện. Bởi vì ông cho rằng sau khi mình qua đời, Lưu Thiện không đề phòng những người xung quanh, không gánh nổi thiên hạ... Xem ra, lo lắng này của Gia Cát Lượng là hơi thừa rồi.
Trong ba tập đoàn chính trị thời Tam Quốc là Tào Ngụy, Đông Ngô và Thục Hán, Lưu Thiện chính là người ở ngôi hoàng đế lâu nhất, vượt xa các đối thủ đương thời. Lưu Thiện không hề ngốc nghếch, mà chỉ là giả ngốc. Đúng! Giả ngốc để làm hoàng đế.