>>> Mời quý độc giả xem video phim Tây Du Ký. Nguồn Youtube:
Trên hành trình 5 thày trò Tây Trúc thỉnh Kinh, rất nhiều lần Ngộ Không cần dò la thông tin hoặc rơi vào hiểm nguy đều có cảnh chàng khỉ hô một tiếng, Sơn thần Thổ địa rồi đủ loại Thần Tiên như Yết Đế, Già Lam (…) ngay lập tức xuất hiện. Tại sao Ngộ Không, vốn là một tội phạm của Thiên đình, lại có được cái quyền năng đặc biệt ấy mà Bát Giới (Thiên Bồng Nguyên Soái) hay Sa Tăng (Quyện Liêm Đại Tướng) từng là quan xịn trên Trời cũng chịu?
Hai lần Ngộ Không được Ngọc Hoàng phong chức
Câu trả lời chính là ở cái chức danh của chàng khỉ. Tôn Ngộ Không xét ra thì có 2 lần được phong chức. Chức đầu là Bật Mã Ôn – là chức xịn nhưng phẩm cấp hạng bét, chả hơn được ai, chức này khỉ ta ghét lắm, cứ nghe ai nhắc đến sau này là nộ khí xung thiên. Chức sau là Tề Thiên Đại Thánh, đầu tiên khỉ ta tự phong sau được Ngọc Hoàng chấp thuận mà ban chon, nghe thì hoành tráng nhưng thực ra lại chẳng có phẩm trật gì.
|
Tôn Ngộ Không, từ “Bật Mã Ôn” quản ngựa được phong chức “Tề Thiên Đại Thánh”. |
Sau khi được Bồ Đề Tổ Sư truyền dại võ thuật cùng 72 phép thần thông biến hóa, Tôn Ngộ Không đã không còn giữ được bản tính thiện lượng như xuất phát điểm ban đầu. Cậy bản lĩnh thượng thừa, chàng khỉ xuống Thủy Cung lấy luôn Định Hải Thần Châm làm vũ khí (chính là Gậy Như ý), rồi ghé qua Diêm Vương sửa cả sổ Sinh Tử.
Nhận được đủ loại đơn từ kiện cáo “yêu hầu” từ các Thần Tiên khắp nơi, Ngọc Hoàng thượng Đế giận lắm tính cho quân xuống đánh dẹp thì Thái Bạch Kim Tinh khuyên là khoan “động binh”, cứ phong cho khỉ ta một chức danh trên Thiên đình, giữ ở gần dễ bề kiểm soát. Chức danh đầu tiên của Tôn Ngộ Không là “Bật Mã Ôn”, thực tế chỉ là… kẻ quản ngựa trên Trời. Dù là chức xịn nhưng thuộc phẩm cấp hạng bét.
Chức danh thứ hai của Ngộ Không là “Tề Thiên Đại Thánh”. Dịch nghĩa “Tề Thiên Đại Thánh” tức là Thánh to bằng trời. Tây Du Ký hồi 4 chép việc Ngộ Không biết chức Bật Mã Ôn chỉ là dạng vớ vẩn, bỏ Thiên đình về Hoa Quả Sơn tự phong làm Tề Thiên Đại Thánh, Ngọc Hoàng nghe chuyện định sai thiên binh thiên tướng xuống hỏi tội thì Thái Bạch Kim Tinh can rằng:
“Yêu hầu háo danh nói bướng, nó không biết chức nào lớn nhỏ. Xin Ngọc Hoàng hạ chỉ chiêu an, phong chức ấy cho nó, tưởng cũng không tốn gì lương bổng, mà cũng chẳng hại gì của thiên triều. Chẳng qua đó chỉ là một hư danh…. Nay phong cho nó hữu danh vô vị, không có phẩm trật nào, không có quyền cai trị ai. Như vậy nó sẽ an lòng, khỏi còn phá phách”.
“Thánh to bằng trời” nên mới gọi được Thần Tiên
Dù là hữu danh vô vị, nhưng “Tề Thiên Đại Thách” là chức tước mà Ngộ Không được Ngọc Hoàng đích thân ban cho: “Ta chiều theo ý, phong cho ngươi chức Tề Thiên Ðại Thánh là tột bực rồi. Vậy từ nay đừng gây chiến mà phạm tội” và “Ngọc Hoàng liền truyền Lò Bang và Trương Bang cất một biệt dinh gọi là Tề Thiên Bàng Thánh gần vườn đào. Trong dinh chia làm hai phòng: Ân Linh tự và Ninh Thần tự, có tiên lại ở thường xuyên để chầu chực. Tiếp đó Ngọc Hoàng ban cho Tề Thiên hai ve ngự tửu, mười cái bông vàng, và sai Ngũ Ðẩu Tinh Quân đưa Tề Thiên về tư-phủ”.
Tây Du Ký cũng ở hồi 4 cũng có nhiều đoạn viết cho thấy, dù “Tề Thiên Đại Thánh” là hư danh, là vô vị, là không có phẩm trật gì nhưng các Thần Tiên trên Thiên đình cũng bởi cái mác này mà vị nể anh khỉ vài phần. Nào là “Tề Thiên ở lại hưởng cảnh thanh nhàn muốn ra vào chẳng ai cấm ngăn”, rồi “Nói về Tôn Ngộ Không làm chức Tề Thiên Ðại Thánh, không thuộc ngạch nào, chẳng biết phẩm chi, thấy trước cửa có đề năm chữ Tề Thiên Ðại Thánh Phủ, thì tin là chức ấy, ngày ăn tối ngủ, có hai vị tiên lại chầu hầu, dạo chơi khắp cả thiên cung, môt mình thong thả”, hay “Nay tới hướng Ðông, mai chơi phía Bắc, cứ việc dạo chơi hoài, các vị thiên thần đà lát mặt”.
Sau thấy Đại Thánh nhàn rỗi quá, Ngọc Đế mới nghe lời Tinh Dương Hứa Chân mà giao cho anh khỉ công việc cụ thể: “Trẫm thấy khanh ở không, chẳng có phần chi cai trị cho vui, nên đòi khanh vào đây, trẫm giao vườn Bàn đào cho khanh cai trị, coi giữ cho thường, chớ nên sơ hở để chúng phá phách”. Công việc trông coi vườn Đào về cơ bản là an nhàn nhưng xét trên thượng giới thì đây là khu vực vô cùng quan trọng, có thể nói là tài sản quý giá bậc nhất:
“Nội vườn cộng hết thảy là ba ngàn sáu trăm cây, phía trước một ngàn hai trăm cây bông trái nhỏ, ba ngàn năm mới chín một kỳ, ăn nó thì thành tiên, nhẹ mình mà thêm sức. Còn giữa vườn một ngàn hai trăm cây, bông trái có từng, trái ngọt lắm, sáu ngàn năm mới chín một kỳ, ăn nó thì bay như chim mà trường sinh bất lão. Còn phía sau một ngàn hai trăm cây, chín ngàn năm mới chín một kỳ, trái có gân màu tía, nhỏ hột hơn hết, ăn nó thì sống bằng trời đất”.
Từ việc Lão Tôn quản vườn đào đến chuyện “xơi” sạch đào tiền, uống trộm ngự tửu rồi xơi cả đống linh đan của Thái Thượng Lão Quân và gây ra cho Thiên đình bao phen thất điên bát đảo (…), chúng ta không cần phải bàn tới. Chỉ biết rằng, ngay cả khi Ngộ Không bị Như Lai Phật Tổ thu phục và đày dưới núi Ngũ Hành Sơn, rồi sau chuyển từ Đạo giáo sang Phật giáo theo Đường Tăng đi lấy kinh, thì chàng ta cũng không bị Ngọc Hoàng tước mất cái chức ấy.
Dù vô vị nhưng lại hữu danh thế nên khi khỉ ta, tức “Thánh to bằng trời” lên tiếng gọi thì những thần tiên cấp thấp làm nhiệm vụ dưới hạ giới, từ Lục đinh Lục giáp, năm phương Yết Đế, 4 vị Công Tào, đến Già Lam, Sơn Thần Thổ Địa các loại, ai dám không theo!
* Kiến Thức đã đặt lại tiêu đề bài viết.