9 tầng tháp quỷ có thực sự tồn tại hay không?
Chín tầng tháp quỷ hay còn được biết đến với cái tên cửu tầng yêu tháp là một tàn tích bí ẩn xuất hiện trong tiểu thuyết đạo mộ "Ma thổi đèn" ở Trung Quốc. Đặc biệt, với những ai yêu thích series phim đạo mộ, phần phim "Ma thổi đèn: Chín tầng yêu tháp" từng được dựng thành phim rất thành công.
Hình ảnh miêu tả "chín tầng yêu tháp" trong phim. Ảnh Internet.
Vậy chín tầng tháp quỷ này liệu có thật sự tồn tại hay không là dấu chấm hỏi lớn với người hâm mộ đặc biệt là giới khảo cổ học.
Theo Sohu, chín tầng tháp quỷ là có thật. Nhiệt Thủy nhất hào đại mộ ở Thanh Hải, Trung Quốc được biết đến là phiên bản ngoài đời thực của chín tầng yêu tháp. Nhóm khảo cổ học đã khai quật được nhiều lễ vật hiến tế động vật trong đó.
Nhiệt Thủy nhất hào đại mộ là lăng mộ lớn nhất và cao cấp nhất trong số các lăng mộ ở Trung Quốc. Nhiệt Thủy mộ nằm ở huyện Đô Lan, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. Đây là khu vực tập trung nhiều lăng mộ của đế quốc Tây Tạng trên cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng từ đầu thế kỷ thứ 7 đến giữa thế kỷ thứ 9. Các ngôi mộ phân bổ ở hai bên bờ sông, có hơn 160 ngôi mộ ở bờ bắc và hơn 130 ngôi mộ ở bờ nam. Nhóm lăng mộ được phát hiện vào năm 1982. Năm 1996, nơi đây được xếp hạng là đơn vị bảo vệ di tích văn hóa trọng điểm quốc gia Trung Quốc.
Khu quần thể lăng mộ được ví như chín tầng yêu tháp. Ảnh Internet.
Được biết, nhóm khảo cổ đã khai quật được nhiều lễ hiến tế động vật trong đó có 87 con ngựa hoàn chỉnh được sắp xếp theo thứ tự đặc biệt. Ngoài ra, phía trên quần thể lăng mộ có mộ địa đất rất cao nên trong dân gian mới lưu truyền cách gọi "chín tầng tháp quỷ".
Theo Sohu, ngôi mộ lớn nhất trong nhóm lăng mộ là Nhiệt Thủy nhất hào đại mộ hay còn gọi là đại mộ huyệt vị số 1. Mặt tiền của các ngôi mộ đều có hình thang xếp chồng lên nhau trên một bệ hình thang được hình thành bởi ngọn núi tự nhiên bên dưới. Đại mộ huyệt vị số 1 là lăng mộ lớn nhất, cấp cao nhất trong toàn bộ nhóm lăng mộ, thậm chí trong toàn bộ khu vực Thanh Hải, gần ngang với cấp độ lăng mộ hoàng gia. Các ngôi mộ cỡ nhỏ và vừa khác được xây dựng xung quanh nó.
Qua nghiên cứu, quần thể lăng mộ này thuộc về vương thất người dân tộc Thổ Dục Hồn. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng chứng minh chúng được xây dựng vào thời điểm nào.
Ảnh Internet.
Theo các nhà khảo cổ học suy đoán, lăng mộ này có niên đại từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 8, tương đương với thời kỳ đầu nhà Đường ở Trung Nguyên. Về danh tính thực sự của chủ nhân ngôi mộ vẫn chưa có kết luận. Một số học giả đã đọc những ghi chép bằng văn bản cổ Tây Tạng ở Đôn Hoàng và tin rằng chủ nhân của ngôi mộ có thể là Đạt Diên Trì đã chết vào năm 694. Ông được phong thánh sau khi Thổ Phồn sáp nhập vào Thổ Dục Hồn.
Theo văn hóa tang lễ của người Thổ Dục Hồn, con người sau khi chết phải có động vật tuẫn táng, phong tục này được gọi là tuần sinh. Chịu ảnh hưởng văn hóa của người Thổ Phồn, người Thổ Dục Cốc tin rằng, khi con người chết đi, động vật phải dùng để hiến tế. Có như vậy, linh hồn của người chết mới được cứu rỗi.
Do đó, khi khai quật lăng mộ đại mộ huyệt vị số 1, người ta vẫn có thể thấy các di tích của những con thú, loài vật được hiến tế còn sót lại. Ở hướng Đông Tây có 87 con ngựa còn nguyên vẹn, ngoài ra còn có xương của những loài động vật, gia súc khác như trâu, bò, chó... Những hố chôn này được đặt ở hai bên mộ với đầu các loại gia súc, móng gia súc, chó và các loài động vật khác.
Do có một lượng lớn các loại gia súc, động vật được chôn cất ở đây nên mặt đất phía trên trở nên cao bất thường. Câu nói "chín tầng tháp quỷ" cũng xuất phát từ đây và lưu truyền trong dân gian.