Được mệnh danh là trận "tiểu Trân Châu Cảng", cuộc tập kích của không quân Đức nhằm vào thành phố cảng Bari, Italia vào cuối năm 1943 đã gây thiệt hại nặng nề về người và trang thiết bị hậu cần cho Mỹ và đồng minh.
Thành phố cảng Bari nằm cạnh biển Adriatic là trung tâm kinh tế quan trọng thứ hai của miền nam Italia (sau Naples), đồng thời cũng là địa điểm có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự trong Thế chiến 2.
Tháng 9/1943, sau khi chiếm được Bari từ tay liên quân Đức - Italia, quân Đồng minh nhanh chóng sử dụng cảng làm nơi vực luân chuyển, tiếp tế đạn dược và các nhu yếu phẩm quan trọng cho binh sĩ trên mặt trận Địa Trung Hải.
Đến cuối tháng 11/1943, thành phố cảng này đã biến thành một căn cứ quân sự, hậu cần sôi động với hàng trăm lượt tàu cập bến mỗi ngày cùng sự hiện diện của quân đoàn số 8, quân đội Hoàng gia Anh và Bộ chỉ huy không đoàn 15 của Mỹ.
Do có nhiệm vụ quan trọng là ném bom các mục tiêu của Đức tại Balkan và Italia, mọi công việc tại thành phố cảng giai đoạn này dường như tập trung cho việc hoàn thiện cơ cấu, tổ chức của không đoàn 15. Công tác cảnh giác, đề phòng nguy cơ bị tập kích đường không hoàn toàn bị lơ là, bởi lãnh đạo quân Đồng minh tin rằng quân đội Đức Quốc xã không thể đủ sức tiến hành bất kỳ một chiến dịch quy mô nào sau khi hứng chịu những thất bại ở miền nam Italy.
Ban đầu, các đơn vị phòng không của Anh còn bắn một vài phát đạn lấy lệ khi phát hiện máy bay do thám Đức xâm nhập vùng trời Bari để thu thập tin tức. Sau đó họ hoàn toàn để mặc những chiếc Me-210 thoải mái bay lượn như chốn không người trên bầu trời Bari.
"Việc gì phải lãng phí đạn dược. Nếu không quân phát xít đủ khả năng thực hiện một cuộc tập kích vào Bari, đó là một điều sỉ nhục", Coningham, phó tư lệnh không quân Anh đã khẳng định với các phóng viên quan tâm tới tình hình phòng thủ tại Bari.
Ngày 2/12/1943, Mỹ quyết định bổ sung bằng đường biển 200 sĩ quan, 52 kỹ sư cùng hàng trăm binh lính cho không đoàn 15 để chuẩn bị thực hiện các nhiệm vụ không kích. Động thái này đã khiến số lượng tàu chiến neo đậu tại Bari lên đến hơn 30 chiếc. Buổi tối, cảng Bari càng trở nên tấp nập, ánh đèn từ các tàu thuyền chờ bốc dỡ hàng hóa làm cho khung cảnh thêm rực rỡ. Do khối lượng công việc quá nhiều, gần như không ai nghĩ đến công tác cảnh giới, để rồi phải gánh nhận hậu quả.
Trận tập kích bất ngờ
Chiều ngày 2/12/1943, trung úy Werner Hahn điều khiển chiếc máy bay do thám Me-210 của không quân Đức chầm chậm lượn hai vòng trên bầu trời thành phố Bari, trước sự thờ ơ của các lực lượng phòng không Đồng minh. Sau vài phút thăm dò, chiếc máy bay do thám tăng tốc về phía Bắc, để lại một vệt khói dài trên bầu trời.
Trở về căn cứ, Hahn đề nghị chỉ huy tập đoàn quân phía nam của Đức là Albert Kesselring nhanh chóng tấn công Bari. Lúc đó Kesselring đang có ý định tấn công sân bay chính của không đoàn 15 tại Foggia, cách Bari 120 km. Nhưng điều làm ông ta đau đầu là lực lượng không quân Đức không có đủ khả năng để thực hiện một cuộc tập kích lớn như thế.
Tướng Wolfram von Richthofen, Chỉ huy đơn vị không quân số 2 của Đức Quốc xã, người từng tham chiến ở Ba Lan và Liên Xô, đưa ra lời khuyên rằng nếu lực lượng tấn công mỏng, Bari chính là mục tiêu khả thi nhất. Hơn nữa chiến dịch này cũng có thể làm giảm thế tiến công của tập đoàn quân số 8 và kéo dài thời gian chuẩn bị oanh kích của không đoàn 15.
Được sự đồng ý của Kesselring, Richthofen nhanh chóng điều 105 chiến đấu cơ Junker Ju-88 để thực hiện cuộc tập kích. Tuy số lượng máy bay được cho là khá ít đối với một chiến dịch lớn, Richthofen cho rằng yếu tố bất ngờ và thời điểm tấn công chắc chắn sẽ giúp quân Đức chiến thắng.
19h30 ngày 2/12/1943, tất cả chiến đấu cơ Junker Ju- 88 được lệnh xuất kích. Để nghi binh, Richthofen ra lệnh cho 25 chiếc bay về hướng Nam Tư để đánh lạc hướng quân Đồng minh. Những chiếc còn lại bay về phía Đông và vòng xuống phía Nam và phía Tây, để đề phòng khả năng đối phương tổ chức đánh chặn từ phía Bắc.
Lúc đó hoạt động trên cảng Bari rất nhộn nhịp. Gustav Teuber, viên trung úy chỉ huy phi đội tấn công đầu tiên của Đức, dường như không thể tin vào mắt mình khi trông thấy ánh đèn sáng rực ở bến cảng, tàu thuyền và cần cẩu bốc dỡ đang hoạt động hết công suất.
Các chiến đấu cơ Ju-88 lao xuống bầu trời Bari như những con "thần điểu" khổng lồ săn mồi. Phi đội đầu tiên không kích khu vực nội thành Bari, khiến toàn thành phố chìm trong biển lửa mù mịt. Các máy bay khác nhanh chóng thả bom xuống tất cả các tàu thuyền tại cảng với độ chính xác đến ngạc nhiên. Hai tàu chở đạn bị trúng bom phát nổ ngay lập tức, một tàu chở dầu còn đậu trên cầu cảng bị nổ và vỡ làm đôi.
Một số binh sĩ Mỹ đã chống trả quyết liệt, nhưng hỏa lực của họ phần lớn không hiệu quả. Tất cả binh sĩ sống sót đều phải chứng kiến tàu của mình trúng bom, bốc cháy trong sự tuyệt vọng và hối hận.
Theo một số tài liệu của Pháp, cuộc không kích diễn ra chỉ trong vòng 20 phút, nhưng không quân Đức đã khiến hơn 2.000 lính Anh, Mỹ và dân thường Italy chết và hàng nghìn người bị thương. Mỹ bị thiệt hại lớn nhất, 5 chiến hạm của họ bị phá hủy hoàn toàn. Anh bị đắm 4 tàu, Na Uy và Italy mất ba tàu, Ba Lan mất hai tàu.
Theo Swiss Military, cuộc tập kích bất ngờ này đã giáng một đòn nặng nề vào tâm lý tự mãn, chủ quan khinh địch của Mỹ và phe Đồng minh. Việc bị cắt đứt nguồn bổ sung về con người và hậu cần khiến không đoàn 15 không thể tham gia các hoạt động ném bom nào cho đến khi cảng Bari hoạt động trở lại vào tháng 2/1944.