Đó là còn chưa kể sự săn lùng trang sức “hạ thổ” đang ngấm ngầm diễn ra. Chẳng biết trang sức đá quý có “quyền năng” tới đâu nhưng có thực tế trang sức gắn đá ngày càng lên ngôi.
Đeo ngọc tì hưu, diện đá quý ly
Theo truyền thuyết, tỳ hưu là con thứ 9 của rồng, là thần thú thuộc họ rồng nhưng không phải rồng. Chín đứa con của rồng gồm: Si vẫn, Phụ hí, Bệ ngạn, Bí hí, Toan nghê, Bồ lao, Trào phong, Nhai xế, Tỳ Hưu. Mỗi loài lại có một truyền thuyết khác nhau nhưng sự tích con tỳ hưu là được nhiều người biết nhất.
Trong sự tích con tỳ hưu thì tỳ hưu có đầu như Kỳ Lân, một sừng, thân to như thân gấu, trên lưng có cánh. Khi mới chào đời, tỳ hưu đã mang dị tật là không có hậu môn. Vì thế, nó chỉ sống được vài ngày là qua đời. Vì chết từ lúc còn quá nhỏ nên tỳ hưu được Ngọc Hoàng thương tình, cho hóa thân thành linh vật nhà trời, chuyên phò về tài lộc.
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia phong thủy thì con tỳ hưu miệng càng rộng, mông càng to thì càng hút được nhiều lộc. Chúng thích ăn vàng bạc, nhưng vì không có hậu môn nên chỉ ăn vào mà không làm thất thoát đi. Vàng bạc cũng vì thế chất chứa đầy người.
Bởi vậy, một số phụ nữ là chủ doanh nghiệp hay tiểu thương có sở thích đeo tài hưu cầu tiền tài, may mắn làm ăn. Những con tì hưu được các nghệ nhân chế tác bằng ngọc, rubi, saphia, đá mặt hổ, carnerlian, thạch anh … để gắn vào đồ trang sức đeo trên cổ, tay như “lá bùa” tăng vận tài lộc.
Ngoài đeo tì hưu, một số chị em còn theo phong trào “thửa” trang sức hình đá hồ ly. Trên các diễn đàn làm đẹp, facebook cá nhân, nhóm đang rộ lên trào lưu đeo trang sức đá phong thủy có hình dáng hồ ly chín đuôi. Theo đó, nếu như tì hưu đem lại tài lộc thì đeo đá hồ ly lại đem hạnh phúc cho người sử dụng. Hình tượng Hồ Ly ở nước bạn được sử dụng như biểu tượng của sắc đẹp, sự khôn khéo và quyền lực. Hồ ly là bậc thầy của tình yêu, biểu tượng cho sự khéo léo, cuốn hút và thông minh.
|
Những viên đá hình hồ ly sẽ được gắn với trang sức vàng, bạc. |
Theo các cửa hàng bán trang sức đá quý, phong thủy thì, phụ nữ nếu sở hữu một món đồ trang sức vàng tây gắn đá hình hồ ly sẽ mang lại may mắn trong đường tình duyên, sự khôn khéo trong giao tiếp, tình yêu được viên mãn, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Người phụ nữ sở hữu đá hồ ly sẽ giảm nỗi lo chồng, người yêu mình có “hồ ly” khác bên cạnh phá vỡ hạnh phúc của mình.
Cũng như tì hưu, hình hồ ly được các nghệ nhân chế tác qua các chất liệu: rubi, ngọc, sappire, đá mặt hổ, carnerlian, thạch anh, mã não…có mức giá khác nhau từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng/viên tùy loại. Rubi, ngọc, sappire dành cho người kinh tế khá giả còn thạch anh, mã não thì dành cho người có thu nhập trung bình khá.
Dùng trang sức phong thủy, người dùng thường chú ý chọn lựa màu sắc của đá theo màu sắc ngũ hành tương sinh, tương khắc. Tương sinh sẽ đem đến vận may còn ngược lại, tương khắc sẽ gặp rủi ro. Người mệnh Kim thường chọn đá màu tương sinh: vàng, nâu, trắng, bạc. Người mạng mộc chọn đá xanh lam, xanh da trời, xanh nước biển, xanh lá cây. Người mệnh Thổ dùng màu: đỏ, hồng, tím, nâu, vàng. Người mạng Thủy chọn đá màu trắng, đen, xanh nước biển. Mạng Hỏa nên chọn màu xanh lá cây, đỏ, hồng, tím.
Săn lùng đá “hạ thổ”
Nói đến chơi trang sức đá phong thủy, có lẽ trang sức đá “hạ thổ” được các chị em tò mò và lôi cuốn nhất. Nếu như các loại: rubi, ngọc, thạch anh thường thấy trên thị trường nhan nhản rất dễ tìm thì trang sức đá “hạ thổ” lại rất hiếm. Đá “hạ thổ” là loại trang sức của người… đã mất.
Cách đây hàng chục năm về trước, một số gia đình khá giả, khi nhà có người phụ nữ mất, họ mua vòng ngọc, trang sức đá quý đeo trên người mất như tri ân, dành tặng, chôn theo người mất. Vài năm sau “sang cát”, “bốc mộ”, những trang sức ấy được người thân mang về đeo trên người.
Theo quan niệm, họ sẽ nhận được sự “phù hộ” may mắn, tài lộc, sức khỏe, tài lộc của người mất. Thường những bộ trang sức này hay được các con, cháu đeo. Nhưng có số ít, vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn hay sở thích không thích đeo trang sức, họ bán lại cho những người có nhu cầu.
Vì số lượng hạn hẹp nên những đồ trang sức đá “hạ thổ” hiếm khi bày bán trên các cửa hàng phong thủy hay cửa hàng trang sức. Người yêu thích trang sức “hạ thổ”, cũng như người đam mê đồ cổ, họ phải săn lùng không hề dễ dàng để sở hữu nó.
Trào lưu trang sức đá là vậy, nhưng thực tế, trang sức đá có “quyền lực” đem lại sức khỏe, tài lộc, hạnh phúc như vậy thật không lại là chuyện khác.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Hoa (Hà Nội) thì những trào lưu đua nhau sử dụng trang sức đá hình tì hưu, hồ ly hay “hạ thổ” hầu hết đều xuất phát ở bên xứ người. Theo khoa học và thực tiễn, nếu muốn có sức khỏe, mọi người cần ăn uống khoa học, tập thể dục đều đặn; nếu muốn giữ gìn hạnh phúc, hai bên đều cùng vun đắp tổ ấm gia đình; nếu muốn phát đạt thì làm việc chăm chỉ, có một tư duy tốt, nhạy bén….Chứ nếu chỉ dựa vào trang sức đá mà mong đá có “uy quyền” thì là sự mơ hồ, không có cơ sở sở lý luận lẫn thực tế.