Tháp Elizabeth hay thường gọi là Big Ben, vốn là tháp đồng hồ nổi tiếng ở thủ đô London, Anh. Được biết, năm 2012 tháp mới đổi sang tên Elizabeth nhằm tôn vinh Nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Tòa tháp rộng 12m, cao 96m, nhìn xuống tòa nhà Quốc hội dọc theo sông Thames. Suốt hơn một thế kỷ trôi qua, tòa tháp đã trở thành biểu tượng văn hóa nước Anh, được công nhận trên toàn thế giới. Công trình trở thành Di sản Thế giới của UNESCO từ năm 1987.
Có gì trong tháp đồng hồ đạt độ chính xác từng giây suốt hơn 150 năm?
Về mặt kỹ thuật, Big Ben là tên quả chuông lớn nhất bên trong tháp đồng hồ, nặng 13,7 tấn. Đây là quả chuông được đúc ở miền bắc nước Anh. Nó suýt bị đánh chìm trong một cơn bão biển khi được vận chuyển bằng tàu tới London.
Tháp đồng hồ Big Ben từ lâu trở thành một trong những biểu tượng không thể thiếu khi tới thủ đô London (Ảnh: Travel).
Tháp được khởi công xây dựng vào năm 1840, mất hơn 10 năm để hoàn thành. Vào tháng 6/1846, một nhà thiên văn học hàng đầu nước Anh đã đưa ra các điều kiện để tạo ra chiếc đồng hồ, trong đó yêu cầu nhà sản xuất phải tạo ra loại có thể chạy chính xác tới từng giây.
Đồng hồ Big Ben được chế tạo có độ chính xác cộng trừ 2s/tuần. Để đạt độ chính xác như trên thực sự rất khó vì kim đồng hồ Big Ben dài hơn 4m, hơn nữa nó lại tiếp xúc hoàn toàn với thời tiết bên ngoài. Sau 8 năm tranh cãi, cuối cùng hệ thống đồng hồ cũng được hoàn thành.
Vốn nổi tiếng về hệ thống đạt độ chính xác tới từng giây suốt cả trăm năm qua, nhưng trên thực tế tháp đồng hồ này từng chạy sai giờ. Năm 2015, giới chức Anh đã lên tiếng thừa nhận chiếc đồng hồ này bị chạy chậm 6 giây sau khi các nhân viên của đài BBC phát hiện ra. Tuy nhiên, điều này đã được nhóm kỹ sư khắc phục ngay sau đó để các con lắc có thể hoạt động chính xác hơn.
Từ trước tới nay chưa từng có tháp đồng hồ nào như Big Ben được xây dựng. Suốt hơn 150 năm, nó hoạt động gần như không ngừng nghỉ, thậm chí tồn tại sau hai cuộc Thế chiến thứ I và II. Vào thời điểm tòa tháp được xây dựng, nó trở thành một trong những tháp đồng hồ lớn nhất trên thế giới.
Để vào bên trong tháp và ngắm quả chuông Big Ben vốn là điều không dễ dàng. Các biện pháp an ninh luôn được thắt chặt, đồng nghĩa với việc rất ít người có thể vào trong. Tháp cũng không lắp thang máy. Nên những ai được vinh dự bước vào đều phải leo bộ trên cầu thang cao 334 bậc.
Men theo cầu thang xoắn ốc sẽ tới phòng Belfry là nơi đặt các quả chuông đồng hồ. Big Ben có tổng cộng 5 quả chuông, với quả lớn nhất ở trung tâm trùng với tên tòa tháp. 4 quả chuông bên ngoài được gọi là Quarter, có kích thước khác nhau.
Để tiếp cận khu vực bên trong tháp là điều không dễ dàng (Ảnh: News).
Khi búa gõ vào chuông sẽ tạo ra một nốt nhạc. Trong đó, mỗi chuông lại phát ra một nốt nhạc khác nhau. Sau 15 phút, chuông Quarter lại phát ra một phần của bản nhạc Westminster Chimes. Sau đó, mỗi giờ một lần, búa lại gõ lên quả chuông trung tâm Big Ben.
Nghe những hồi chuông ngân vang của tháp đồng hồ Big Ben
Được biết, số lượng các lần gõ sẽ cho người nghe biết "bây giờ là mấy giờ". Ví dụ, nếu thời điểm là 3 giờ, chuông sẽ điểm 3 lần. Mỗi tuần 3 lần, đồng hồ sẽ được lên dây cót. Nếu như trước kia, điều này được thực hiện thủ công, thì hiện nay đã có động cơ điện thay thế.
Vào năm 2017, tháp đồng hồ Big Ben trải qua lần cải tạo lớn. Cuộc đại trùng tu này đã thay thế đá và đồ kim loại nhằm đảm bảo tương lai của tòa tháp. Ngoài ra, công trình cũng đang được khôi phục lại màu sắc vốn có lúc đầu, trong đó, mặt đồng hồ là màu xanh dương rực rỡ. Việc cải tạo trên tháp hoàn thành vào mùa hè năm 2022.