Ngày nay người ta thường gọi các cô gái chưa lấy chồng con nhà giàu có, quyền quý là “Thiên kim tiểu thư”. Ít ai biết rằng cụm từ “Thiên kim” ban đầu là dùng để chỉ nam tử xuất chúng. Ngoài ra, nó còn liên quan đến một câu chuyện cảm động về Ngũ Tử Tư.
Từ “Thiên kim” (Ngàn vàng) thực ra bắt nguồn từ đơn vị tiền tệ thời cổ đại. Vào 2000 năm trước, triều đại nhà Tần quy ước 1 Dật bằng 1 Kim (Dật là đơn vị chủ yếu thời cổ đại. 1 dật = 22 hoặc 24 lượng). Đến thời nhà Hán quy ước rằng một cân vàng là một kim.
Vào thời Tần Hán, kim phần lớn là chỉ đồng thau. Thời ấy, từ thiên kim được hiểu là đồng thiên kim. Người đời sau dùng từ thiên kim để biểu đạt sự quý giá, giá trị, như “một lời nói đáng giá ngàn vàng”, “một vật ngàn vàng”, “một chữ ngàn vàng”, “một khắc ngàn vàng”, “bát cơm ngàn vàng”… Những từ này đều là để nói lên giá trị của những thứ ấy.
Trong quan hệ xã hội, dần dần, người ta gọi các cô gái chưa lấy chồng con nhà quyền quý là “Thiên kim tiểu thư” (cô gái ngàn vàng) để biểu thị sự tôn trọng. Nhưng đến ngày nay cách gọi này là phổ biến chung cho tất cả các cô gái chưa lấy chồng.
“Thiên kim” lúc ban đầu là chỉ trang nam tử xuất chúng
Từ “thiên kim” lần đầu tiên xuất hiện trong sách “Nam sử”. Tạ Trang là một nhà văn nổi tiếng triều Lương vào thời Nam triều. Ông có một đứa con trai tên là Tạ Phỉ. Cậu bé Tạ Phỉ mới chỉ mười tuổi đã có thể xuất khẩu thành chương.
Một lần, Tạ Trang dẫn theo cậu con trai đi cùng Hoàng đế đến Tô Châu dạo chơi. Trong lúc dạo chơi, Hoàng đế nghe nói Tạ Phỉ rất có tài hoa, liền bảo cậu ngay tại chỗ ấy hãy viết một bài thơ.
Tạ Phỉ múa bút một cái liền viết xong bài thơ. Hoàng đế rất đỗi kinh ngạc: “Cậu bé này thật đúng là thần đồng”. Tể tướng Vương Cảnh Văn đứng bên cạnh cũng chúc mừng Tạ Trang: “Hiền tử xứng đáng được gọi là thần đồng, sau này nhất định sẽ trở thành người hiển đạt”.
Tạ Trang nghe xong những lời ấy, thấy mừng rỡ như mở cờ trong bụng, ông vỗ vào lưng của con trai và nói: “Thật đúng là thiên kim của nhà ta!”
Sau này, Tạ Phỉ lớn lên không chỉ trở thành văn học gia, mà còn làm đến chức quan Thượng thư lệnh. Mấy trăm năm sau kể từ đó, từ “thiên kim” vẫn luôn được dùng để hình dung trang nam tử xuất chúng hơn người, tài đức vẹn toàn.
Truyền thuyết Thiên kim tiểu thư
Thiên kim tiểu thư được dùng để hình dung về người con gái bắt đầu từ triều đại nhà Nguyên. Trong tạp kịch “Tiết Nhân Quý vinh quy cố lý” có viết: “Ta là một cô gái thứ dân, cô là thiên kim tiểu thư con nhà quan lại”. Trong các tiểu thuyết vào đời nhà Minh, Thanh trở về sau, các cô gái con nhà giàu có thường được gọi là “Thiên kim”. Cũng từ đó, “Thiên kim tiểu thư” được dùng cho đến ngày nay.
Liên quan đến từ Thiên kim tiểu thư còn có một truyền thuyết được viết trong “Ngô Việt xuân thu” như sau:
Vào khoảng năm 528 TCN, Sở Bình Vương nghe lời sàm tấu, tịch thu toàn bộ tài sản và giết chết hơn 300 người nhà của đại tướng Ngũ Xa, duy chỉ có Ngũ Viên (Ngũ Tử Tư) là may mắn thoát nạn.
Ngũ Tử Tư tìm đường trốn sang biên giới nước Ngô, bị quân lính rượt đuổi đến bờ sông Lật Thủy. Lúc ấy, Ngũ Tử Tư bụng đói cồn cào nhìn thấy một người thiếu nữ giặt lụa bên bờ sông, liền đi đến xin miếng cơm ăn.
Người thiếu nữ giặt lụa này nhìn người đàn ông ăn xin, tuy gương mặt mỏi mệt, nhưng giữa hai hàng chân mày lại lộ ra một luồng anh khí. Biết ông không phải là người tầm thường, cô gái liền đem cơm thừa và nước canh cho ông lót dạ, rồi chỉ cho Ngũ Tử Tư biết con đường thông đến nước Ngô.
Ngũ Tử Tư đi được một đoạn liền quay đầu lại nhìn một cái, thấy cô gái giặt lụa vẫn đứng ở chỗ cũ, trong lòng nghi hoặc, liền quay người lại. Cô gái biết tâm ý của ông, bèn nói: “Tôi là một cô gái chưa chồng, trò chuyện với người đàn ông xa lạ, lại cho ông cơm ăn, vốn đã là không hợp với lễ nghi rồi, tôi vốn dĩ cũng đã không còn mặt mũi nào để sống trên đời này nữa, sau khi tôi chết rồi, hành tung của ông cũng sẽ không bị tiết lộ”. Nói xong, cô gái liền nhảy xuống sông Lật Thủy.
Ngũ Tử Tư thấy tình cảnh ấy, đau xót không thôi. Ông cắn đứt ngón tay, viết huyết thư trên đá: “Nàng giặt lụa, ta ăn xin, ta bụng no, nàng thân chìm. Mười năm sau, nghìn vàng báo ân!”.
Về sau, Ngũ Tử Tư đã làm tướng quốc nước Ngô. Ngô vương dẫn theo đội quân tinh nhuệ tiến công đánh nước Sở. Năm 506 TCN, Ngũ Tử Tư “đào mộ của Sở Bình Vương, đánh vào thi thể ba trăm roi”.
Sau khi Ngũ Tử Tư trả được thù lớn, lại nghĩ đến việc báo ân, nhưng khổ nỗi không biết địa chỉ nhà của cô gái ở đâu. Thế là Ngũ Tử Tư đã đem nghìn vàng thả xuống nơi mà cô gái nhảy sông ngày trước. Cũng bởi vậy mà từ đó đã có câu “thiên kim tiểu thư” này.