Thân thế, tài năng, sự sống chết hay Thạch Đạt Khai có biết làm thơ? Có con gái nuôi hay không? Rốt cuộc thì ông thân với Hồng Tú Toàn hay với Dương Tú Thanh? Vì sao phải “rời nhà ra đi”, ông rốt cuộc là “Nghĩa Vương” hay là “người thuộc chủ nghĩa ly khai”? Thái độ của ông đối với Cơ Đốc giáo hay Bái Thượng đế giáo là như thế nào? Từ khi ông còn tại thế đến giờ, mọi người đều tranh luận nghị biện rất sôi nổi những vẫn đề này. Theo lý thì một nhân vật bị phía quân Thanh bắt giữ, trước lúc chết còn lưu lại bản cung khai, không nên có nhiều nghi vấn như vậy, mà sự thực thì lại chính là như vậy.
Thạch Đạt Khai là người ở đâu?
Khi Thạch Đạt Khai danh tiếng lẫy lừng, trở thành nhân vật được quân Thái Bình Thiên Quốc và bên phía Thanh triều vô cùng coi trọng, câu hỏi ông là người ở đâu đã trở thành chủ đề nóng bỏng được quan tâm bởi những gián điệp thu thập tình báo bên phía Thanh triều và những nhân sĩ địa phương tò mò thuần túy.
“Tặc tình hối toản” tập tình báo nổi tiếng bởi tính xác thực, tỉ mỉ được Tăng Quốc Phiên gợi ý biên soạn đã xưng Thạch Đạt Khai là “người thôn Đại Thoa huyện Quế Bình phủ Tầm Châu, tỉnh Quảng Tây”; Đại tướng Tương quân Lý Nguyên Độ viết thư khuyên hàng Thạch Đạt Khai vào năm 1858 gọi ông là “phú hộ Quế Lâm”; Ghi chép của văn nhân vùng Nam Kinh, An Khánh và Giang Tây thì đủ loại, có thuyết nói ông là “chư sinh Quảng Tây”, có thuyết nói ông là “cự khấu Quảng Đông”, còn có thuyết nói ông là phú thương Hồ Nam, buôn bán ở Quảng Tây bị ép phải nhập hội...
May mà Thạch Đạt Khai có để lại bản cung khai, may mà tự thời Dân quốc đã không ngừng có người đi thăm thực địa Quảng Tây, ngày nay vấn đề này đã không còn là câu đố nữa rồi.
Thực tế, Thạch Đạt Khai sinh ở Quảng Tây, nhưng nguyên tịch lại là huyện Hòa Bình tỉnh Quảng Đông. Ông sinh tại thôn Na Bang, ấp Kỳ Thạch phía đông bắc sơn khu Long Sơn huyện Quý tỉnh Quảng Tây, sinh vào tháng hai năm Đạo Quang thứ 10 nhà Thanh (1831), cũng chính là nói, khi khởi nghĩa Kim Điền nổ ra vào cuối năm 1850, vị thủ lĩnh “một trong số thất kiệt” này vẫn còn là thanh niên chưa đầy 20 tuổi.
Dường như tất cả những ghi chép bên phía Thanh triều đều nói nhà ông là một đại tài chủ, “Tặc tình hối toản” nói ông đã quyên hơn 10 vạn lạng bạc trắng để nhập hội, tiểu thuyết ca ngợi ông viết thời Dân quốc tô vẽ ông hiến toàn bộ gia tài cho tổ chức, ở vào cái thời mà “chả có thân thích gì hết chỉ có phân giai cấp” lại dựa vào đó mà coi ông là “người phát ngôn của giai cấp địa chủ”. Tuy vậy, thông tin này không có căn cứ. Thực tế, gia đình ông chỉ thuộc dạng trung nông, có của ăn của để, chứ không phải địa chủ...
Thạch Đạt Khai không có anh em trai, Thạch gia ở địa phương cũng không phải là gia tộc lớn, nhưng do ông tuổi trẻ đã sớm biểu hiện tấm lòng hiệp nghĩa và tài năng xuất sắc, do đó người trong tộc, đồng hương đều rất tôn sùng, khâm phục ông, khi Hồng Tú Toàn, Phùng Vân Sơn bí mật mưu đồ khởi sự ở sơn khu Tử Kinh Sơn, đã học theo Lưu Bị tam cố mao lư, đích thân tìm đến nhà, trịnh trọng mời người thanh niên trẻ tuổi này xuất sơn. Năm 1853-1854, Thái Bình Thiên Quốc mới định đô Thiên Kinh, đã biên soạn một bộ thông tục sử thư, trong đó lại có một đoạn “thăm Thạch tướng công”. Tuy rằng tên bộ sách lịch sử này là “tân chiếu thư” và không truyền được tới ngày nay, thậm chí có thể căn bản chưa được xuất bản, nhưng uy vọng, địa vị của Thạch Đạt Khai có thể tưởng tượng được.
Tháng 7 năm Đạo Quang thứ 30 (1850), Thạch Đạt Khai tiếp nhận mệnh lệnh Đoàn doanh Kim Điền, triệu tập hơn 1000 người tại quê nhà, trong đó có không ít con em họ Thạch, đi đường đèo Lục Ô, sau hơn một tháng tụ tập ở gò Bạch Sa, tới Kim Điền. Đội quân con em họ Thạch này về sau trở thành một trong những chủ lực của quân Thái Bình.
Đệ nhất danh tướng của quân Thái Bình
Do nguyên nhân ai cũng biết, hơn 100 năm nay những lời đánh giá chính trị về Thạch Đạt Khai có lên có xuống, đến nay cũng còn có những ý kiến khác nhau, nhưng có một điểm mà các bên dường như không có sự bất đồng: Thạch Đạt Khai là danh tướng, thậm chí là danh tướng số 1 của Thái Bình Thiên Quốc.
Tăng Quốc Phiên, người từng bị Thạch Đạt Khai ép tới mức phải nhảy xuống nước tự sát trong trận Hồ Khẩu, từng bị vây trong thành Nam Xương tới mức hết cách xoay sở, vào giai đoạn sau từng gửi tấu triết lên Hoàng đế, trong đó chê bai sức chiến đấu của quân viễn chinh Thạch Đạt Khai, nói ông rời xa căn cứ địa, nhiều lần gặp thất bại, đã “không khôi phục được khí thế năm đó”, thế nhưng cho dù là có ý đồ khác thì trong văn kiện vị tất đã là khách quan, ông ta cũng thẳng thắn thừa nhận, tuy rằng quân viễn chinh của Thạch Đạt Khai không bằng quân Tây chinh năm đó, nhưng năng lực của bản thân Thạch Đạt Khai là điều không thể nghi ngờ.
Tháng 7 năm 1864, Thiên Kinh thất thủ, Lý Tú Thành bị bắt, Tăng Quốc Phiên vội vàng từ An Khánh chạy tới để thẩm vấn, vẫn thận trọng hỏi “Thạch Đạt Khai đã chết chưa”, mà lúc này quân của Thạch Đạt Khai đã bị tiêu diệt bên sông Đại Độ được hơn 1 năm rồi, có thể thấy được sự kiêng dè của ông ta với Thạch Đạt Khai. Tả Tông Đường gọi Thạch Đạt Khai là “tông chủ của bọn giặc”, “đáng cho ta úy kị”. Lý Tú Thành, Trần Ngọc Thành đều tự nhận mình là danh tướng kiệt xuất của quân Thái Bình, Hồng Nhân Can càng là kiểu người khoe khoang đã thành tính, nhưng bọn họ đều không có ngoại lệ: ca ngợi Thạch Đạt Khai giỏi dụng binh. Các nhà sử học, binh gia, văn nhân mặc khách thời Dân Quốc và sau thời Dân Quốc càng khâm phục tài dụng binh của Thạch Đạt Khai.
Thế nhưng trong giai đoạn đầu của quân Thái Bình Thiên Quốc, danh vọng trên chiến trường của Thạch Đạt Khai dường như không quá vang dội. Thời kỳ ở Kim Điền, Tử Kinh, “giặc phỉ hung hãn” trong các tấu báo của tướng lĩnh tiền tuyến của quân Thanh là La Đại Cương và Tiêu Triều Quý; Trong bản cung của Hồng Đại Toàn, tức Tiêu Lượng, “thiện chiến nhất” trong quân Thái Bình là Vi Xương Huy; Trong “Tặc tình hối toản” và một số ghi chép của văn nhân bên phía Thanh triều, vòng hào quang “danh tướng số một” tỏa sáng trên đầu những người như Tiêu Triều Quý, Lý Khai Phương, La Đại Cương, Tăng Thiên Dưỡng.
Ngược lại, trong những ghi chép giai đoạn đầu, Thạch Đạt Khai mang lại cho người ta cảm giác ông không giỏi chiến đấu, thậm chí trước giờ đều chẳng giống một võ tướng.
Ngày nay giở đọc sử liệu, có thể biết rằng ngay từ giai đoạn đầu, Thạch Đạt Khai cũng đã chủ trì rất nhiều hành động quân sự quan trọng.
Trong thời kỳ chuyển chiến các nơi như Kim Điền, Đông Hương, Thạch Đạt Khai là Tả quân chủ tướng. Đánh bại Hướng Vinh trong trận Quan Thôn Lĩnh, đặt nền móng cho việc công chiếm Vĩnh An, người chỉ huy là Tiêu Triều Quý, Thạch Đạt Khai. Trong trận chiến Trường Sa năm 1852, khi Tiêu Triều Quý trọng thương mà chết, toàn quân Thái Bình bị viện binh quân Thanh vây ở phía đông Tương giang, thời khắc nguy cấp trong khu vực nhỏ hẹp phía nam thành Trường Sa, cô quân của Thạch Đạt Khai vượt sông Tương, không chỉ đả thông cục diện phía tây Tương giang, tiếp đó còn hội chiến ở châu Quất Tử, mai phục đánh bại Hướng Vinh, để quân Thái Bình triệt vây rút đi, biến bị động thành chủ động, mở ra một con đường máu. Sau đó phá Nhạc Châu, phá Thái Thạch, trên thực tế đều do Thạch Đạt Khai phụ trách quân sự. Nhưng những chiến công này đều nhiều năm sau mới phổ biến, như chiến công dưới chân thành Trường Sa, là được ghi chép trong “Thiện Hóa huyện chí” được biên soạn thời Thanh mạt, năm đầu Dân Quốc có sửa chữa, còn kỳ tích quân sự Thạch Đạt Khai “một phát pháo xông lên Thái Thạch” thì cũng là trước tiên được hát trong các bài dân ca, mấy chục năm sau mới được ghi vào trong sử sách. Vậy rốt cục là bởi nguyên nhân gì? Đầu tiên, mối quan hệ tế nhị giữa ông và Tiêu Triều Quý.
Tiêu Triều Quý là “con rể Thượng đế”, “thay Thiên huynh truyền lời”, là nhân vật thông thiên nửa người nửa thần, người này kết minh với Dương Tú Thanh, đã gạt các nhân vật cốt cán của hội Bái Thượng đế thời kỳ đầu như Phùng Vân Sơn, kỵ nhất là nhà họ Vương thôn Tứ Cốc ở huyện Quý, bởi vì dòng họ này là thân thích của Hồng Tú Toàn, tư cách, huyết thống thuần chính, tạo nên sự uy hiếp đối với sự chuyên quyền của ông ta. Thôn Tứ Cốc và thôn Na Bang của Thạch Đạt Khai đều ở huyện Quý, nhà họ Thạch và nhà họ Vương quan hệ mật thiết, người dẫn Hồng, Phùng “thăm Thạch tướng công” rất có thể chính là Vương Ngọc Tú của nhà họ Vương ở thôn Tứ Cốc. Tháng 12 năm Kỷ Dậu (đầu năm 1850), hội chúng Bái Thượng đế hội dưới sự chỉ huy của Thạch Đạt Khai, Vương Ngọc Tú giao chiến với quân Đoàn luyện Lục Khuất của Chu Phượng Minh giành được thắng lợi, Tiêu Triều Quý với danh nghĩa Thiên Huynh hạ lệnh ban sư, Thạch Đạt Khai, Vương Ngọc Tú ngang nhiên cãi lại, “đều nói không thể ban sư”. Đây là điều độc nhất vô nhị trong cả bộ “Thiên Huynh thánh chỉ”.
Lòng dạ Tiêu Triều Quý chẳng chút khoáng đạt, ông ta tuy rằng tiếp tục tin dùng Thạch Đạt Khai nhưng thường xuyên đề phòng Thạch và nhà họ Vương “cấu kết”. Trong “Thiên Huynh thánh chỉ” số lần nhắc tới Thạch Đạt Khai vẻn vẹn đếm trên đầu ngón tay, sự nhạt nhẽo trong mối quan hệ giữa hai người nhìn sơ cũng có thể thấy. Trong tình hình như vậy, Thạch Đạt Khai đương nhiên khó xuất đầu, đã không dễ dàng độc lập một mặt, cho dù có cơ hội và công lao cũng sẽ bị cố ý làm cho nhạt đi. Đêm trước khởi nghĩa Kim Điền, Dương Tú Thanh, người bệnh nặng mới khỏi, độc nắm đại quyền trung ương, Tiêu Triều Quý “lui về tuyến hai” đành phải chuyển qua nắm quân sự, điều này đương nhiên cũng cướp đi không ít cơ hội “lên hình” của Thạch Đạt Khai. Khi Tiêu Triều Quý tử trận, quân Thái Bình rất nhanh chóng lại bước vào thời kỳ toàn thịnh đại tiến quân, toàn quân xoay quanh trung ương Hồng, Dương thống nhất Đông hạ, trên có Dương Tú Thanh chủ trì tất cả, dưới có các tướng lãnh cụ thể như Lý Khai Phương, Lâm Phượng Tường, La Đại Cương, Lại Hán Anh xung phong hãm trận, “tiền địch tổng chỉ huy” Thạch Đạt Khai ở giữa cũng khó mà tỏa sáng được.
Tiếp đó, tình báo bên phía nhà Thanh về tổng thể thu thập không đủ.
Do từ đầu tới cuối đều coi quân Thái Bình là “thảo khấu”, nên có sự coi thường một cách vô thức hoặc có ý thức đối với các loại thể chế của nó, do đó trong thu thập tình báo của quân Thanh , chỉ về mặt quân sự mà nói, ban đầu chỉ chú trọng những thông tin của tướng lĩnh tiền tuyến, còn với người chỉ huy chiến dịch cao cấp thì lại coi thường, do đó những người có thể đánh giết như La Đại Cương, Lý Khai Phương, Lâm Khởi Dung,Vi Tuấn, thậm chí Hoàng Tái Hưng, Tăng Thủy Nguyên đều rất được chú ý, những người mấy lần phụ trách chỉ huy chiến khu như Thạch Đạt Khai, Tần Nhật Cương lại bị coi nhẹ vai trò quân sự của nó, chỉ nói bọn họ “lủi” chỗ này, “lủi” chỗ nọ, nhưng lại rất ít đề cập đến cái sự “lủi” của họ, chính là để điều phối hành động quân sự các nơi.
Tới tháng 1 năm 1855, Tăng Quốc Phiên đánh trận nào thắng trận đó, từ Tương giang Hồ Nam nhất lộ đánh giết thẳng tới Hồ Khẩu của Giang Tây, gặp phải đội quân Thái Bình vừa được chỉnh lý lại từ những lộ tàn binh, bại tướng và quân tiếp viện, thủy lục bài binh bố trận chờ sẵn dưới sự chỉ huy của Thạch Đạt Khai, và ở vào lúc đỉnh điểm cúa sự kiêu ngạo đắc chí của Tương quân, Thạch Đạt Khai, mới chỉ 25 tuổi, trước hết chia cắt thuyền lớn của thủy sư quân Thanh với thuyền nhỏ. Sau đó liên tục đánh đêm, công phá các nơi, tiếp tục phản công ngàn dặm, thu phục Vũ Hãn tam trấn, lại khi quân Thanh phản kích thì né thực đánh hư, chuyển chiến Giang Tây, đoạt được 8 phủ 42 huyện, vây khốn Tăng Quốc Phiên ở Nam Xương, hết đường xoay sở, danh hiệu quang vinh “Thiên Quốc đệ nhất danh tướng” của Thạch Đạt Khai, không có gì cần phải tranh luận.
Lúc này, Tăng Quốc Phiên lật giở cuốn “Tặc tình hối toản”, khi đọc tới “nhãi con sặc mùi tiền, chẳng chút tri thức”, không biết sẽ có cảm tưởng gì? “Tặc tình hối toản” là tổng hợp tình báo, thuộc về yêu cầu quân sự, nhưng bộ sách này sau này lại không được viết tiếp, nội dung của nó chỉ tới tháng 7 năm Hàm Phong thứ 5 (1855), tức nửa năm sau vụ binh bại ở Hồ Khẩu, mà Trương Đức Kiên, người biên soạn ra nó cũng không được trọng dụng, quan hàm cuối cùng mà lịch sử ghi lại chỉ là tức bổ huyện thừa hàm lục phẩm, phủ kinh lịch (theo như phẩm cấp huyện thừa thì chỉ có bát phẩm) – hoặc giả, những thông tin sai sót nghiêm trọng như kiểu về Thạch Đạt Khai là nguyên nhân dẫn tới việc cơ quan biên soạn thông tin tình báo bị giải tán?
Vai trò trong Thiên Kinh sự biến
Thiên Kinh sự biến là bước ngoặt quan trọng quân Thái Bình từ thịnh tới suy, “Thiên phụ sát Thiên huynh, giang sơn đánh không thông”, phần lớn lãnh tụ, cốt cán chết trong lần đó, ma lực tông giáo tiêu tán, tráng chí “đánh thiên hạ” suy giảm, mới là điều quan trọng nhất.
Ngoại trừ Hồ Dĩ Hoảng không sớm không muộn vừa khéo ốm chết trước sự kiện Thiên Kinh chi biến, chư vương xây dựng Thái Bình Thiên Quốc đều bị cuốn vào cuộc hỗn chiến này: trước tiên Hồng Tú Toàn hạ mật chiếu cho Vi Xương Huy giết Dương Tú Thanh, tiếp tục lại hạ mật chiếu bảo Thạch Đạt Khai cần vương, thảo phạt Vi Xương Huy, điều này không có gì cần tranh luận; trách nhiệm trong việc Vi Xương Huy giết Dương Tú Thanh rốt cuộc ai phải gánh tạm thời không bàn đến, sau khi diệt trừ Đông Vương, ông ta bị Thạch Đạt Khai chỉ trích là “lạm sát”, thẹn quá hóa giận, tắm máu phủ Dực Vương, phái Tần Nhật Cương truy sát Thạch Đạt Khai, tội danh này khẳng định là không thể chối bỏ.
Duy chỉ có vai trò của Thạch Đạt Khai là khó hiểu bất minh.
Theo như cách nói của Lý Tú Thành thì Thạch Đạt Khai và Vi Xương Huy bất bình thay cho Hồng Tú Toàn, đã hợp mưu giết chết Dương Tú Thanh trong hoàn cảnh mà Hồng không biết; Còn theo Thạch Đạt Khai thì Vi Xương Huy thấy Dương Tú Thanh chuyên quyền bèn thượng tấu Hồng Tú Toàn phải mật mưu diệt trừ Dương, Hồng “miệng nói không chịu”, nhưng lại cố ý gia phong cho Dương Tú Thanh làm “vạn tuế” để kích động Vi Xương Huy, cuối cùng dẫn đến Vi Dương tàn sát lẫn nhau. Còn theo sử liệu được phát hiện thì rõ ràng, trừ Dương là Hồng Tú Toàn hạ mật chiếu, để Vi Xương Huy, Tần Nhật Cương với người đứng đầu triều thần Trần Thừa Dung nội ứng ngoại hợp ra tay. Nhưng Thạch Đạt Khai có giống như ba người Vi Xương Huy trước sự việc nhận được mật chiếu hay không thì mỗi người nói một kiểu.
Bất kể có mật chiếu hay không, màn kịch lịch sử là, Vi Xương Huy ở Giang Tây, Tần Nhật Cương ở Đan Dương, ngày đêm khởi hành về Thiên Kinh giết chết Dương Tú Thanh, mà Thạch Đạt Khai lúc này lại vẫn đang ở tiền tuyến Hồ Bắc tác chiến với quân Thanh, hai tay ông không nhuốm máu người của mình. Được biết Vi Xương Huy đại khai sát giới, ông chỉ mang theo hai người là Tăng Cẩm Khiêm, Trương Toại Mưu vội vàng trở về Thiên Kinh khuyên can, kết quả là bị Vi Xương Huy thẹn quá hóa giận giết hại toàn gia, ba người phải leo thành bỏ trốn, rồi lập tức triệu hồi đại quân Tây chinh thảo phạt Vi Xương Huy, nhưng khi hành quân được nửa đường biết tin Ninh Quốc bị quân Thanh vây khốn, bèn lo cho đại cuộc giải vây cho Ninh Quốc trước. Vi Xương Huy làm ngược lại dẫn tới sự phẫn nộ trong thành Thiên Kinh, Hồng Tú Toàn dùng kế trừ khử được hắn, cho người mang thủ cấp tới và mời Thạch Đạt Khai về triều phụ chính.
Thị phi chuyện “viễn chinh” và “hồi triều”
Ngày 2 tháng 6 năm 1857, sau hơn nửa năm nắm quyền phụ chính, Thạch Đạt Khai mượn cớ đến Vũ Hoa đài ở ngoài cửa nam thành Thiên Kinh để “giảng đạo lý”, mang theo tùy tùng thân tín rời khỏi Thiên Kinh, trong ngày hôm đó từ Đồng Lăng, An Huy vượt sông Trường Giang, đi về An Khánh, từ đó không bao giờ trở về nữa.
Hành vi này của ông, quan thư Thái Bình Thiên Quốc hay tự mình viết đều gọi đó là “viễn chinh” chứ không gọi đó là bỏ trốn hay tạo phản – chí ít là bề ngoài tỏ ra như vậy, và quân đội của Thạch Đạt Khai tuy rằng càng đi càng xa, cuối cùng cách xa Thiên Kinh vạn dặm nhưng thủy chung vẫn kéo cờ hiệu Thái Bình Thiên Quốc, bản thân Thạch Đạt Khai vẫn luôn tự xưng là “chân thiên mệnh Thái Bình Thiên Quốc thánh thần điện thông quân chủ tướng Dực Vương Thạch”, đến chết không đổi.
Vì sao ông phải bỏ đi, lí do là rất rõ ràng.
Sau khi ông bỏ đi, dọc đường có dán một bản cáo thị văn vần ngũ ngôn:
Vi lịch phẫu huyết thành, chuân dụ chúng quân dân: Tự hận vô tài trí, Thiên ân quý hà thâm. Duy thỉ trung trinh chí, thượng khả đối hoàng thiên, hạ khả chất cổ nhân. Khứ tuế tao họa loạn, lang bá cản hồi Kinh, tự vị thử ngu trung, định mông thánh quân minh. Nãi sự hữu bất nhiên, chiếu chỉ giáng tần nhưng, trùng trùng sinh nghi kỵ, nhất bút nan tận trần. Dụng thị tự phấn lịch, xuất sư tái biểu chân, lực thù Thượng đế đức, miễn báo chủ ân nhân. Tinh trung nhược kim thạch, lịch cửu kiến chân thành. Duy kỳ yêu diệt tận, dư chí phục quy lâm. Vị thử hành chuân dụ, biến cáo chúng quân dân: Y nhiên thủ bổn phận, chiếu cựu kiến công lao. Hoặc tùy bổn chủ tướng, diệc túc tiêu nguyên huân, nhất thống thái binh nhật, các yêu thiên ân vinh.
Trong bản cáo thị lời lẽ uyển chuyển đau xót, ông nói mình tuy trung thành với Thái Bình Thiên Quốc nhưng lại không nhận được sự tín nhiệm của Hồng Tú Toàn, ngược lại còn sinh lòng nghi kỵ, đành phải rời bỏ Thiên Kinh, dùng hành động thực tế để chứng minh tấm lòng của mình.
Theo cách nói của Lý Tú Thành thì Hồng Tú Toàn bị những kẻ như Dương Tú Thanh, Vi Xương Huy “làm cho sợ hãi”, không dám tin tưởng người ngoài bèn đề bạt hai người anh của mình là Hồng Nhân Phát, Hồng Nhân Đạt làm An Vương và Phúc Vương lại sắp xếp một lượng lớn thân thích, cận thần nắm giữ cương vị quan trọng, để kiềm chế Thạch Đạt Khai, những kẻ này năng lực có hạn nhưng mánh khóe thì vô cùng, khiến Thạch Đạt Khai cảm thấy sự uy hiếp vô cùng.
Thạch Đạt Khai nói mình bỏ đi lánh nạn tuyệt đối không phải chuyện người nước Kỷ lo trời sập. Hồng Tú Toàn chỉ dùng một bức mật chiếu đã có thể giết cả nhà Dương Tú Thanh, nhân vật lợi hại có thể lên trời, lại cũng chỉ dùng một bức mật chiếu đã khiến kẻ đang say máu chém giết như Vi Xương Huy trong chớp mắt phải diệt vong. Nếu ông ta thật sự cảm thấy Thạch Đạt Khai hình thành sự uy hiếp mà có ý gia hại, Thạch Đạt Khai ở Thiên Kinh rất khó phản kháng, vì Hồng Tú Toàn là quân, Thạch Đạt Khai là thần, phản kháng tức là mưu phản.
Đương nhiên, ông vẫn còn hai sự lựa chọn: tạo phản hoặc hàng Thanh.
Nếu tạo phản, ông với Vi Xương Huy, kẻ mà ông công khai phản đối đâu khác gì nhau, thực sự trở thành tội nhân tàn hại đồng liêu, phản bội Thiên Quốc, điều này không phù hợp với tính cách coi trọng trung nghĩa của ông. Càng huống hồ, từ khi Bái Thượng đế giáo nổi lên, Hồng Tú Toàn chính là thần tượng của Thái Bình Thiên Quốc, cho dù rất nhiều tướng sĩ bất mãn với những hành vi của ông ta, nhưng thật sự muốn tạo phản thì lại là chuyện khác. Đến lúc “Nghĩa Vương bất nghĩa”, các tướng sĩ trước đây ủng hộ Thạch Đạt Khai chưa chắc đã không trở giáo.
Con đường đầu hàng quân Thanh, không ít vật hi sinh chính trị cùng đường quả thực cũng đã chọn, như Vi Tuấn, em trai của Vi Xương Huy. Nghe nói khi Thái Bình Thiên Quốc nảy sinh nội loạn, tuần phủ Giang Tây Phúc Tề, Tương quân đại tướng Lý Nguyên Độ đều viết thư khuyên hàng Thạch Đạt Khai, thậm chí tại miền bắc xa xôi, đương bị cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ hai làm cho sứt đầu mẻ trán nhưng vua Hàm Phong cũng hạ ý chỉ đặc biệt tìm cơ hội du thuyết. Nhưng Thạch Đạt Khai là “nghĩa vương”, lấy trung thành với Thái Bình Thiên Quốc để hiệu triệu, ông đã không chịu khởi binh tạo phản thì đương nhiên cũng không chịu đầu hàng kẻ địch.
Thế này không được, thế kia không xong, đã không thể tạo phản, lại muốn bảo toàn tính mạng, còn phải ăn nói với bộ hạ đi theo, vậy thì một hướng đi chính đáng – rời Kinh viễn chinh, giữ mối quan hệ nhất định với Hồng Tú Toàn, trở thành sự lựa chọn tối ưu. Từ những sử liệu hiện thời có thể thấy, sau khi Thạch Đạt Khai viễn chinh trước sau vẫn duy trì liên hệ cách quãng với Thiên Kinh. Trong thời gian ông ở An Khánh vẫn có thể lấy danh nghĩa “thông quân chủ tướng” điều động đại bộ phận quân Thái Bình, phản công Hoản Bắc, cứu viện Cửu Giang, đều là chấp hành kế hoạch của ông; Sau khi ông vượt sông nam hạ, Hồng Tú Toàn phái người đưa tới kim bài và kim ấn Nghĩa Vương, mời ông quay về giúp Thiên Kinh, tuy rằng ông không tiếp nhận phong hiệu Nghĩa Vương nhưng trình thư lên Hồng Tú Toàn, kiến nghị để mình đi đánh Chiết Giang, phân tán binh lực của đại doanh Giang Nam, lại một lần nữa giải vây. Điều này trên thực tế giống hệt với “nét đắc ý của giặc” trong “vây Ngụy cứu Triệu” mà sau này Lý Tú Thành áp dụng để đại phá đại doanh Giang Nam.
Ông cũng đích thực có bao vây Cù Châu, tiến đánh Chiết trung. Tới năm 1859, Hồng Nhân Can được phong vương, lĩnh ấn quân sư, nghe nói ông vẫn từ Quảng Tây viết thư chúc mừng, và muốn thương nghị cùng Hồng Nhân Can, Lý Tú Thành nam bắc hội quân, thu phục Quảng Tây.
Những kế hoạch phối hợp này cuối cùng không thể thực hiện được. Một mặt, Thanh đình đã kịp trở tay phát huy tối đa ưu thế đất rộng, quân nhiều, trang bị tốt, lương hưởng đầy đủ, chia cắt hai cánh quân Thái Bình, quân chủ lực Thái Bình nắm giữ căn cứ địa và đường thủy vẫn còn có thể gắng sức chèo chống, Thạch Đạt Khai không có căn cứ địa cố định, chỉ có thể không ngừng tác chiến lưu động, hết lần này đến lần khác cố gắng xây dựng lại căn cứ địa, đâu có thời gian phối hợp tác chiến; Mặt khác, Hồng Tú Toàn cũng không muốn Thạch Đạt Khai tái xuất uy phong, trận đánh Chiết nam, trước tiên ông ta trùng phong 5 chủ tướng, trên thực tế là tước bỏ quyền chỉ huy toàn quân của Thạch Đạt Khai, tiếp đó lại lôi kéo thuộc hạ cũ của Đông Vương là Dương Phụ Thanh, người kề vai chiến đấu cùng Thạch Đạt Khai, phong Dương Phụ Thanh làm trung quân chủ tướng, khiến người này bỏ kế hoạch phối hợp với Thạch Đạt Khai, quay về đầu quân Thiên Kinh. Đợi đến khi Thạch Đạt Khai bị ép từ bỏ kế hoạch nam hạ, cách Thiên Kinh ngày càng xa, Hồng Tú Toàn lại giở quyền thuật chính trị xe nhẹ đường quen, ít tốn sức, bề ngoài thì vẫn giữ phong hiệu Dực Vương của Thạch Đạt Khai, thậm chí còn gia phong “điện tiền lại bộ hựu chính thiên liêu công trung hựu phó quân sư”, không gọi Thạch Đạt Khai là phản nghịch, ngầm trong đó lại thủ tiêu kị húy tên họ của Thạch Đạt Khai, thủ tiêu đi những phong hiệu nửa người nửa thần như “Thánh thần điện”, “Điện sư”, “Thiên phụ đệ lục tử”, “Ngũ thiên tuế”, khiến ông trở thành hạng triều thần phổ thông địa vị còn dưới cả Hồng Nhân Phát, Hồng Nhân Đạt, Hồng Nhân Can, thậm chí cả dưới cả bọn con cháu phò mã miệng còn hôi sữa của Hồng Tú Toàn. Đến trước và sau năm 1860, rất nhiều tướng sĩ quân Thái Bình đi theo Thạch Đạt Khai nam hạ đã quay về Thiên Kinh mà Thiên Kinh vừa phá được đại doanh Giang Nam, trước sau chiếm được Tô nam, Chiết Giang, thực lực đạt tới cực thịnh giai đoạn hậu kỳ thì trong mắt Hồng Tú Toàn, Thạch Đạt Khai chẳng còn chút giá trị gì.
Rất nhiều nhà lý luận thừa nhận sự lo lắng của Thạch Đạt Khai là có lý, nhưng lại không đồng tình với việc ra đi của ông, cho rằng Thạch Đạt Khai nên ép dạ cầu toàn, tiếp tục đi theo Hồng Tú Toàn để tránh chia rẽ; Một số người khác thì dựa vào “bản cung của Lý Tú Thành”, cho rằng Thạch Đạt Khai đã đem đi “quân giỏi tướng tài” khiến cho “Thiên Quốc không còn người”. Ép dạ cầu toàn là phi thực tế, ở trên đã phân tích rồi, vậy thì, Thạch Đạt Khai đã mang đi rất nhiều “quân giỏi tướng tài” ư?
Khi Thạch Đạt Khai ra đi từ Vũ Hoa Đài, bên mình chỉ có một số ít tùy tùng; Khi ông ở An Khánh vẫn là thông quân chủ tướng, chấp chưởng quân quyền, nhưng khi vượt sông đến Giang Tây, đi theo ông cũng chỉ có số ít bộ hạ như Trương Toại Mưu, chủ lực quân Thái Bình ở Hoản Bắc như Trần Ngọc Thành, Lý Tú Thành, Trần Sỹ Chương (cũng là quân cơ động quan trọng nhất thời kỳ này của Thiên Quốc) đâu có đem theo, cũng đâu điều động quân địa phương – các nguyên lão, lão tướng quân Thái Bình thời hậu kỳ đều là ở Hoản Bắc, thống soái thủy quân thời kỳ đầu Khang Chính Tài, Hầu Dụ Khoan từng là đầu bếp của Thiên Vương, quan điện tiền giám trảm Ngụy Siêu Thành, từng quản lý Thánh khố Hầu Thục Tiền, thân thích của Hồng Tú Toàn như Trương Triều Tước luôn ở địa bàn này cho tới khi Anh Vương Trần Ngọc Thành binh bại, cứ điểm Hoản Bắc bị mất; Khi ông từ Giang Tây tiến quân vào Chiết Giang, Phúc Kiến, lục bộ nhân mã mà ông dẫn theo trên cơ bản là bộ thuộc cũ của Quốc tông và Dực điện, vốn không phải thuộc hạ của ông cùng liên hiệp tác chiến, ngoại trừ Dương Phụ Thanh, bộ thuộc cũ của Đông điện thì chỉ có số ít người bất mãn và không có tên tuổi như Lý Thọ Huy, Lý Dự Sinh, những đại tướng ở Giang Tây không thuộc hệ thống Dực điện như Lâm Khởi Dung ở Cửu Giang, Hoàng Văn Kim, Lý Viễn Kế đều không bị ông điều động. Càng huống hồ, đánh Chiết Giang phải báo cáo Thiên Kinh và nhận được sự phê chuẩn của Hồng Tú Toàn, ông ta là thông quân chủ tướng, điều động các lộ nhân mã phối hợp cũng không có gì là không thỏa đáng.
Đương nhiên, do uy tín cao cả của Thạch Đạt Khai, cũng như rất nhiều tướng sĩ bất mãn với Hồng Tú Toàn, tướng sĩ ở rất nhiều quận huyện ở Hoản Nam ào ạt tự bỏ nơi trú đóng đi theo Thạch Đạt Khai, tạo nên sự hỗn loạn ở rất nhiều nơi, những vùng như Cú Dung, Lật Thủy chính là trong lúc hỗn loạn này bị quân Thanh thừa cơ đánh phá. Nhưng trách nhiệm này e rằng không thể do Thạch Đạt Khai đơn phương gánh vác được.
Hai ba năm sau, cục diện thay đổi: ngàn vạn tướng sĩ ban đầu đi theo Thạch Đạt Khai, lại xa xôi vạn dặm trở về Thiên Kinh, tự xưng là “hồi triều”, “khởi nghĩa”, 67 viên tướng lĩnh “hồi triều” như Cát Khánh Nguyên, Chu Y Điểm dâng thư lên Hồng Tú Toàn, giải thích hành động của mình là “khởi nghĩa xuất giang”, là do bất mãn Thạch Đạt Khai “sửa đổi nhiều chân thánh chủ quan chế lễ văn” và tự ý hành động ở Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến.
Bí ẩn về sự sống chết của Thạch Đạt Khai
Ngày 13 tháng 6 năm 1863, Thạch Đạt Khai bị vây khốn ở sông Đại Độ đã lâm vào tuyệt địa, để bảo toàn tính mạng cho thuộc hạ, đã tự động đến đại doanh quân Thanh để đầu hàng, ngày 25 tháng 6, khảng khái tựu nghĩa tại Thành Đô, trước khi chết còn nói dõng dạc, mặt không chút sợ hãi, khi phải chịu cực hình lăng trì không những chẳng kêu một tiếng, còn khuyên can thuộc hạ Tăng Sĩ Hòa vì quá đau đớn không chịu nổi mà rên la, khiến ngay cả đến quan viên, mạc liêu nhà Thanh tận mắt chứng kiến đều cực kỳ khâm phục.
Nhưng Thạch Đạt Khai rốt cục đã chết hay chưa, phương diện Thanh triều, quân Thái Bình lúc đó đều có không ít kẻ mang mối hoài nghi, đến mức ngay đến cả người xử chết Thạch Đạt Khai là Lạc Bỉnh Chương cũng phải nhiều lần giải trình với Hoàng đế, Thạch Đạt Khai mà mình giết là thật, tuyệt đối không thể là giả (năm 1852 tuần phủ Hồ Nam Trương Lượng Cơ từng hoang báo là “đánh trận giết chết” Thạch Đạt Khai ở Trường Sa), còn những người như Tăng Quốc Phiên, Thẩm Bảo Trinh từ đầu đến cuối vẫn nghi ngờ, đến mức năm lần bảy lượt truy vấn tù binh Lý Tú Thành, Thạch Đạt Khai đã chết hay chưa?
Có điều vào thời Thanh mạt lại quả thực có rất nhiều hội đảng, quân cách mạng ở Tứ Xuyên giả mượn danh nghĩa của Dực Vương để hiệu triệu. Đương nhiên, thời gian qua đã lâu, bọn họ giả thác là hậu nhân, cựu thuộc hạ, kẻ kế thừa của Thạch Đạt Khai. Tới thời Dân Quốc quân phiệt hỗn chiến, một viên Đoàn trưởng xuất thân thổ phỉ Thạch Định Vũ tự xưng là hậu đích của Thạch Đạt Khai, phái binh bao vây phủ đệ của hậu nhân tướng Thanh Đường Hữu Canh, người trước kia vây khốn Thạch Đạt Khai, cướp đi những di vật của Thạch Đạt Khai mà Đường phủ lưu giữ. Một di chứng lớn khác của những truyền thuyết này chính là đủ loại truyền thuyết về “kho báu của Dực Vương”, liên tiếp những năm trước có kỳ nhân giang hồ kéo cờ hiệu “tiến kinh hiến bảo”, hiến lên chính là cái gọi là “Dực Vương cất vào hầm”, đương nhiên chẳng có món nào được quy ra tiền mặt.
Khi Thạch Đạt Khai đến bước đường cùng đã đề thơ lên vách đá “đại quân phạt thực khất thùy thiếu, tung tử Nga giang định bất hàng”, nhưng cuối cùng ông vẫn “đầu hàng”, cũng vì thế mà một dạo bị biếm là “phản đồ”, một số người không cam tâm rằng thần tượng của mình “đầu hàng” thì một mực rằng Thạch Đạt Khai “trá hàng”.
Ông có “trá hàng” hay không, không bằng vô cứ, chẳng cách nào chứng thực hoặc làm sai lệch, nhưng việc “đầu hàng” của ông, theo như lời ông viết trong thư gửi Lạc Bỉnh Chương, thì “xả mệnh vì ba quân”, trong tình huống không có hi vọng phá vây đã hi sinh thân mình để bảo toàn tính mạng của thuộc hạ, đây là sự thể hiện “nghĩa khí” mà ông trước nay luôn đề cao. Nói từ một ý nghĩa nào đó thì ông đã đạt được một phần mục đích, thuộc hạ bị vây khốn của ông đông tới mấy ngàn người được sống sót.