Cùng với Tháp Bảo thiên ở Kinh đô Thăng Long, tháp Tường Long (phường Ngọc Xuyên, Đồ Sơn) chiếm vị trí đầu bảng trong hàng nghìn công trình Phật giáo được xây dựng dưới thời Lý (1010-1225). Từ trên cao nhìn xuống, bán đảo Đồ Sơn giống như 9 con rồng đang vươn ra biển lớn. Tháp Tường Long tọa lạc trên đỉnh núi Long Sơn, ngọn núi cao nhất trong dãy Cửu Long của bán đảo Đồ Sơn. Với vị trí xây dựng trên ngọn núi cao 128m so với mực nước biển, tháp Tường Long cũng được coi là ngọn tháp cao nhất so với các công trình kiến trúc thời bấy giờ.
|
Tháp Tường Long, ngọn tháp “rồng vàng hạ thế”. Ảnh: Đức Nghĩa |
Tháp Tường Long linh thiêng và huyền bí. Theo sách “Đại Việt sử lược” vào năm Mậu Tuất 1058, vua Lý Thánh Tông sau khi ngự giá qua biển Ba Lộ đã dừng chân ghé lại nơi đây xây dựng tháp. Sau đó, Người nằm mộng thấy rồng vàng, nghĩ đây là điềm lành nên ban cho ngọn tháp cái tên Tường Long, nghĩa là “Thấy rồng vàng hiện lên” hay “rồng vàng hạ thế”.
Không chỉ là một danh lam, ngọn tháp quý còn là một địa điểm thể hiện thời kỳ vàng son của đạo Phật Việt Nam. Tương truyền, tháp là nơi “tụ sơn tích thủy” nên thu giữ được khí thiêng của trời đất. Ngọn tháp nhiều tầng như một chiếc cột phát sáng rực rỡ, chiếu rọi đạo pháp đến mọi người thời bấy giờ, đồng thời phản ánh sự hội nhập và khẳng định Phật giáo đã phát triển đến thời đỉnh cao.
|
Pho tượng Phật A Di Đà tại tầng một của tòa tháp. Ảnh: Phương Thanh |
Tháp cũng là trạm giao thông liên lạc từ xa gắn với an ninh quốc phòng của quốc gia. Người dân có thể sử dụng khói lửa làm phương tiện thông tin. Trạm giao liên này đồng thời được coi như một vọng gác vững chắc bảo vệ vùng trời, vùng biển ở ven biển của miền Đông Bắc Tổ quốc ta thời bấy giờ. Ngày nay, địa danh này đã được TP Hải Phòng công nhận là điểm du lịch vào năm 2021.
Bà Lưu Thị Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch và quản lý di tích lịch sử quận Đồ Sơn cho biết: Trải qua hàng nghìn năm, tháp Tường Long chỉ tồn tại dưới dạng di tích khảo cổ học. Phế tích chỉ là nền móng tháp hình vuông, lòng tháp rỗng. Nhờ những nhát xẻng, cuốc của bộ đội, dân quân Đồ Sơn thời chống Mỹ cứu nước đào giao thông hào, xây dựng trận địa pháo phòng không đã chạm vào nền tháp cổ, làm bật tung lên những viên gạch quý lạ, trên một mặt có dòng chữ Hán in nổi trong một khung hình chữ nhật “Lý gia đệ tam đế, Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”. Dòng chữ ấy có nghĩa là thời trị vì của vua Lý Thánh Tông, có niên hiệu Long Thụy Thái Bình.
|
Lễ Khai bút đầu xuân tại chân tháp. Ảnh: Phương Thanh |
Sau nhiều lần tu bổ, khai quật để tìm hiểu về kiến trúc thời Lý, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hình hài nền móng tháp, nhiều di vật quý còn sót lại. Năm 2017, sau 10 năm khởi công phục dựng, tòa tháp được khánh thành, cao 9 tầng. Bốn góc của chân tháp có độ nghiêng khoảng 190 độ. Vỏ tháp được xây dựng bằng gạch gốm, cách trang trí mang đặc trưng của thời Lý với các hoa văn, họa tiết như đóa sen, đóa cúc, hoa chanh… rất tinh xảo và mềm mại. Ngoài ra, tháp Chùa Tường Long còn có hệ thống tượng Phật, chuông đồng có giá trị lịch sử, đặc biệt là pho tượng Phật A Di Đà bằng đá ngọc thạch nguyên khối đặt trong tầng một của tòa tháp.
Năm 2018, khu trưng bày hố khảo cổ tại chân tháp Tường Long được hoàn thành, trở thành một điểm nhấn thu hút du khách. Trên nền móng hố khảo cổ được chia thành hai khu, một khu trưng bày hiện vật được phục dựng để xây dựng tháp mới, khu còn lại để bài trí những hiện vật từ năm 1058 như: ngói lòng máng, ngói mũi hài, mảnh đất nung khắc hình rồng, tượng uyên ương, mảnh đầu rồng… Những hiện vật có hàng nghìn năm tuổi là tài liệu đắt giá, là nơi giúp du khách cũng như nhân dân có thể “chạm” tới lịch sử xưa kia. Theo thống kê, trong năm 2023, có khoảng 20 vạn khách đã tới chiêm ngưỡng loạt hiện vật cổ hàng nghìn năm tuổi tại ngọn tháp quý này.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tháp Tường Long ngày nay được xem như “kỳ quan mới” của quận Đồ Sơn và trở thành địa chỉ tiêu biểu của văn hóa Việt Nam thời Lý - Trần trên vùng đất Hải Phòng với các giá trị quý giá về kiến trúc, hội họa, lịch sử.